Tin cho hay Tổng thống Donald Trump sắp tới đây sẽ đề cử giáo sư Đại học Georgetown Victor Cha vào chức vụ Đại sứ Hoa Kỳ tại Hàn Quốc. Bổ nhiệm một chuyên gia có uy tín về các vấn đề Bắc Triều Tiên như vậy sẽ lấp đầy một vị trí ngoại giao quan trọng cần thiết để quản lý những bất đồng đáng kể giữa Washington và Seoul về cách đối phó với các vụ thử nghiệm hạt nhân và tên lửa ngày càng khiêu khích hơn của Bắc Triều Tiên.
Ông Victor Cha, người Mỹ gốc Triều Tiên, là Giám đốc Viện nghiên cứu châu Á của đại học Georgetown, kiêm Giám Đốc đặc trách nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.
Ông từng là Phó Trưởng đoàn Mỹ tại các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush. Giáo sư Cha là tác giả của nhiều đầu sách phân tích tình hình an ninh châu Á, như quyển “The Impossible State: North Korea, Past and Future”, xuất bản năm 2012.
Hoài nghi chính sách ‘Ánh Dương mới’, mời gọi Bắc Hàn
Ra điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng Tư năm nay, ông Cha bày tỏ quan ngại về sự ủng hộ ngày càng tăng ở Hàn Quốc cho nỗ lực theo đuổi cách tiếp cận hòa giải hơn với Bắc Triều Tiên, bằng viện trợ và các biện pháp khích lệ kinh tế nhằm giảm căng thẳng và ngăn ngừa xung đột.
Ông nói:
"Tôi nghĩ rằng chính sách hòa giải, mời gọi Bắc Triều Tiên tham gia không hoàn toàn sai lầm, nhưng bây giờ không phải lúc".
Nếu được bổ nhiệm vào chức Đại sứ Hoa Kỳ ở Seoul, quan điểm của ông Cha, hoài nghi chính sách hòa giải và khích lệ để đối phó với Bắc Triều Tiên, có thể đẩy ông vào thế mâu thuẫn với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người vẫn ủng hộ một chính sách song song, vừa mạnh mẽ hậu thuẫn các biện pháp trừng phạt, vừa tăng cường nỗ lực hòa giải và khích lệ đối với Bắc Triều Tiên.
Chính quyền của ông Moon đã tìm cách làm giảm nhẹ những sự khác biệt tiềm tàng với chiến lược tăng "áp lực tối đa" của Tổng thống Mỹ Donald Trump, theo đó cần áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế gắt gao để buộc lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un phải ngồi vào bàn đàm phán về việc phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, Tổng thống Moon nói áp lực không mà thôi, không răn đe được Bắc Triều Tiên. Một số giới chức chính quyền ở Seoul đã lên tiếng ủng hộ chiến lược giảm áp lực kinh tế bằng cách mở lại Khu Công nghiệp Kaesong, một dự án phát triển kinh tế chung giữa hai miền bán đảo Triều Tiên, nơi mà các công ty Hàn Quốc tuyển dụng hàng ngàn công nhân Bắc Triều Tiên làm việc cho họ. Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã đóng cửa khu Kaesong hồi năm 2016 dựa trên lập luận rằng tiền dành cho các công nhân đã bị trưng dụng và chi vào các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
Sau khi gặp gỡ ông Moon hồi tháng 8 trong khuôn khổ một chuyến đi thăm Hàn quốc của một phái đoàn quốc hội Mỹ, dân biểu Đảng Dân chủ Carolyn Maloney, đại diện bang New York, cho hay Tổng thống Nam Triều Tiên đã lên tiếng ủng hộ việc mở lại khu công nghiệp Kaesong như một cử chỉ nhân đạo. Nhưng cho đến nay Bắc Triều Tiên vẫn bác bỏ mọi đề nghị đối thoại và hợp tác.
Dân biểu Maloney:
“Ông Moon nhắc đến đề nghị mở lại khu công nghiệp Kaesong như một vấn đề nhân đạo, liệu ông có ủng hộ và đẩy mạnh đề xuất đó hay không, ông cho biết đã giang cánh tay mời gọi Bình Nhưỡng đàm phán, nhưng cho tới bây giờ vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng.”
Hồi tháng 4, Giáo sư Victor Cha nói mở lại khu công nghiệp Kaesong là "không khôn ngoan", có thể gây chia rẽ với Hoa Kỳ và thậm chí, với cả Trung Quốc, là nước ủng hộ các biện pháp trừng phạt gắt gao hơn đối với Bắc Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Cha chia sẻ quan ngại của nhà lãnh đạo Hàn Quốc rằng một cuộc tấn công quân sự của Mỹ nhắm vào Bắc Triều Tiên sẽ có hệ quả thảm khốc, và có nguy cơ dẫn đến chiến tranh làm hàng triệu người thiệt mạng.
Áp lực từ Trung Quốc
Về vấn đề thực thi các biện pháp trừng phạt của Trung Quốc, ông Victor Cha mạnh mẽ ủng hộ lập trường của chính phủ Trump, cho rằng Bắc Kinh nên gánh vác trách nhiệm kiềm chế đồng minh của mình ở Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điều trần trước Quốc hội vào tháng Tư vừa rồi, ông Victor Cha nói:
"Trung Quốc chắc chắn là một phần của một giải pháp nhằm ngăn chặn Bắc Triều Tiên, nhưng Trung Quốc cũng có thể là một phần của vấn đề".
Gần 90% hoạt động thương mại của Bắc Triều Tiên diễn ra dọc theo biên giới với Trung Quốc. Sau khi đồng ý hợp tác với Bắc Kinh hồi tháng 3 để tăng áp lực với Bắc Triều Tiên, chính quyền Trump hồi tháng Bảy bày tỏ thất vọng về tình trạng các biện pháp trừng phạt không được thực thi.
Tin cho hay Bắc Kinh lo ngại các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt có thể gây bất ổn ở vùng biên giới nước họ, dẫn tới sự sụp đổ của chế độ Kim Jong Un, và như thế các đồng minh của Mỹ sẽ chiếm quyền kiểm soát toàn bộ bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc nhiều lần kêu gọi tất cả các bên hãy tự chế và ngồi xuống bàn đàm phán, đề nghị các chường trình hỗ trợ kinh tế và bảo đảm an ninh cho Bắc Triều Tiên, để đánh đổi việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Viết trên tờ The Washington Post hồi tháng 7, ông Victor Cha kêu gọi Bắc Kinh đóng vai trò lãnh đạo để đảm bảo sự tuân thủ của Bắc Triều Tiên, bằng cách gắn liền thương mại với việc hủy bỏ chương trình hạt nhân.
Ông Cha viết.
"Thương mại về cơ bản là những khoản giải ngân của Trung Quốc cho Bình Nhưỡng, cùng với các đảm bảo về an ninh, để đánh đổi những giới hạn trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, Trung Quốc không chỉ trả tiền để cung cấp than cho Bắc Triều Tiên, mà còn trả tiền để nước này tuân thủ thỏa thuận".
Trong quá khứ, Hoa Kỳ đã trả cho Bắc Triều Tiên hơn nửa tỉ đô la tiền hỗ trợ năng lượng cho miền Bắc, dựa trên những thỏa thuận nhằm phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Thỏa thuận đó cuối cùng đã tan vỡ. Theo ông Cha, bây giờ là lúc Trung Quốc phải giữ lời cam kết, nếu không, sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt phụ trội của Hoa Kỳ.