UNPO quan ngại việc Việt Nam kết án ‘bất công’ các nhà sư, phật tử Khmer Krom

Các nhà sư và phật tử Khmer tại phiên tòa ngày 26/11/2024 ở Vĩnh Long. Photo YouTube THVL.

Tổ chức Các Quốc gia và Dân tộc Không có Đại diện (UNPO) vừa bày tỏ quan ngại về việc tòa án Việt Nam kết án 9 nhà sư và nhà hoạt động Phật giáo Khmer-Krom, cho rằng đây là một bằng chứng nữa về “sự đàn áp có hệ thống” đối với cộng đồng người Khmer-Krom bản địa.

“Vào ngày 26/11/2014, sau 8 tháng bị giam giữ bất công, từ chối luật sư và buộc nhận tội, tòa án Việt Nam đã tuyên những bản án nặng và vô căn cứ” đối với những cá nhân này với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, UNPO nêu ra trong thông cáo hôm 2/12.

“Việc đàn áp và kết án bất công những người Khmer-Krom vì họ thực hành Phật giáo Nguyên thủy một cách ôn hòa là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của chính phủ Việt Nam nhằm loại trừ và đàn áp cộng đồng này vì họ thực hành tôn giáo và khẳng định quyền tôn giáo của họ”, tổ chức UNPO có trụ sở ở Hà Lan đưa ra nhận định.

Như tin đã đưa, tòa án ở tỉnh Vĩnh Long hôm 26/11 tuyên án từ 2 năm đến 6 năm tù tùy từng người đối với 9 nhà sư và các nhà hoạt động cho quyền của người Khmer-Krom sau khi cáo buộc họ phạm tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “bắt giữ người trái phép.”

UNPO cho rằng phiên tòa này là sự tiếp nối đáng báo động của hình thái đàn áp ở Việt Nam và minh chứng thêm về quyết tâm của chính phủ nước này trong việc “bịt miệng những người bất đồng chính kiến”.

“Những hành động như vậy vi phạm các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế, bao gồm Tuyên bố của Liên Hiệp Quốc về Quyền của người bản địa (UNDRIP) và Công ước chống tra tấn của Liên Hiệp Quốc”, UNPO nhận xét.

XEM THÊM: Việt Nam phạt tù 9 nhà sư, nhà hoạt động Khmer Krom

UNPO, tổ chức bênh vực cho những người không có đại diện trên toàn thế giới, đồng thời thúc đẩy đối thoại với cộng đồng quốc tế, nói rằng họ sẽ tiếp tục hỗ trợ người Khmer-Krom và các cộng đồng không có đại diện khác, sử dụng nền tảng của mình để khuếch đại tiếng nói và ủng hộ các quyền cơ bản của những người đó.

“Trường hợp này nêu bật nhu cầu cấp thiết phải chống lại sự phân biệt đối xử có hệ thống mà các nhóm bản địa và bị gạt ra ngoài lề xã hội phải đối mặt, đồng thời kêu gọi chính phủ Việt Nam cần phải ủng hộ và bảo vệ quyền tự do tôn giáo của người Khmer-Krom”, UNPO kêu gọi.

VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra bình luận về các phát biểu trên của lãnh đạo UNPO, nhưng chưa được phản hồi.

Truyền thông do nhà nước Việt Nam quản lý tường thuật rằng nhà sư Thạch Chanh Đa Ra bị phạt 6 năm tù, nhà sư Dương Khải bị tuyên 5 năm 9 tháng tù; trong khi hai phật tử Kim Khiêm 3 năm tù và Thạch Ve Sanal 2 năm 6 tháng tù.

Các nhà sư Thạch Quí Lầy, Kim Sa Rương, Thạch Chóp, và các phật tử Kim Khu, Thạch Nha cùng nhận mức án mỗi người 2 năm tù.

Ông Kim Som Rinh, một nhà sư Khmer-Krom ở Trà Vinh, bày tỏ sự bất bình với VOA về việc chính quyền bắt giam và xét xử đối với nhóm các nhà sư và phật tử ở Vĩnh Long.

“Tôi và những người dân Khmer-Krom bản địa có nhiều bức xúc và không đồng tình”, ông Kim Som Rinh nói về bản án đối 9 người Khmer Krom bị tuyên hơn 26 năm tù. “Từ lúc bắt người đến hiện giờ thì tôi cảm thấy nản lòng lắm. Nghĩ đến chuyện này mà không thốt ra lời. Rất là bức xúc”.

“Lẽ ra án không đến nỗi nặng như vậy. Tôi không đồng tình với chính quyền việc áp dụng điều luật như thế. Ai cũng nói là phi lý. Bản án rất là nặng, họ đâu có tội gì đâu mà bị bắt”, nhà sư Khmer hiện tu tại gia đưa ra nhận định.

Your browser doesn’t support HTML5

Tổ chức Nhân quyền châu Á chỉ trích Việt Nam bỏ tù 9 nhà sư và nhà hoạt động Khmer Krom

Ngay sau phiên tòa, Liên đoàn Khmer-Krom và tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA) lên án việc chính quyền Việt Nam tuyên phạt hơn 26 năm tù đối với 9 người Khmer-Krom và gọi các bản án này là “không thể chấp nhận được.”

Người Khmer-Krom là cộng đồng người Khmer bản địa cư trú chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long và đã phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và tước đoạt các quyền tự do văn hóa và tôn giáo trong nhiều thập kỷ, theo UNPO.

UNPO, được thành lập vào năm 1991, là tổ chức gồm các thành viên quốc tế được thành lập để tạo thuận lợi cho tiếng nói của các quốc gia và các dân tộc trên toàn thế giới hiện không có đại diện và bị đặt bên lề xã hội. Hiện nay, UNPO có hơn 45 thành viên đại diện cho hơn 300 triệu người trên thế giới, theo trang web của tổ chức này.

Người Khmer-Krom bản địa ở Việt Nam tham gia UNPO từ năm 2001.