Dân biểu John Boehner, Chủ tịch Hạ Viện, nói trên đài truyền hình CBS hôm Chủ nhật, nguyên tắc của đảng Cộng hòa phải được tôn trọng:
“Con đường dẫn đến một tình hình tài khóa lành mạnh nằm trong cắt giảm chi tiêu liên bang, không nằm trong tăng thuế, bởi vì tăng thuế gây tai hại cho kinh tế, tai hại cho khả năng tạo công ăn việc làm cho nước Mỹ.”
Phe Dân chủ cũng đồng ý phải kiểm soát chi tiêu, nhưng cần đánh thuế thêm giới nhà giàu để giảm bớt thâm hụt ngân sách, và không nên cắt các chương trình liên bang có lợi cho thành phần nghèo hoặc yếu kém.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Richard Durbin trình bày lập trường trên đài truyền hình Fox hôm Chủ nhật:
“Chúng ta bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu, nhưng chúng ta cũng phải chú ý đến vấn đề đánh thuế và các chương trình chăm sóc sức khỏe cũng như các chương trình dành cho người nghỉ hưu.”
Trong khi đó, Hoa Kỳ sắp đạt đến mức trần của món tiền được phép vay mượn và hành pháp đang xin lập pháp nâng mức trần lên; bằng không thì Hoa Kỳ sẽ rơi vào tình trạng không trả nợ nổi, phần lớn là nợ các chính phủ nước ngoài.
Các món nợ của chính phủ liên bang Hoa Kỳ xuất hiện dưới dạng trái phiếu bán cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, và chính phủ các nước khác.
Bất kỳ lúc nào các nhà đầu tư này cho rằng tín dụng của Hoa Kỳ không có gì để bảo đảm, hệ thống tài chính Hoa Kỳ có thể xáo trộn, gặp khủng hoảng tài chính tệ hơn lần vừa qua.
Tổng thống Obama muốn Quốc hội nâng mức trần vay nợ, cho dù tranh cãi ngân sách có diễn biến thế nào đi chăng nữa.
Trong quá khứ, Quốc hội chưa bao giờ từ chối nâng mức trần, nhưng chỉ nâng sau nhiều tuần lễ tranh cãi và đổ trách nhiệm giữa đảng này với đảng kia.
Chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ tuyên bố sẵn sàng thông qua ngân sách do Tổng thống Obama đề nghị với một số điều kiện. Điều đó có nghĩa là hai đảng sẽ phải đàm phán thêm về ngân sách, trong lúc Hoa Kỳ có thể rơi vào tình trạng không thanh toán nổi các món nợ hiện nay, khoảng 14.000 tỉ đôla.