Một ngày sau khi chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm hơn 600 điểm, các nhà đầu tư mong chờ trợ giúp của Quĩ Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, nhưng nhận được không nhiều.
Sau hội nghị hôm qua, ngân hàng trung ương Mỹ đưa ra một thông cáo ngắn, nhận định rằng tốc độ phát triển kinh tế của Hoa Kỳ đã chậm hơn đáng kể so với dự báo, và cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức gần 0%, nhiều khả năng cho tới giữa năm 2013.
Vài nét về Fed Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) có chức năng giống như ngân hàng trung ương, với nhiệm vụ thúc đẩy công ăn việc làm tối đa, ổn định giá cả và điều hòa lãi suất dài hạn. "Fed" có ba chức năng chính: - Cung cấp và duy trì một cơ chế chi trả hiệu quả, - Giám sát và điều tiết hoạt động ngân hàng - Thực thi chính sách tiền tệ. Cơ cấu của hệ thống Dự trữ Liên bang: Một Hội đồng Quản trị do tổng thống chỉ định và thượng viện phê chuẩn, để quản lý các ngân hàng dự trữ và chi nhánh tại 12 khu vực nước Mỹ. Hội đồng là đại biểu của chính phủ. Các ngân hàng và chi nhánh là đại biểu của khu vực tư nhân. Hoạt động của Thị trường Mở: Đây là công cụ quan trọng nhất của Fed được sử dụng để tiến hành chính sách tiền tệ. Một Uûy ban Thị trường Mở Liên bang quản lý việc mua bán các chứng khoán của Mỹ trên thị trường mở để tác động lên lãi suất ngắn hạn và tăng trưởng của tiền bạc và tín dụng. Lãi suất chiết khấu: Đây là lãi suất mà Fed tính với các tổ chức tài chính đối với các món vay dự trữ ngắn hạn. Đòi hỏi về dự trữ: Đây là tỷ lệ ký thác trong các tài khoản ký thác đòi hỏi mà các tổ chức tài chính phải dành ra và dùng làm dự trữ. Nếu Fed nâng mức dự trữ bó buộc, các ngân hàng sẽ không có nhiều tiền để cho vay, làm giới hạn sự tăng trưởng của nguồn cung tiền bạc. Mặt khác, nếu Fed hạ mức dự trữ bó buộc, các ngân hàng sẽ có tiền để cho vay và nguồn cung tiền bạc tăng. Fed ít khi thay đổi bó buộc về dự trữ. Nhà cho vay: Fed có những món vay với lãi suất hạ để giúp các ngân hàng giải quyết các nhu cầu ngắn hạn, một thứ trái độn để duy trì nguồng cung cầu dự trữ ổn định. |
Tình trạng không có hành động cụ thể đã dẫn tới một buổi chiều giao dịch đầy biến động tại Wall Street.
Ông Jason Weisberg của Công ty Chứng khoán Seaport cho rằng có một điều may mắn là những người săn cổ phiếu giảm giá đã xuất hiện rất đông đảo.
Ông Weisberg cho biết: "Họ là những người năng động. Tôi nghĩ một số người lo ngại về cổ phiếu của mình thấy việc giá cổ phiếu tăng lại vào sáng nay là một cơ hội để bán đi một ít chứng khoán hay ít ra là khiến họ cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút."
Giá cổ phiếu giảm sau tuyên bố của Fed, nhưng hồi phục ở cuối ngày giao dịch. Các chỉ số chứng khoán chính tăng mạnh lúc đóng cửa, và chỉ số Dow gây ấn tượng nhiều nhất, với mức tăng 430 điểm. Nhưng một số nhà đầu tư cho rằng có phần chắc là sự phục hồi này sẽ không kéo dài.
Ông Alan Valdez củaCông ty Chứng khoán DME cho rằng ngoài vấn đề nợ nần của Hoa Kỳ, và việc tín dụng của Hoa Kỳ bị đánh tụt hạng, sự suy yếu của nền kinh tế còn xuất phát từ những yếu tố khác ngoài biên giới nước Mỹ.
Ông Valdez nói: "Nhìn chung, chúng ta đối mặt với rất nhiều vấn đề, đó là chưa kể những chuyện đang xảy ra ở châu Âu. Châu Âu hiện là mối quan tâm hàng đầu của chúng tôi, hơn cả chuyện bị S&P đánh tụt hạng, vì nếu Italia hay Tây Ban Nha vỡ nợ, đó sẽ là một vấn đề vì nó sẽ có tác động lớn."
Ông John Hennes, một luật sư tài chính ở New York, cho rằng vấn đề nợ nần ở Hoa Kỳ và châu Âu cho thấy tình trạng suy giảm chung trong nền kinh tế toàn cầu. Cho dù có được các công cụ tiền tệ để sử dụng, cả Fed lẫn Bộ Tài chính đều không thể làm gì hơn nữa.
Ông Hennes nói: "Câu hỏi đặt ra là khi chúng ta dỡ bỏ biện pháp kích cầu, dỡ bỏ công cụ kích thích kinh tế, điều gì sẽ xảy ra? Và tôi nghĩ rằng khi chúng ta chứng kiến việc cắt giảm ở cấp chính phủ, như khi chúng ta chứng khiến việc giảm nợ, chúng ta sẽ chứng kiến hoặc là một sự tăng trưởng rất khiêm tốn hoặc rất có thể là một sự suy thoái nghiêm trọng."
Lo ngại về một đợt suy thoái khác không chỉ dừng lại ở Wall Street mà lan sang cả Trung Quốc và châu Âu. Nhưng trên các đường phố New York, nhiều người đổ lỗi cho các nhân vật lãnh đạo chính trị của Hoa Kỳ.
Một người đàn ông cho biết: "Tôi không thấy có sự lãnh đạo nào cả. Tôi nghĩ cả Quốc hội và hành pháp đều không nhìn thấy những điều thật sự quan trọng - họ chỉ quan tâm tới người dân Mỹ. Tôi nghĩ rằng mọi thứ trên thế giới hiện nay gắn kết với nhau với mức độ chưa từng có, và tôi không chắc là có ai biết cách xoay chuyển tình thế.”
Các nhà phân tích lo ngại rằng niềm tin lung lay của người tiêu dùng Hoa Kỳ có thể sẽ làm trầm trọng hơn các vấn đề ở nước ngoài, đúng vào lúc các dữ liệu mới cho thấy tình trạng lạm phát gia tăng ở Trung Quốc cũng như lại có các mối quan ngại rằng thêm một quốc gia châu Âu có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Xem video liên hệ của thông tín viên VOA Mil Arcega