‘Đó thực sự là một màn đấu tố!’, đoạn video ghi lại câu nói đẫm nước mắt của Nguyễn Trang Nhung, cô gái tự ứng cử làm đại biểu Quốc hội Việt Nam, khi vừa bước ra khỏi hội trường của buổi tiếp xúc cử tri ở tổ dân phố tối 1/4 được nhiều người xem và chia sẻ trên mạng xã hội. Có nhiều người ủng hộ, động viên, cũng không ít người chỉ trích và xem việc tự ứng cử của cô là ‘điên’, ‘không tự lượng sức mình’… Nhưng cô gái 34 tuổi tuyên bố những khó khăn hay thất bại không làm cho cô nản chí, mà cô sẽ vẫn tiếp tục hành trình cho một Việt Nam dân chủ, tiến bộ và hùng cường.
VOA Tiếng Việt có cuộc trò chuyện với nữ ứng viên tự ứng cử vào Quốc hội khóa 14 - Nguyễn Trang Nhung. Mời quý vị theo dõi sau đây.
Nguyễn Trang Nhung tốt nghiệp cử nhân Luật tại Sài Gòn, kỹ sư tin học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội và có bằng Thạc sỹ Tài chính Ngân hàng của Singapore. Cô hiện là kỹ sư công nghệ thông tin cho một công ty tin học ở Sài Gòn.
Với khẩu hiệu “Tiếp cận, lắng nghe và phục vụ”, cô gái trẻ mong muốn đem kiến thức và tâm huyết để phục vụ cho người dân, qua vai trò đại diện trước quốc hội để phản ánh ý chí, nguyện vọng của họ với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan.
Trong cuộc phỏng vấn với VOA, Trang Nhung cho biết lý do khiến cô không kiềm chế được cảm xúc sau cuộc tiếp xúc cử tri ở tổ dân phố:
Nguyễn Trang Nhung: Trước khi hội nghị cử tri nơi cư trú diễn ra, em vẫn còn niềm tin nào đó vào sự tử tế của những người tổ chức hội nghị cử tri này, tức là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc. Rồi em cũng có một sự tự tin nhất định vào cử tri tại đó vì có một số người mà em cho là trí thức và hiểu biết về tình hình đất nước. Và trong quá trình hội nghị diễn ra thì em đinh ninh là em có một số phiếu bầu.
Theo sự quan sát của em, có 3 người kiểm phiếu, 2 trong số đó cầm 2 tập giấy khác nhau, em đoán là 1 tập giấy tín nhiệm và 1 tập giấy không tín nhiệm. Khi tập giấy ít hơn được đếm, em cũng nhẩm đếm theo và thấy có 20 tờ. Em đoán là có khoảng 20 phiếu tín nhiệm cho em. Nhưng khi kết quả đọc lên thì em rất bất ngờ. Lúc đầu họ đọc là 1 phiếu, tức 1,61%, thì em cho là có sự nhầm lẫn nào đó. Nhưng khi họ lặp lại là 1 phiếu, 1,61%, thì em thấy ngỡ ngàng. Lúc đó em vẫn kiểm soát được cảm xúc của mình. Tuy nhiên khi ra đến cổng, nhận được sự ủng hộ
Your browser doesn’t support HTML5
VOA: Tại sao bạn không yêu cầu được kiểm phiếu?
Nguyễn Trang Nhung: Trên thực tế, em có yêu cầu. Tuy nhiên họ từ chối và cho rằng điều này không có trong quy trình của hội nghị. Khi em yêu cầu nhiều lần, có một cử tri đã nêu ý kiến rằng đề nghị niêm phong các phiếu bầu lại. Nếu em có khiếu nại hay kiến nghị gì thì làm đơn lên ủy ban bầu cử và lúc đó họ có thể kiểm lại phiếu. Tại thời điểm đó, ban tổ chức đã đồng ý. Tuy nhiên khi các cử tri ra về hết, em vẫn còn ở lại để yêu cầu niêm phong thì họ lại không thực hiện. Họ nói điều này không có trong quy trình bầu cử. Thành ra không có cách nào để em biết được là số phiếu tín nhiệm thực sự dành cho mình là bao nhiêu.
VOA: Trang Nhung là phụ nữ, lại trẻ, tại sao bạn lại có ý tưởng làm một việc dính dáng đến nghị trường Việt Nam?
Nguyễn Trang Nhung: Đó là vì em có mối quan tâm đủ lớn cho các vấn đề chính trị - xã hội, thứ nữa em cho rằng em có đủ phẩm chất để trở thành người đại diện hay là một người trong cơ quan nhà nước. Em không cho rằng đây là một công việc không phù hợp với phụ nữ, thậm chí ngược lại, vì phụ nữ có tố chất là quan tâm tới người khác, chu đáo, đáng tin cậy và ít tham nhũng hơn so với nam giới. Tất nhiên để có thể trở thành một người của cơ quan nhà nước, thì cần phát huy những yếu tố khác nữa ngoài những yếu tố vừa nêu. Nhưng em cho rằng phụ nữ có đủ những tố chất cần thiết, thậm chí có lợi hơn so với nam giới khi tham gia vào chính trị.
VOA: Từ lúc nào mà Trang Nhung có hứng thú về chính trị như thế này?
