Các nước giàu không thỏa mãn nhu cầu cho trẻ em nghèo

  • Lisa Schlein

Phúc trình nhận thấy trẻ em tại nhiều nước giàu có ở châu Âu và Hoa Kỳ chịu đựng sự bất công lớn và tụt hậu về phúc lợi vật chất, sức khỏe và giáo dục

Một bản phúc trình mới nhận thấy trẻ em tại nhiều nước giàu có ở châu Âu và Hoa Kỳ chịu đựng sự bất công lớn và tụt hậu về phúc lợi vật chất, sức khỏe và giáo dục. Một cuộc khảo cứu của Quỹ Nhi đồng Quốc tế Liên hiệp quốc lần đầu tiên xếp hạng 24 quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD dựa vào thành tích về thăng tiến bình đẳng phúc lợi trẻ em. Thông tín viên VOA Lisa Schlein ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Bản phúc trình nhận định nhiều nước Bắc Âu, cũng như Ireland, Thụy Sĩ, và Hà Lan có thành tích tốt nhất trong việc giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng đối với trẻ em.

Trong số các nước có thành tích tệ hại nhất có Italia, Hoa Kỳ, Hy Lạp, Bỉ và Anh. Những nước này bị xem là để cho các trẻ em yếu đuối nhất bị tụt hậu xa so với các nước được xếp hạng đầu.

Phát ngôn viên Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc UNICEF, ông James Elder nói với đài VOA rằng việc xếp hạng dựa vào 3 chỉ số toàn diện – là sức khỏe, giáo dục, và phúc lợi vật chất.

Ông Elder nói: “Hoa Kỳ bị xếp hạng chót cùng với Hy Lạp và Italia. Nghĩa là cả ba nước này đều có thành tích kém cỏi. Thành tích nằm dưới mức trung bình của OECD về sức khoẻ, giáo dục, và phúc lợi vật chất. Cả ba chỉ số này đều ở mức dưới trung bình của OECD.”

Để so sánh, bản phúc trình nêu ra rằng Bồ Đào Nha được xếp hạng gần đầu trong việc giảm thiểu tình trạng bất bình đẳng về sức khỏe cho các em nghèo nhất trong nước. Thụy Sĩ xếp hạng cao nhất trong việc giảm thiểu sự bất bình đẳng về vật chất. Bản phúc trình nói rằng Áo là một trong những nước có thành tích kém nhất về mặt bất bình đẳng trong thành tích giáo dục trẻ em, trong khi Ireland được xếp hạng gần đầu.

Ông Elder cho biết những tai hại về việc trẻ em bị tụt hậu rất nghiêm trọng cả cho chính đứa trẻ lẫn cho xã hội. Ông nói trẻ em thiếu thốn có nhiều nguy cơ bị suy dinh dưỡng, học vấn thấp, bị căng thẳng và kém phát triển kinh niên.

Ông Elder nói tiếp: “Trẻ em có một cơ hội để phát triển về tinh thần và thể chất. Một cơ hội mà thôi. Và nếu không có cơ hội đó, thì gia đình không nắm bắt được đúng lúc để phát triển thích đáng. Ta thấy sẽ có nhiều nguy cơ giảm sút về hiệu năng... nhiều nguy cơ các em gái mang thai trong tuổi vị thành niên, nhiều nguy cơ dùng rượu và ma túy hơn. Thiệt hại toàn bộ cho xã hội về lâu về dài, xét về thiệt hại cho phúc lợi, cho hệ thống y tế và không thu được thuế.”

Ông Elder nói nhu cầu việc lơ là không lý tới các nhu cầu của trẻ em nghèo khó nhất sẽ có những hậu quả lâu dài và thiệt hại suốt đời. Ông nói điều nầy đặc biệt đúng trong những thời kỳ xáo động về kinh tế và tài chính như lúc này.

Theo bản phúc trình của UNICEF, trong thời buổi khó khăn, trẻ em nghèo khó nhất phải là những người đầu tiên cần được bảo vệ, chứ không phải là những người cuối cùng được cứu xét tới. Bản phúc trình nói rằng các chính phủ có trách nhiệm chính phải bảo đảm rằng các thành viên yếu đuối nhất trong xã hội được bảo vệ.