Hơn một năm sau khi Hoa Kỳ vươn ra khỏi tình trạng suy thoái trầm trọng nhất của thời kỳ hậu thế chiến thứ hai, mức tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục lơ lửng ở mức gần 10%.
Sự kiện này đã khiến một số kinh tế gia lo ngại về khả năng của một cuộc suy thoái mà thuật ngữ kinh tế gọi là “double dip,” trong đó nền kinh tế dường như phục hồi, nhưng sau đó là trở lại mức tăng trưởng âm.
Ông Zandi nói: “Có khả năng 1 trong 3 sẽ xảy ra tình trạng đó. Tuy chưa đến mức chắc chắn, nhưng vẫn còn quá cao để chấp nhận rủi ro.”
Đó là nhận định do kinh tế gia trưởng của trang mạng Economy-dot-com thuộc đại công ty tài chính Moody’s đưa ra trong chương trình “Face the Nation” của đài truyền hình CBS. Triển vọng u ám này cũng được sự tán đồng của bà Laura Tyson, đang phục vụ trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama.
Bà Tyson cho biết: “Chúng ta đang ở trong một tình trạng lên xuống ở mức thấp. Có rất nhiều rủi ro đi xuống. Chúng ta cần phải có những chính sách về công ăn việc làm nhắm vào các mục tiêu.”
Trong số các biện pháp được đưa ra bàn luận có việc cho nợ thuế để khích lệ các doanh nghiệp mướn thêm công nhân mới và kích thích thêm các hoạt động khảo cứu và phát triển. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Obama còn đang cứu xét việc gia hạn giảm thuế lợi tức đã áp dụng cách đây 1 thập niên cho tất cả mọi người, ngoại trừ những người thuộc 2% có lợi tức cao nhất.
Bà Tyson nói: “Tôi nghĩ đó là điều chính đáng phải thi hành về mặt kinh tế. Chúng ta phải quan tâm đến sức chi tiêu của khối đa số dân chúng. 98% dân số mà chúng ta sẽ gia hạn giảm thuế – chính là khối dân sẽ có mức tiêu thụ cao. Đó là nơi các lợi tức không bị đặt dưới áp lực ở mức cao. Ta cần phải giúp đỡ dân chúng về mặt lợi tức của họ.”
Nhưng kinh tế gia Mark Zandi đưa ra lời cảnh báo. Ông đồng ý rằng “sự phục hồi cần có sự hỗ trợ nào đó”, nhưng ông nói thêm rằng sẽ phải trả giá cho các dự án kích hoạt kinh tế mới.
Ông Zandi nói: “Ta cần phải chi trả cho các dự án đó. Ta không thể làm việc này nếu ta không trả một cái giá.”
Và như thế là Hoa Kỳ đứng trước hai nhu cầu dường như trái ngược nhau: kích hoạt nền kinh tế, và cắt giảm mức thâm hụt mậu dịch. Chính quyền Obama mưu tìm việc kích hoạt ngắn hạn, trong khi hứa hẹn hạn chế mức chi dài hạn. Nhưng còn phải chờ xem có thể đạt được thành quả gì, nếu có, trong thời gian 2 tháng trước các cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 11.
Mức tăng trưởng kinh tế chậm hơn dự kiến và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao không nhúc nhích khiến các nhà kinh tế tranh luận về những gì có thể làm được để kích thích tăng trưởng và tạo công ăn việc làm. Theo bài tường thuật của thông tín viên VOA Michael Bowman tại thủ đô Washington, đã có những lời kêu gọi chính phủ đưa ra thêm các biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế tiếp theo kế hoạch kích hoạt hồi năm ngoái.