Nguyễn Trang Nhung: Thời điểm em bắt đầu quan tâm tới chính trị - xã hội là khi em 24 tuổi. Đó là vào năm 2006. Khi đó, chính trị Việt Nam có một chút chuyển biến khi có tiếng nói của những người đối lập. Lúc đó em đã tìm hiểu khá nhiều về các vấn đề chính trị - xã hội, rồi về lịch sử Việt Nam và từ đó khám phá ra nhiều điều mà em chưa từng biết. Trước tuổi đó, em cũng giống như bao người, cũng đi học và cũng chỉ quan tâm tới những vấn đề thiết thân nhất mà thôi. Từ năm 2006 trở lại, em quan tâm và tham gia bằng những cách thức trong khả năng của mình, chẳng hạn như viết các tiểu luận về chính trị, dịch các bài vở về pháp luật hay triết học, giúp đỡ người dân trong những vấn đề về pháp lý, các tranh chấp đất đai và nhiều cách thức khác nữa. Gần đây như mọi người thấy, em đã tham gia tự ứng cử đại biểu khóa 14. Em cho rằng đây là con đường hữu hiệu để có thể đóng góp cho xã hội, cho đất nước.
VOA: Gia đình và bạn bè có ủng hộ cho bạn tham gia vào chuyện này không?
Nguyễn Trang Nhung: Gia đình em ủng hộ trong một chừng mực nhất định. Chẳng hạn như bố em, bố em tuy không thể hiện ý kiến nhưng em biết chắc rằng ông vẫn đang dõi theo hành trình của em, ông vẫn đang đọc Facebook của em. Dù không nói ra nhưng em vẫn cảm nhận được là ông ủng hộ. Còn anh và em trai em thì thể hiện ra là có quan tâm và hy vọng em sẽ đạt được kết quả tốt. Còn bạn bè em, những người thân thiết nhất thì tất nhiên rồi, họ đã hiểu em và họ luôn ủng hộ.
VOA: Những người ủng hộ đó họ đánh giá về mức độ thành công của Trang Nhung trong việc tranh cử như thế nào?
Nguyễn Trang Nhung: Họ đều là những người hiểu biết về tình hình chính trị - xã hội của Việt Nam nên họ cho rằng khả năng mà em trúng cử đại biểu quốc hội không cao. Tuy nhiên họ vẫn cổ vũ em bởi vì họ biết là những điều mà em đang làm tạo ra sự thắng lợi về tinh thần, hay sự thắng lợi về nhiều phương diện khác, chẳng hạn em đã cổ vũ cho mọi người quan tâm hơn về chính trị, làm cho mọi người nhận thức rõ hơn về tình hình chính trị - xã hội Việt Nam và làm cho họ hiểu biết rõ hơn về luật bầu cử.
VOA: Có bao giờ bạn gặp những người coi thường việc bạn đang làm, coi đó là một chuyện không thực tế?
Nguyễn Trang Nhung: Những ý kiến cho rằng việc làm của em điên rồ và không thực tế thì cũng có, tuy nhiên đó chỉ thể hiện qua một số comments trên Facebook thôi. Em không cho đó là những trở ngại vì những ý kiến khác biệt thì ở đâu cũng có và một thiểu số những ý kiến khác biệt đó không thành vấn đề đối với em. Còn một số vấn đề khác, chẳng hạn như trong quá trình em tiếp xúc với cư dân ở khu phố mình chẳng hạn, em cho là có người theo dõi. Bởi vì khi em đi đến một số để giới thiệu về bản thân và em phát tờ giấy, trong đó có ghi thông tin về bản thân và một vài nét về chương trình hành động của mình thì không lâu sau, ông Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc là ông Trần Văn Vinh đã đến ngay hộ dân mà em đang tiếp xúc và lập biên bản về việc em giới thiệu về mình tại nơi cư trú vì ông cho rằng việc em làm là tuyên truyền, vận động bầu cử, điều không được phép trước một thời hạn nhất định so với thời điểm diễn ra bầu cử quốc gia vào tháng 5. Đó là một số trở ngại. Tuy nhiên em cũng không cho là có vấn đề gì lắm
VOA: Xét về tình hình chung thì đúng là khả năng thành công của bạn là rất thấp, bạn có nản chí không?
Nguyễn Trang Nhung: Không chị ạ. Mặc dù cũng hướng tới mục tiêu trúng cử, nhưng đây chỉ là mục tiêu nhỏ thôi. Mục tiêu lớn hơn là làm sao thu hút được sự quan tâm của dư luận, làm sao để mọi người ý thức được quyền của mình trong việc làm chủ đất nước để họ có thể tham gia sâu hơn vào chính trị vì điều đó có thể làm thay đổi đất nước theo hướng tốt đẹp hơn.
Hôm 5/4, Nguyễn Trang Nhung cho biết tại cuộc tiếp xúc cử tri nơi công tác của cô, công ty LegiGear Việt Nam, Trang Nhung đã giành được 100% phiếu tín nhiệm của đồng nghiệp.
Trước đó hôm 4/4, các ứng cử viên độc lập khác ở Hà Nội như Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, bà Đặng Bích Phương, bà Nguyễn Thúy Hạnh đã gửi kiến nghị liên quan đến việc tổ chức hội nghị cử tri, trong đó có yêu cầu quá trình kiểm phiếu phải diễn ra công khai và có sự giám sát của các bên liên quan.