VOA: Bài bình luận trên tờ Wall Street Journal số ra hôm thứ Tư tuần này về cuộc tranh chấp biển Đông chạy hàng tựa là "Hillary Clinton ủng hộ các nước láng giềng của Trung Quốc trong khu vực." Và: "Hoa Kỳ đứng dậy chống lại thái độ bắt nạt của Trung Quốc." Bài bình luận có nêu lên những đề nghị của bà Clinton giúp trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc tại Hội nghị diễn đàn ASEAN kết thúc tuần qua, trong đó có 2 điểm chính: Một là đề nghị một qui tắc hành xử có tính cách cưỡng chế cho các quốc gia trong vùng biển Đông. Điểm thứ nhì là giải quyết cuộc tranh chấp bằng đường lối ôn hòa. Xin giáo sư nói rõ hơn về qui tắc hành xử, nó có gì khác với qui tắc hành xử đã có trước đây mà Trung Quốc cùng với các quốc gia đông nam Á liên hệ trong cuộc tranh chấp đã đồng ý?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Chuyện này cũng không có gì mới, trước đây nó là "declaration of conduct" tức là tuyên ngôn về cách hành xử thôi. Mấy năm nay các quốc gia đông nam Á muốn biến nó thành"code of conduct", và người Mỹ ủng hộ. Trước kia chỉ là tuyên ngôn thôi, bây giờ muốn biến nó thành "code" tức là thành luật lệ hẳn hoi. Phải kể từ cuộc điều trần của ông Bush, sau đó là ông Gates đụng đầu với đại biểu của Trung Quốc tại Shangri-La và rồi bà Clinton, người Mỹ thấy càng ngày Trung Quốc càng lấn lướt quá thì phải đối đầu thôi.
VOA: Điểm thứ nhì, để giải quyết cuộc tranh chấp giữa các nước láng giềng trong vùng đông nam Á, ngoại trưởng Clinton đề nghị là thiết lập một cơ chế để giải quyết, theo đề nghị này các nước sẽ giải quyết bằng đường lối đa phương qua một cơ chế. Chi tiết về cơ chế này ra sao, thưa giáo sư?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Cơ chế này có sự tham dự của Mỹ. Hiện nay người ta đang nói đến ASEAN plus 3, tức là khối ASEAN cộng với 3 nước lớn, rồi bây giờ là ASEAN plus 1, tức là khối ASEAN cộng với Mỹ. Sang năm tổng thống Obama sẽ mời các nguyên thủ đông nam Á sang đây. Qua cơ chế này, nước Mỹ ngày càng dấn thân thêm.
Nói tóm lại Hoa Kỳ càng ngày càng tỏ ra sẵn sàng can dự thêm để giải quyết vấn đề một cách hòa bình.
VOA: Trung Quốc chỉ muốn giải quyết vấn đề bằng đường lối song phương, và họ chỉ trích Hoa Kỳ là chỉ muốn quốc tế hóa vấn đề mà theo họ là chuyện cục bộ. Ông có thể nói rõ hơn về những lợi điểm của Trung Quốc khi họ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia trong vùng.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Người ta nói là cầm nguyên bó đũa bẻ khó, bẻ từng cái một dễ hơn. Từ xưa đến nay Trung Quốc dùng cách chia để trị. Cho nước này một tí, nước kia một tí, vì quyền lợi các quốc gia đó cũng khác nhau. Philippines thì có một số ít đảo thôi, còn Việt nam bị đụng nhiều nhất. Malaysia và Indonesia còn xa hơn nữa; thành thử họ dùng đao song phương thì lợi cho họ. Gần đây Việt Nam đã vận động được các quốc gia đông nam Á đồng ý đứng lại với nhau. Trong kỳ hội nghị đông nam Á vừa rồi có đến 7 nước, gồm 6 nước đông nam Á và Mỹ. 6 nước đông nam Á đã dám lên tiếng đặt vấn đề với Trung Quốc, và họ nói lên ý muốn giải quyết vấn đề trong khuôn khổ đa phương. Các nước nhỏ họp lại họ có được khả năng điều đình tập thể (collective bargaining power), có lợi hơn, và bây giờ lại có sự can dự của Mỹ nữa, dĩ nhiên là họ có lợi hơn. Và vì thế Trung Quốc chống lại.
VOA: Tại sao phải đợi đến bây giờ các nước ASEAN mới chính thức đưa đề nghị đó?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết các quốc gia đông nam Á là khối đồng sàng dị mộng, rất sợ Trung Quốc. Nên họ phải ngó xem Mỹ có dấn thân thì họ mới dấn. Ngược lại Mỹ cũng chờ các nước này có hành động hay không. Gần đây điều khiến mọi người phải để ý là đạo luật biển năm 1982 đòi hỏi rằng nước nào muốn xác định chủ quyền lãnh hải của mình phải nộp hồ sơ trước tháng Năm năm 2009. Trước kia Trung Quốc tuyên bố mù mờ, nhưng đúng năm đó, Trung Quốc phải lật bài ra, và vẽ một đường lưỡi bò to lớn như vậy nhận chủ quyền, thì vừa đụng chạm đến quyền lợi chiến lược của Việt Nam, vừa đụng chạm đến quyền lợi chiến lược của Mỹ. Hai nước có quyền lợi tương đồng với nhau thì họ hợp tác.
