Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF cảnh báo là làn sóng di dân trẻ em từ Trung Mỹ đổ vào Hoa Kỳ tiếp tục lên cao, dù có những nguy hiểm trong cuộc hành trình và nguy cơ bị trục xuất.
Trong một phúc trình được đưa ra ngày thứ Ba, UNICEF cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, 26.000 trẻ em không có người lớn đi kèm bị bắt tại biên giới Mỹ. Gần 30.000 người lớn và trẻ em đi chung như một gia đình. Hầu hết di dân này gốc El Salvador, Guatemala và Honduras là 3 nước nghèo nhất và nguy hiểm nhất trên thế giới.
Ông Patrick Moser, tác giả phúc trình nói: “Con số này rất cao, rất cao. Không có chỉ dấu nào cho thấy con số này sẽ thấp hơn. Điều kiện sống trong nước tệ hại đến nỗi trẻ em sẽ tiếp tục ra đi.”
Các gia đình trả một số tiền khổng lồ cho những kẻ chuyển lậu người, thường được gọi là chó sói đồng cỏ, để đưa những người này và con cái họ lên miền bắc để có một tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên đối với nhiều người, chuyến đi đầy bạo lực. Đặc biệt các thiếu nữ gặp nguy cơ bị hiếp dâm. Trẻ em di dân cũng phải vượt qua các sa mạc khô cằn và những con sông để đến Hoa Kỳ.
Nhiều người không bao giờ đến được nước Mỹ. Năm nay có hơn 16.000 trẻ em di dân bị bắt tại Mexico. Hàng trăm em khác sẽ chết trong cuộc hành trình nguy hiểm và khó khăn, và nhiều em mất tích trong tay những kẻ bắt cóc, buôn người và những tên giết người.
Hàng ngàn di dân bị trục xuất
Những người đến được nước Mỹ phải đối mặt với việc bị giam giữ và trục xuất.
Theo thống kê của Cơ quan Di trú và Hải quan Mỹ được ghi trong phúc trình của UNICEF, có hơn 75.000 người có quốc tịch El Salvador, Guatemala và Honduras bị trục xuất trong năm 2015. UNICEF nói đối với trẻ em thì đây “chung cuộc là án tử hình” khi đưa những em trốn thoát băng đảng và những tội phạm có tổ chức, trở về nhà thì các em có nguy cơ bị tấn công, bị hãm hiếp và bị giết hại.
Ông Moser nói “Chúng ta cần phải nhớ rằng dù tình trạng di trú hay quốc tịch của các em là gì đi chăng nữa thì trẻ em đầu tiên và quan trọng hơn hết cũng vẫn là trẻ em. Các em đáng được bảo vệ, và các em cần được bảo vệ.”
Ông Moser nói điều này có nghĩa là các em cần được an toàn tránh khỏi bạo động băng đảng, hay những tổ chức buôn bán ma túy tại quốc gia quê hương của các em. Các em cần được bảo vệ an toàn trong cuộc hành trình di dân, cần được bảo vệ tránh khỏi bị bắt cóc hay buôn người.
Khi trẻ em di dân không có người lớn đi kèm bị bắt tại biên giới Mỹ, các em được đưa đến các nơi tạm trú do chính phủ điều hành hay được đưa vào các nhà chăm sóc trẻ em. UNICEF cho biết các em thường ở trong tình trạng này khoảng 1 tháng, và sau đó được trao cho những người bảo lãnh là thân nhân của các em.
Không có được những nguồn pháp lý
Tuy nhiên phúc trình cho biết nhiều em không tự động có luật sư di trú bênh vực. Một số em được các tổ chức từ thiện giúp về phương diện pháp lý miễn phí, những em khác phải tự xoay xở lấy trong một hệ thống pháp luật xa lạ.
Ông Moser nói thêm là “tại Mỹ, bị can có luật sư được tòa chỉ định bênh vực trong một vụ hình sự. Những vụ về di trú là những vụ dân sự nên các em không tự động có được luật sư miễn phí do tòa chỉ định".
Theo thống kê trích ra từ phúc trình của UNICEF, khoảng 40% trẻ em không có luật sư dễ bị trục xuất hơn là những trẻ em có người đại diện. Những em có luật sư chỉ có tỉ lệ bị trục xuất là 3%.
UNICEF nói trẻ em không nên bị giam giữ và nên được tiếp cận hoàn toàn với việc chăm sóc sức khỏe và những dịch vụ khác, cũng như được phép sống với gia đình khi nào có thể được.
Đối với những em bị trả về quê nhà, UNICEF làm việc với chính quyền địa phương và những tổ chức đối tác để giúp các em bị chấn thương về tinh thần và thể chất trong cuộc hành trình và giúp các em sẵn sàng trở lại trường học.