Hôm thứ Năm Bộ Thương mại Mỹ cho biết tổng sản lượng nội địa Mỹ tăng ở mức 1,8% hàng năm trong quý một. Mức này giảm mạnh so với mức 3,1% tăng hàng năm trong 3 tháng cuối cùng của năm 2010.
Các nhà kinh tế nói giá xăng dầu tăng làm tổn hại cho mức tăng trưởng. Khi giới tiêu thụ phải tiêu nhiều tiền hơn cho năng lượng, thì họ phải giảm chi cho mọi thứ khác.
Chi tiêu của người tiêu thụ chiếm 70% các hoạt động của kinh tế Mỹ, do đó chi tiêu thấp làm giảm mức cầu và giảm tăng trưởng.
Kinh tế gia tài chánh hàng đầu của Ngân hàng Tokyo-Mitshbishi ông Chris Rupkey thấy những dấu hiệu là mức chi tiêu cá nhân và đầu tư doanh nghiệp sẽ hồi phục và đưa mức tăng trưởng trở lại.
Ông Chris Rupkey nói: “Trái tim và linh hồn của Tổng Sản Lượng Nội địa GDP, tức là chi tiêu của người tiêu dùng, ở mức 2,7%, mạnh hơn dự đoán cách đây một tháng. Và chi tiêu của tư bản doanh nghiệp vẫn còn mạnh ở mức 11.6%.”
Ông Rupkey đã lên tiếng về vấn đề này với hãng tin tài chánh Bloomberg.
Các giới chức của Ngân hàng Trung ương Mỹ nói họ dự kiến giá xăng dầu cao chỉ là một vấn đề tạm thời và tiên đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ trở lại khoảng 3% vào những tháng còn lại của năm nay.
Cố vấn kinh tế Tòa Bạch Ốc Austan Goolsbee nói chính quyền đã giúp tăng trưởng bằng cách giảm thuế và những biện pháp khuyến khích cho đầu tư doanh thương. Ông nói cần có mức tăng trưởng nhanh hơn để thay thế hàng triệu việc làm bị mất trong cơn suy thoái.
Có những tin gây nản lòng về vấn đề công ăn việc làm hôm thứ Năm khi con số người Mỹ ghi tên xin trợ cấp thất nghiệp tăng 25.000 người, nâng mức thất nghiệp tổng cộng lên 429.000 người.
Con số này cao hơn con số của một thị trường việc làm lành mạnh, tuy nhiên vẫn thấp xa dưới mức được ghi nhận vào lúc tệ hại nhất của cuộc suy thoái mới đây.
Kinh tế gia Rupkey nói con số xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sẽ giảm nếu tăng trưởng kinh tế được cải thiện.
Ông Rupkey nói: “Chúng ta cần thấy con số người xin thất nghiệp lần đầu giảm mạnh dưới 400.000 trong những tuần lễ tới để đảm bảo là nền kinh tế không chậm lại vì giá cả xăng dầu cao lúc gần đây.”
Mức tăng trưởng GDP cũng bị tổn hại vì ảnh hưởng kéo dài của vụ suy thoái. Kinh tế suy giảm làm thiệt hại đến việc thu thuế của chính quyền tiểu bang và thành phố, bắt buộc những nơi này phải cắt giảm ngân sách, cắt giảm chi tiêu và cắt giảm việc làm.
Các kinh tế gia và những nhà đầu tư theo dõi GDP một cách chặt chẽ vì đây là thước đo rộng rãi nhất của nền kinh tế, và tính đến tất cả hoàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước.
Nền kinh tế Mỹ tăng chậm trong 3 tháng đầu năm nay trong khi giá năng lượng tăng cao và chi tiêu của chính phủ tiểu bang và địa phương giảm. Tuy nhiên nhiều chuyên gia dự kiến mức tăng trưởng sẽ phục hồi trong những tháng tới.