VOA: Những đề nghị do Hoa Kỳ đưa ra tại điễn đàn ASEAN có tác dụng như thế nào đối với các nước trong khối này?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Có tác dụng là làm cho họ hy vọng hơn. Bởi nếu Hoa Kỳ không can dự thì các nước đó rất sợ, không dám làm gì. Mỗi nước sẽ đi đêm với Trung Quốc hưởng lợi riêng. Bây giờ có sự hiện diện cuả Mỹ thì họ sẽ cố gắng hơn.
Gần đây họ đã cố gắng. Họ nói là năm 2010 ít nhất những vấn đề mà Mỹ quan tâm thì họ đều thỏa mãn. Thứ nhất là Mỹ muốn áp lực với Miến Điện thì họ đã làm. Thành công hay không thì không biết, nhưng ít nhất họ đã công khai nói lên quan điểm, bỏ lề lối làm việc trước đây của khối ASEAN là không can dự vào nội bộ của nhau. Họ đã can dự vào chuyện nội bộ của Miến Điện rồi. Thứ hai là vụ Bắc Triều Tiên (về vụ đánh chìm tàu chiến của Nam Triều Tiên), Mỹ muốn họ lên tiếng về vụ này. Tuy các nước ASEAN không kết án Bắc Triều Tiên nhưng họ phàn nàn về vụ này và cũng đồng ý lên tiếng đòi phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Thứ ba, họ đồng ý đứng lại với nhau để cùng điều đình, mặc cả và mời Mỹ vào.
Trước kia Trung Quốc và Malaysia muốn sử dụng hội nghị thượng đỉnh đông Á để đẩy Mỹ ra. Bây giờ chính các quốc gia đông nam Á lại mời Mỹ vào thì Mỹ sẵn sàng vào.
VOA: Trung Quốc phản ứng ra sao trước lập trường này, nhất là khi bà Clinton nhấn mạnh rằng: "Một giải pháp ôn hòa cho cuộc tranh chấp biển Đông nằm trong quyền lợi của Mỹ?"
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Phải hiểu từ "giải pháp ôn hòa" nó quan trọng lắm. Nếu người ta nhớ đến bản tuyên bố chung Thượng Hải năm 1972 thì Mỹ cũng nói Đài Loan là thuộc Trung Quốc, nhưng phải theo đường lối ôn hòa, có nghĩa là không chiến tranh, nếu xảy ra chiến tranh thì Mỹ có thể có thái độ. Đó là lý do năm 1979 quốc hội Mỹ đã ra đạo luật về Đài Loan, buộc hành pháp phải giúp Đài Loan tự vệ. Nói tóm lại là yêu cầu giải pháp ôn hòa tức là chống giải pháp bạo lực. Nếu sử dụng bạo lực thì Mỹ có thể có hành động.
VOA: Lập luận của Trung Quốc đưa ra để phản đối lời tuyên bố của bà Clinton như thế nào? Nó có phù hợp với công pháp quốc tế hay không?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Riêng việc làm của Trung Quốc đã không phù hợp với công pháp quốc tế rồi. Nên nhớ là trong cuộc điều trần ngày 15 tháng Bảy năm 2009, ông trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đã nói rõ là Mỹ không hiểu và không chia sẻ lối giải thích luật quốc tế của Trung Quốc. Như vậy Mỹ coi Trung Quốc là nước vi phạm luật quốc tế.
VOA: Lập trường của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc và vụ tranh chấp chủ quyền biển Đông đã thay đổi ra sao so với năm đầu tiên của chính quyền Obama?
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết nói chung, trước kia Tổng thống Clinton còn thân thiện hơn, và gọi Trung quốc là "strategic partner", đối tác chiến lược. Đến thời Tổng thống Bush, lúc đầu nói rằng Trung Quốc không phải là strategic partner, mà là "strategic rival", là nước cạnh tranh chiến lược. Đến cuối nhiệm kỳ, thì ông Bush lại coi Trung Quốc là "responsible stake holder", một đối tác có trách nhiệm. Khi ông Obama lên cầm quyền năm đầu, ông cũng coi Trung Quốc như vậy và còn muốn làm hơn thế nữa, và giảm nhẹ vấn đề nhân quyền của Trung Quốc, để yêu cầu Trung Quốc giúp, và để Trung Quốc hành động tích cực hơn, có trách nhiệm trong trường quốc tế, nhất là về các hồ sơ như Iran, hồ sơ Bắc Triều Tiên, hồ sơ Miến Điện chẳng hạn. Họ muốn như thế. Nhưng họ thấy Trung Quốc không làm gì cả, nhất là gần đây tại cuộc họp quốc tế về vấn đề làm sao để giảm nhiệt địa cầu, thì Trung Quốc lại để một thứ trưởng đứng ra phản đối một tổng thống Mỹ. Hoa Kỳ rất bực, cho là Trung Quốc không làm được gì. Hoa Kỳ hy vọng Trung Quốc là nước có trách nhiệm nhưng Trung Quốc lại không có trách nhiệm, do đó Mỹ thay đổi chính sách. Chúng ta thấy là Hoa Kỳ đã tập trận (với Nam Triều Tiên). Trung Quốc chống thì vẫn tập trận như thường. Hạm đội của Mỹ tại Thái Bình Dương là hạm đội mạnh nhất. Khoảng 60% lực lượng hải quân của Mỹ đã chuyển từ Âu châu sang bên đó rồi. Gần đây lại có những người nói là chính sách gọi Trung Quốc là responsible stake holder sai rồi. Cần phải xét lại từ đầu, từ trên xuống dưới, và nhận xét đó đã khiến cho Tổng thống Obama thay đổi chính sách.