Ông Robert King, đặc sứ nhân quyền tại BắcTriều Tiên và Jon Brause, một giới chức cao cấp tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID, đến Bắc Kinh vào thứ Ba để tham dự các cuộc thảo luận, có thể giúp xúc tiến loạt viện trợ lương thực đầu tiên từ gần 3 năm nay.
Viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên đã ngưng vào năm 2009, khi Bắc Triều tiên trục xuất những nhân viên của Hoa Kỳ theo dõi việc phân phối lương thực.
Một chi tiết chủ yếu mà hai đặc sứ này sẽ cố tìm cách giải quyết là chuyện phân phối lương thực viện trợ được theo dõi ra sao để bảo đảm là lương thực tới được tay những người cần đến nhất.
Bắc Triều Tiên lâm cảnh nghèo khó, từ lâu vẫn bị thiếu hụt lương thực kinh niên, và mặc dù mùa thu hoạch năm ngoái khá hơn bình thường, các cơ quan Liên Hiệp Quốc ước tính nước này hiện đang thiếu hụt đến 400.000 tấn lương thực.
Ông David Austin, giám đốc chương trình về Bắc Triều Tiên của tổ chức Mercy Corps, cho hay đề nghị trợ giúp lương thực ban đầu sẽ đi một quãng đường dài giúp cho dân Bắc Triều Tiên, vì nó nhắm vào những thành phần dễ gặp nguy cơ nhất, đó là trẻ em và phụ nữ mang thai. Ông nói:
”Trong năm qua, chúng tôi đã chứng kiến điều mà chúng tôi gọi là tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính; bệnh nhân không những chỉ ngưng phát triển mà còn chết dần chết mòn vì cơ thể sắp ngưng hoạt động. Vì vậy chúng tôi đã xác nhận sau khi chứng kiến tận mắt rằng nhiều cơ sở khác nhau ở nhiều nơi trong nhiều tỉnh, như nhà trẻ, bệnh viện và các chẩn y viện hay bệnh viện, người ta không đủ ăn và đang chết dần chết mòn.”
Tổ chức Mercy Corps là một tổ chức phi chính phủ đã làm việc với Washington và những cơ quan phi chính phủ khác của Hoa Kỳ trong quá khứ để giúp phân phối và theo dõi việc phân phát và theo dõi viện trợ lương thực tại Bắc Triều Tiên.
Thập niên 1990, hàng trăm ngàn, nếu không nói là cả triệu người Bắc Triều Tiên đã chết đói.
Tình trạng thiếu hụt lương thực dai dẳng tiếp tục hoành hành tại quốc gia này, và theo một cuộc nghiên cứu của Liên Hiệp Quốc, có đến 32% trẻ em Bắc Triều Tiên bị chứng còi cọc. Trong một số tỉnh, con số này lên tới 45%.
Đặc sứ Austin cho biết có nguyên một thế hệ người Bắc Triều Tiên có chiều cao thấp hơn những người đồng trang lứa ở Nam Triều Tiên. Ông nói:
“Khi trẻ không đủ ăn, không những các em không lớn được mà còn không phát triển toàn diện, một điều mà các em sẽ không bao giờ có thể hồi phục được. Vì thế nếu như chúng ta không can thiệp cho các em ngay bây giờ, chúng ta sẽ không có cơ hội để sửa chữa cho các em trong tương lai.”
Các giới chức Hoa Kỳ cho hay nếu như mọi chuyện suôn sẻ trong các cuộc thương thuyết cuối cùng với những người tương nhiệm Bắc Triều Tiên, họ hy vọng sẽ thiết lập được những chương trình được quản trị và theo dõi thấu đáo nhất kể từ khi Hoa Kỳ bắt đầu trợ giúp cho Bắc Triều Tiên từ giữa thập niên 1990.
Họ nói điều quan yếu là các tổ chức đối tác giúp phân phối viện trợ sẽ có mặt tại chỗ ở Bắc triều Tiên và hoạt động suôn sẻ trước khi lương thực được chở tới.
Quĩ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, đã có mặt sẵn ở Bắc Triều Tiên, làm việc để giúp giảm tình trạng thiếu dinh dưỡng và những vấn đề khác liên quan đến sức khỏe, đã hoan nghênh triển vọng có thêm viện trợ.
Ông Bijaya Rajbhandari, đại diện của UNICEF ở Bắc Triều Tiên, nói viện trợ của Hoa Kỳ có thể hoàn thiện những nỗ lực đang được xúc tiến tại 25 trong số 209 quận của Bắc triều Tiên.
Ông nói:” Chúng ta không chỉ tập trung vào lương thực, nhưng theo đường lối hội nhập đối với dinh dưỡng, có liên hệ cả đến sức khỏe, nước sạch và vệ sinh. Theo tôi chúng ta cần phải xét đến một đường lối phối hợp hơn khi nói đến chuyện hạ giảm nạn suy dinh dưỡng nơi trẻ em.”
Ông Rajbhandari nói thêm là tổ chức UNICEF muốn mở rộng tầm vóc công việc khi có tiền tài trợ. Năm ngoái UNICEF xin một ngân khoản 20 triệu đô la để tài trợ cho công việc ở Bắc Triều Tiên, nhưng cho đến bây giờ mới chỉ nhận được khoảng 1/3 tổng số yêu cầu.