UNESCO, L'Oreal khuyến khích phụ nữ Việt nghiên cứu khoa học

Buổi lễ trao học bổng của L'Oréal-UNESCO cho ba nữ khoa học gia Việt Nam năm 2010.

Sự mất cân bằng về giới trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở nhiều nơi trên thế giới lại một lần nữa được nhấn mạnh trong Ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay. Cùng với chủ đề đó, câu chuyện phụ nữ tuần này xin giới thiệu tới quí vị chương trình mang tên ‘Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học’ trong khuôn khổ hợp tác giữa UNESCO và công ty L’Oreal. Chương trình không chỉ đem đến những giải thưởng quốc tế để vinh danh các nữ khoa học gia có nhiều đóng góp cho cộng đồng mà còn cung cấp các khoản học bổng tại nhiều nước trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam, để khuyến khích thêm nhiều phụ nữ tham gia vào lĩnh vực khoa học, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về giới trong cộng đồng các nhà khoa học.

Tổng giám đốc Tổ chức Văn hóa Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc, gọi tắt là UNESCO, Koichiro Matsuura từng nói: “Phụ nữ hiện nay chỉ chiếm khoảng ¼ số lượng các nhà nghiên cứu và rất ít người nắm giữ các vị trí ra quyết định hay quyết định các vấn đề nghiên cứu. Đó là lý do vì sao vinh danh những phụ nữ là các nhà khoa học thành công là điều quan trọng bởi họ đang đóng vai trò hoàn hảo trong việc trở thành động lực cho giới nghiên cứu khoa học nữ trẻ tuổi, một thế hệ đang chứng kiến sự đổi thay không ngừng về vai trò và ảnh hưởng của phụ nữ trong công tác khoa học.”

Xuất phát từ thực tế đó cùng một nghiên cứu toàn cầu của công ty nghiên cứu thị trường TNS trong đó cho thấy tỷ lệ các nhà nghiên cứu khoa học nữ đang giảm dần, và với triết lý rằng: ‘Thế giới cần có khoa học, và khoa học cần những người phụ nữ tài năng’, chủ tịch công ty L’Oreal đã đi đến quyết định hợp tác với UNESCO để đưa ra chương trình mang tên ‘Vì sự Phát triển của Phụ nữ trong Khoa học’.

Bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Giám đốc truyền thông quốc tế của công ty L’Oreal ở Việt Nam cho biết thêm:

“Biết rằng phụ nữ khi đến với việc nghiên cứu khoa học họ gặp rất nhiều trở ngại, từ gia đình, từ định kiến của xã hội vẫn nghĩ rằng khoa học là thế giới của đàn ông chứ không dành cho phụ nữ, L’Oreal muốn cùng UNESCO mang đến nhiều cơ hội hơn cho những tài năng khoa học trong giới nữ giúp cho họ góp phần trong việc phát triển khoa học.”

Chương trình ‘Vì sự Phát triển Phụ nữ trong Khoa học’ của UNESCO và L’Oreal được bắt đầu từ năm 1998 với giải thưởng quốc tế dành cho các nhà khoa học nữ ở 5 châu lục. Đây là giải thưởng quốc tế đầu tiên trên thế giới dành để vinh danh những nhà khoa học nữ có những đóng góp cho sự phát triển khoa học, hoặc có những công trình nghiên cứu khoa học đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng. Những người ứng cử cho Giải thưởng sẽ được các nhà khoa học ở bất cứ nơi nào trên thế giới đề cử cho hai hội đồng giám khảo thế giới. Chủ tịch hội đồng giám khảo là các nhà khoa học đoạt giải Nobel.

Ngoài ra, ở cấp quốc tế, chương trình còn có học bổng dành cho các nữ khoa học gia trẻ:

“Để nuôi dưỡng các tài năng khoa học ở cấp độ quốc tế chương trình cũng đã thành lập chương học bổng nghiên cứu quốc tế dành cho những nhà khoa học nữ trẻ dưới 35 tuổi và có đề án khoa học được các phòng nghiên cứu của nước ngoài hoặc các trường đại học nước ngoài chấp thuận và sau khi nghiên cứu họ sẽ phải quay trở về đóng góp cho đất nước mình.”

