Các thông tin trên được ghi trong Phúc trình có tên “Cứu Mạng Người Và Tạo Ảnh Hưởng: Vì sao đầu tư vào các công trình nghiên cứu y tế thế giới lại thành công.”
Bà Kaitlin Christenson, giám đốc tổ chức Liên Hiệp Các Công Nghệ Y Tế Thế Giới, người công bố bản phúc trình, nói:
“Liên Hiệp Các Công Nghệ Y Tế Thế Giới là một nhóm gồm gần 40 tổ chức bất vụ lợi, cùng nhau đối phó với một số những rào cản lớn nhất đối với việc triển khai các loại vắc xin mới, các loại thuốc mới, các phương pháp định bệnh mới và những sản phẩm y tế khác.”
Tổ chức trên được sự tài trợ của vợ chồng nhà tỉ phú Bill Gates.
Bà Christenson nói đầu tư của Mỹ vào y tế thế giới có “tác động thực sự” đối với các nước đang phát triển:
“Chúng ta đã thấy rằng qua thập niên vừa qua chính phủ Mỹ đã tài trợ gần phân nửa tổng số tiền đầu tư trên thế giới vào các cuộc nghiên cứu. Các khoản đầu tư này đã tạo ra các sản phẩm mới giúp cứu sống nhiều mạng người trên khắp thế giới.”
Một ví dụ là loại thuốc mới để chủng ngừa viêm màng não. Phúc trình trên ước tính rằng vắc xin MenAfriVac sẽ giúp phòng tránh gần 440.000 ca viêm màng não trong vòng 10 năm tới. Ngoài ra, còn có một loại thử nghiệm khác giúp chẩn đoán bệnh lao. Đó là loại thử nghiệm gọi là Xpert MTB/RIF, có thể nhân gấp 3 số người được chẩn đoán mắc phải loại bịnh lao kháng thuốc.
Phúc trình nói đầu tư vào y tế thế giới cũng đem lại nhiều lợi ích cho nước Mỹ. Phúc trình nói cứ mỗi đồng đôla mà chính phủ tiêu vào công cuộc nghiên cứu và phát triển y tế thế giới, có 64 xu đi vào túi những nhà nghiên cứu có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Bà Christenson cho biết y tế thế giới là một vấn đề mà cả hai Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa đều có thể đồng lòng đối với việc tài trợ.
Một phúc trình mới nói chính phủ Mỹ dẫn đầu thế giới nếu nói tới đầu tư vào các lãnh vực nghiên cứu y tế và phát triển trên thế giới. Trên 10 năm qua, Hoa Kỳ đã cung ứng gần 13 tỉ đôla để chế tạo các loại thuốc chủng ngừa mới, dược phẩm và các thiết bị chống lại bệnh tật tại các quốc gia đang phát triển.