Chính quyền Obama cũng như những chính quyền tiền nhiệm thường chỉ trích về thành tích nhân quyền của Trung Quốc và các viên chức Mỹ công nhận là có những bất đồng giữa hai bên trong cuộc họp tại Washington.
Tuy nhiên cả hai phía đều bày tỏ sự hài lòng là cuộc đối thoại, thỉnh thoảng mới diễn ra về vấn đề này, sẽ tiếp diễn tại Bắc Kinh sang năm và hy vọng rằng nhân quyền sẽ trở thành một vấn đề thảo luận thường xuyên tại những diễn đàn song phương khác nhau.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động Michael Posner nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp kín. Đây là một cuộc đối thoại lần thứ ba như vậy kể từ năm 2002.
Ông Posner cho biết là phía Mỹ đưa ra những trường hợp cá biệt của một số khuôn mặt bất đồng chính kiến của Trung Quốc.
Tuy nhiên khi được hỏi, ông Posner chỉ nêu tên hai nhà văn và nhà tranh đấu chính trị Lưu Hiểu Ba, người bị kết án 11 năm tù vào tháng 12 năm ngoái vì tội lật đổ chế độ và ông Cao Trí Thạnh, một luật sư về nhân quyền mất tích hơn một năm trước khi tái xuất hiện vào cuối tháng 3 năm nay.
Trung Quốc bực bội trước những chỉ trích của Hoa Kỳ về những trường hợp như vậy, gọi đó là một sự can thiệp vào chủ quyền tư pháp của Bắc Kinh. Tuy nhiên ông Posner cho biết thêm là nói chung toàn cuộc đối thoại diễn ra trong vòng lịch sự.
Ông Posner nói: “Mọi người không kể lể dài dòng, không nói lui nói tới. Chúng tôi thực sự thảo luận cả hai vấn đề ở những chỗ chúng tôi có thể đồng ý và những chỗ chúng tôi có thể tiến tới theo phương thức hợp tác. Tuy nhiên chúng tôi đã có một cuộc đối thoại đích thực, một cuộc đối thoại xây dựng và tôn trọng lẫn nhau trong giọng điệu nhưng cũng rất thẳng thắn về các vấn đề chúng tôi không đồng ý.”
Ông Posner cho biết là đoàn Hoa Kỳ không thuyết giảng cho phía Trung Quốc và những cuộc họp này cũng thảo luận về những khuyết điểm nhận thấy được về nhân quyền tại Mỹ mà Trung Quốc cũng như các giới chức khác của Mỹ nêu lên.
Ông Posner nói: “Chúng tôi thảo luận nhiều về việc này. Chẳng hạn như ngày hôm qua về phiá Hoa Kỳ chúng tôi có những chuyên viên nói về việc đối xử với những người Hồi giáo Mỹ trong khuôn khổ của vấn đề di trú. Chúng tôi thảo luận về sự phân biệt chủng tộc. Chúng tôi thảo luận đi thảo luận lại về cách thức mỗi xã hội đối phó với những loại vấn đề như vậy.”
Cuộc đối thoại về nhân quyền diễn ra chưa đến hai tuần trước khi có một hội nghị rộng rãi hơn cấp bộ trưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ về vấn đề kinh tế và đối thoại chiến lược được tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham dự của ngoại trưởng Hillary Clinton.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Posner cho biết là vấn đề nhân quyền cũng sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị này và ông cũng sẽ có mặt cùng với Bà Clinton và có thể gặp những người Trung Quốc chỉ trích chính sách của chính phủ.
Phái đoàn Trung Quốc tại Washington do ông Sấn Khư, một viên chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn đầu, đã không gặp các phóng viên dù rằng một phát ngôn viên Tòa Đại sứ Trung Quốc tuyên bố là Bắc Kinh xem cuộc đối thoại là một phương cách hữu ích để tăng cường sự hiểu biết của hai bên trong một lãnh vực quan trọng.
Thời điểm cuộc gặp gỡ tại Bắc Kinh để đối thoại về nhân quyền vào năm 2011 chưa được ấn định.
Diễn đàn năm nay trước đây được ấn định vào tháng Hai nhưng bị hoãn lại vì Trung Quốc bất bình về việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan và việc Tổng thống Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhà lãnh đạo tinh thần lưu vong của Tây Tạng.
Ông Posner nói thêm là Tây Tạng và tình hình vùng Tân Cương, nơi có nhiều người Hồi giáo cư ngụ cũng được nêu lên nhưng ông không cho biết thêm chi tiết.
Các giới chức cao cấp Hoa Kỳ và Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đối thoại về nhân quyền hôm thứ Sáu. Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả cuộc đối thoại này là thẳng thắn, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Cả hai bên đồng ý cuộc họp kế tiếp sẽ được tổ chức sang năm tại Bắc Kinh. Thông tín viên David Gollust của Đài VOA tường trình từ Bộ Ngoại giao Mỹ.