Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của Ban Việt Ngữ VOA, tiến sĩ Linda Pratt, Hiệu trưởng đại học Nebraska, một thành viên trong phái đoàn đến Việt Nam cho biết thêm về mục đích của chuyến đi:
Tiến sĩ Linda Pratt: Chúng tôi nghĩ rằng đại học Nebraska tượng trưng cho trái tim của Hoa Kỳ. Trường chúng tôi có nhiều mối quan tâm chung với phía Việt Nam ví dụ như trong lĩnh vực nông nghiệp hay nhiên liệu bền vững. Mục đích của chuyến đi này là giúp giới hữu trách trong lĩnh vực giáo dục bậc cao ở Việt Nam làm quen với đại học Nebraska, và đồng thời để tìm hiểu các khả năng hợp tác. Dĩ nhiên chúng tôi cũng hy vọng có nhiều sinh viên Việt Nam quan tâm và muốn theo học một số chương trình tại trường của chúng. Kỹ thuật và nông nghiệp là hai lĩnh vực chính của chúng tôi.
VOA: Điều gì đã khiến trường đại học Nebraska đưa Việt Nam vào chương trình hợp tác giáo dục của mình?
Tiến sĩ Linda Pratt: Chúng tôi nghĩ rằng Việt Nam là nước có tương lai rất tươi sáng phía trước. Việt Nam nằm trong danh sách 10 nước có học sinh sang Mỹ du học nhiều nhất trên thế giới. Đó là một tín hiệu cho thấy nước này đang chuẩn bị mở rộng phát triển các mối quan hệ toàn cầu. Hơn nữa, các lĩnh vực quan tâm chung giữa trường chúng tôi và Việt Nam có thể mang lại sự hợp tác hiệu quả, và qua các chương trình trao đổi giáo dục, học sinh Việt Nam có thể học tập nhiều kiến thức bổ ích từ trường chúng tôi. Nebraska như là một vựa lương thực của Hoa Kỳ nằm ngay giữa miền Trung nước Mỹ với đất đai nông nghiệp trù phú cùng với số lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp.
VOA: Mục tiêu đề ra là trao đổi giáo dục và giáo dục bậc cao đến thời điểm này đã có những kế hoạch cụ thể như thế nào? Đã có thời gian hoạch định cụ thể cho các chương trình trao đổi giáo dục thế nào chăng, thưa tiến sĩ?
Tiến sĩ Linda Pratt: Ngay thời điểm này chúng tôi chỉ mới ở bước tìm hiểu xem nhu cầu của học sinh, giảng viên, cũng như cấp điều hành giáo dục tại Việt Nam như thế nào, để xem chúng tôi có thể đưa ra những lời đề nghị như thế nào để đáp ứng. Ưu tiên của chúng tôi hiện giờ là thu hút nhiều sinh viên quốc tế. Khu vực miền Tây và miền Đông Hoa Kỳ có vẻ thu hút nhiều du học sinh nước ngoài hơn so với vị thế nằm ở trung phần của trường chúng tôi. Vì vậy, chúng tôi phải nỗ lực nhiều hơn để phổ biến danh tiếng của mình ra thế giới. Mối quan tâm đó cộng với các nguồn quỹ mới dành cho học bổng, chúng tôi hy vọng có thể trao các nguồn học bổng đó đến tay một số sinh viên tại Việt Nam.
VOA: Thưa tiến sĩ, hiện nay đại học Nebraska có các chương trình học bổng nào dành riêng cho học sinh Việt Nam không?
Tiến sĩ Linda Pratt: Có một số học bổng tư dành cho học sinh Việt Nam nhưng chúng tôi chưa đặt ra một chương trình học bổng cụ thể dành riêng cho sinh viên Việt Nam.
VOA: Hiện tại có những mối quan ngại hoặc khó khăn gì trong các kế hoạch của trường đối với Việt Nam?
Tiến sĩ Linda Pratt: Chúng tôi nghĩ khó khăn chính là ở chỗ bang Nebraska và trường đại học Nebraska chưa mấy phổ biến với người Việt Nam so với các bang khác như Cali hay New York.
VOA: Tiến sĩ nghĩ sao về hệ thống giáo dục tại Việt Nam?
Tiến sĩ Linda Pratt: Tôi rất ấn tượng về số lượng trường đại học tại Việt Nam và sự phát triển nhanh chóng của chúng. Sau những năm chiến tranh kéo dài mà có được số lượng trường đại học như thế và đang tiến tới những mức chất lượng thì quả là đáng kể. Điều này chứng tỏ một quyết tâm sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục.
VOA: Còn về mặt chất lượng, theo tiến sĩ, hệ thống đại học của Việt Nam cần phải thực hiện các bước như thế nào để đạt các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế như kỳ vọng?
Tiến sĩ Linda Pratt: Tôi nghĩ học sinh Việt Nam cần có kiến thức vững vàng về ngoại ngữ, toán, kỹ năng giao tiếp và khoa học kỹ thuật. Khi hòa vào thế giới, người ta cần phải có các kỹ năng đó, và cần phải được rèn luyện thường xuyên. Đây là những kỹ năng rất được chú trọng trong nền giáo dục Hoa Kỳ.
VOA: Hiện có bao nhiêu du học sinh người Việt Nam đang theo học tại đại học Nebraska?
Tiến sĩ Linda Pratt: Khoảng vài chục, riêng tại trường Lincohn có 18 em, tại những trường khác cũng trên dưới một chục em.
VOA: Nếu mọi chuyện diễn ra suông sẻ, chúng ta có thể trông đợi những gì sau chuyến đi này?
Tiến sĩ Linda Pratt: Tôi rất mong trong 2 năm tới đây số học sinh Việt Nam theo học tại trường đại học Nebraska sẽ nhân đôi và sẽ tiếp tục được tăng đôi trong những năm kế tiếp. Chúng tôi có một chương trình mới dành cho đội ngũ giảng viên gọi là Global Gateway, nhằm tài trợ cho họ ra nước ngoài trong các chương trình trao đổi giáo dục. Tóm lại, chúng tôi đầu tư không chỉ trong lĩnh vực trao đổi sinh viên mà cả giảng viên nữa. Tôi hy vọng trong 5 năm sẽ có sự hiện diện của nhiều sinh viên cũng như giảng viên Việt Nam tại trường đại học của chúng tôi.
VOA: Xin cảm ơn tiến sĩ Pratt đã dành cho VOA Việt ngữ cuộc trao đổi này.
Một phái đoàn giới chức cấp cao của đại học Nebraska, Hoa Kỳ, đã có mặt tại Việt Nam trong nỗ lực hợp tác, trao đổi giáo dục song phương. Đây là chuyến thăm đầu tiên nhằm mở ra mối liên hệ trong lĩnh vực giáo dục giữa trường đại học Nebraska, miền Trung Hoa Kỳ, với Việt Nam. Tại Việt Nam, phái đoàn thăm khoảng 10 trường đại học ở 4 thành phố lớn bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, và Huế.