Kể từ năm 2000, chương trình Học bổng quốc tế đã trao tặng cho các nhà nghiên cứu nữ có học vị Tiến sĩ và sau Tiến Sĩ từ 67 quốc gia để hỗ trợ họ làm nghiên cứu tại một số phòng thí nghiệm danh tiếng nhất trên thế giới.

Vào cuối năm 2008, để chương trình có thể mở rộng hơn, học bổng nghiên cứu quốc gia dành để hỗ trợ cho các phụ nữ đang theo đuổi các ngành nghề khoa học đã được giới thiệu tại nhiều nước trên khắp thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bà Trinh cho hay theo nhận xét của các nhà khoa học hàng đầu thì ở Việt Nam tỷ lệ phụ nữ nghiên cứu khoa học còn rất thấp và việc tham gia nghiên cứu khoa học cũng không dễ dàng.

“Người phụ nữ Việt Nam mình có vai trò truyền thống nặng nề hơn và họ quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc gia đình, vì thế nó cũng hạn chế một phần nào thời gian dành cho nghiên cứu khoa học. Một vấn đề nữa là ở cấp bậc đại học thì việc nghiên cứu khoa học cũng chưa được khuyến khích và đầu tư để cho các sinh viên nữ trong các ngành nghiên cứu khoa học nhìn thấy rằng khi họ học ngành nghiên cứu khoa học, họ có tiềm năng cũng như điều kiện để phát triển, đầu tư nghiên cứu và biến thành một công trình nghiên cứu khoa học thực thụ để mang lại lợi ích cho cộng đồng.”

Nhằm tạo điều kiện cho nhiều phụ nữ Việt Nam khắc phục những khó khăn này, công ty L’Oreal đã phối hợp với Ủy ban UNESCO của Việt Nam thành lập một chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học để hàng năm họ có thể trao học bổng cho 3 nhà nghiên cứu khoa học nữ với mức hỗ trợ là 150 triệu đồng cho một đề án khoa học được chọn.

Kể từ khi chương trình được khởi xướng ở Việt Nam vào năm 2008, tới nay đã có 6 đề án khoa học của 6 tiến sĩ nữ được trao giải.

Bà Tuyết Trinh cho biết một trong những tiêu chí lựa chọn đề án để trao giải là đề án đó phải mang tính chất mới mẻ:

“Một cái nữa là phải có tính triển vọng, tức là từ đề án này với sự tài trợ của L’Oreal là họ có thể tiến hành nghiên cứu bước đầu cơ bản để sau này đề án đó sẽ trở thành những công trình nghiên cứu khoa học thật sự và nghiêm túc. Điểm khác biệt trong việc tài trợ của L’Oreal là quyền sở hữu trí tuệ trong đề án khoa học này là thuộc của người nghiên cứu. Sau khi tiến hành bước đầu kiểm nghiệm và nghiên cứu thực tiễn của đề tài này, người nghiên cứu khoa học có thể tìm các nhà đầu tư tài trợ để biến nó thành một công trình nghiên cứu khoa học mang lại lợi ích cho cộng đồng. Trong vòng hai năm thì các chị phải báo cáo lại kết quả đã thực hiện theo như đề án mà các chị đưa ra.”

Vẫn theo bà Tuyết Trinh, mục tiêu dài hạn của chuơng trình là nhằm góp phần khuyến khích nhiều phụ nữ tham gia vào chương trình nghiên cứu khoa học, khuyến khích nhiều tài năng khoa học có điều kiện phát triển và cuối cùng sẽ góp phần thúc đẩy khoa học Việt Nam tiến xa hơn và tiến lên một bước ngang tầm với thế giới.

Quý vị có thể tìm hiểu thêm về chương trình tại địa chỉ: www.phunutrongkhoahoc.com