Quốc hội Mỹ muốn trang bị vũ khí cho phe nổi dậy ở Syria

Thượng nghị sĩ John McCain trong 1 cuộc họp báo để thảo luận về một nghị quyết của Quốc hội lên án chính phủ Syria ở Điện Capitol, Washington, 28/3/2012

Các nhà làm luật Mỹ kêu gọi chính phủ đóng vai trò tích cực hơn để lật đổ chế độ độc tài ở Syria, kể cả chuyện vũ trang cho phe đang chống Tổng thống Bashar al-Assad.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain nói Hoa Kỳ không thể đứng nhìn khi hàng ngàn người Syria bị sát hại:

“Phải có thêm bao nhiêu người Syria bị sát hại nữa thì Hoa Kỳ mới chịu nhận vai trò lãnh đạo để chấm dứt cuộc tàn sát đang xảy ra tại Syria?”

Ông McCain và 5 Thượng nghị sĩ khác bảo trợ một nghị quyết của Quốc hội lên án cuộc đổ máu tại Syria và kêu gọi Hoa Kỳ lập một khu vực an toàn cho thường dân và vũ trang phe nổi dậy chống Tổng thống Assad.

Cùng tham gia với Thượng nghị sĩ McCain còn có Thượng nghị sĩ không thuộc đảng nào Joe Lieberman. Ông này nhấn mạnh sự sụp đổ của chế độ Assad là không thể tránh được.

Một nghị sĩ khác, ông Lindsey Graham lưu ý rằng kế hoạch của quốc tế chỉ nói ngưng bắn và đối thoại chứ không nói đến chuyện Tổng thống Assad phải ra đi:

“Nếu không buộc ông Assad ra đi, chúng ta sẽ xúc phạm đến những người Syria đã bị hãm hiếp, giết hại, đánh đập và tra tấn. Và cũng xúc phạm đến thế giới nói chung. Không có gì phải đàm phán, ngoại trừ ông ta phải ra đi.”

Nghị quyết mà 5 thượng nghị sĩ bảo trợ không nói đến chuyện đưa binh sĩ Mỹ đến Syria, và cũng không cho phép sử dụng lực lượng quân sự.

Nhưng Thượng nghị sĩ Jon Kyl cho biết nhóm của họ hy vọng sẽ là một hình thức ủng hộ Tổng thống Obama trong trường hợp ông đưa ra một hành động nào đó đối với Syria.

Thượng nghị sĩ McCain lưu ý rằng Hoa Kỳ đã từng thu xếp để cung cấp vũ khí cho kháng chiến Afghanistan, phe nổi dậy ở Libya thì nhất định sẽ có cách để cung cấp vũ khí cho phe chống đối ở Syria.

Nếu được Quốc hội thông qua, nghị quyết không buộc chính quyền của Tổng thống Obama phải có hành động cụ thể nào. Thay vào đó, nghị quyết là cách bày tỏ ý muốn của ngành lập pháp, xác nhận họ sẽ ủng hộ bất kỳ hành động nào trong tương lai.

Về phía hành pháp, nhiều giới chức cũng nghĩ Tổng thống Assad phải ra đi nhưng ra đi khi nào thì khó có thể nói là ngay trong lúc này, và họ cũng nói những diễn biến sau khi ông Assad ra đi cũng khó lường trước.