USCIRF: Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tôn giáo khi nâng cấp quan hệ với Mỹ

Phiên điều trần của USCIRF ngày 7/9/2023

Hôm 7/9, Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) tổ chức điều trần về tình hình vi phạm tự do tôn giáo Việt Nam, gửi một thông điệp mạnh mẽ đến Nhà Trắng và Hà Nội ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.

Ông Frederick A. Davie, Phó Chủ tịch USCIRF, người chủ trì phiên điều trần, cho VOA biết qua email: “Thông điệp của chúng tôi rất rõ ràng: để Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển kinh tế, cũng như để mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ-Việt Nam tiếp tục sâu sắc, Việt Nam phải ưu tiên đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo và các quyền con người thiết yếu khác”.

Ông Davie nói thêm rằng qua buổi điều trần sẽ giúp nêu bật những thông tin và các đánh giá của USCIRF sau chuyến đi thực tế tại Việt Nam vào tháng 5, cũng như những diễn biến đã diễn ra sau đó.

Ông nêu ra các mặt yếu kém về tự do tôn giáo ở Việt Nam: “Những trở ngại này bao gồm việc buộc các dân tộc và tôn giáo thiểu số phải từ bỏ đức tin, việc thực thi Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo một cách bừa bãi, và giam giữ các nhà hoạt động và lãnh đạo tôn giáo”.

Tại buổi điều trần trực tuyến hôm 7/9, USCIRF mời các dân biểu, chuyên gia, nhân chứng từ các tôn giáo khác nhau trong bối cảnh tôn giáo đa dạng của Việt Nam để nêu bật những lĩnh vực chính cần cải thiện.

Dân biểu Zoe Lofgren phát biểu tại phiên điều trần ngày 7/9/2023.

Dân biểu Liên bang Zoe Lofgren, đồng chủ tịch Uỷ ban Việt Nam tại Hạ viện Mỹ, phát biểu khai mạc phiên điều trần:

“Cá nhân tôi biết và những người bạn tôi phải trải qua sự tra tấn, tủi nhục và ngược đãi mà chính quyền cộng sản gây ra cho người dân của mình. Thật không may, chính quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục phủ nhận các quyền tự do cơ bản, trong đó có quyền tự do tôn giáo cho công dân của mình”.

Nữ dân biểu đại diện cho một khu vực bầu cử ở bang California, nơi có đông đảo người gốc Việt sinh sống, cho biết thêm: “Ngoài ra, với tư cách là thành viên của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos, tôi đã nhận bảo trợ nhiều tù nhân lương tâm ở Việt Nam thông qua việc bảo vệ quyền tự do của họ. Tôi sẽ tiếp tục vận động để thu hút sự chú ý đến những đau khổ ở Việt Nam và khuyến khích thả tù nhân”.

Nhà sư Khmer Trương Thạch Dhomma ở Toronto, Canada, từng tị nạn ở Thái Lan sau các vụ đàn áp Phật giáo Nam tông ở Nam Bộ, tham dự buổi điều trần của USCIRF với tư cách như là một nhân chứng, chia sẻ với VOA về các kiến nghị của ông:

“Yêu cầu chính phủ Việt Nam tôn trọng quyền tự do tôn giáo của dân bản địa người Khmer Krom trong đó cho phép họ thành lập một tổ chức Phật giáo Theravada hay còn gọi là Phật giáo Nguyên thủy riêng của mình mà không có sự can thiệp của nhà nước để họ có thể thực hành tôn giáo của mình một cách ôn hòa, hòa bình và không sợ hãi.

“Mong rằng chính phủ Việt Nam sửa đổi Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vì nó không chính đáng để bảo vệ quyền tự do tôn giáo đích thực bằng cách loại bỏ những quy định rườm rà; chấm dứt việc đe dọa, phá bỏ chánh điện ở ấp Tân Hưng, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long và tôn trọng ý nghĩa của ngôi giảng đường đó”.

“Cho phép các nhà sư Phật giáo Khmer Krom dạy tiếng Khmer mà không có sự can thiệp của chính phủ. Chấm dứt việc sử dụng bạo lực đối với nhà sư Khmer Krom khi họ bảo vệ các quyền tự do hoặc các địa điểm linh thiêng của họ. Cũng xin nhắc chính quyền Hà Nội rằng sinh hoạt tôn giáo là quyền chứ không phải là đặc ân vì vậy người Khmer Krom không cần phải xin phép khi họ tu tập theo phái Theravada”.

USCIRF tổ chức phiên điều trần trực tuyến về tự do tôn giáo Việt Nam, ngày 7/9/2023.

Khi được hỏi liệu USCIRF có yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân tôn giáo nào hay không trước chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, dự kiến diễn ra vào ngày 10/9, ông Davie cho biết:

“USCIRF tiếp tục kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ sử dụng mối quan hệ ngày càng thân thiết với chính phủ Việt Nam để trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm tôn giáo, đặc biệt là những người tên có trong Cơ sở dữ liệu Danh sách Nạn nhân của chúng tôi”.

Trong danh sách của USCIRF hiện có 77 người Việt Nam là nạn nhân vì tự do tôn giáo hay niền tin, trong đó có 57 người đang bị chính quyền giam cầm.

“Điển hình là trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 vừa qua, chúng tôi đã gặp ông Thạch Cường và ông Tô Hoàng Chương, đại diện của cộng đồng Phật giáo Khmer Krom, những người bị chính quyền sau đó bắt giữ với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự dân chủ”, ông Davie cho biết thêm.

“Chúng tôi tiếp tục kêu gọi trả tự do các trường hợp khác, chẳng hạn như tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Bắc Truyền. Trong tất cả các trường hợp liên quan đến các tù nhân lương tâm tôn giáo cũng như việc buộc phải từ bỏ đức tin, chúng tôi kêu gọi chính quyền chấm dứt việc lạm dụng quyền tự do tôn giáo, hãy xét xử minh bạch và công bằng”.

Trong số các diễn giả phát biểu tại phiên điều trần có bà Trần Quỳnh Vi, Giám đốc điều hành của tổ chức Sáng kiến Pháp lý Việt Nam (LIV), cơ quan chủ quản của Luật Khoa tạp chí; Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Boat People SOS; Bác sĩ Trần Quốc Hưng, Giám đốc Truyền thông Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Trưởng phòng Đối ngoại.

Your browser doesn’t support HTML5

USCIRF điều trần về tự do tôn giáo Việt Nam trước chuyến thăm của TT Biden

Uỷ viên USCIRF Eric Euland, người cùng ông Davie đi thực địa Việt Nam vào tháng 5, nêu ý kiến:

“Phiên điều trần hôm nay sẽ tạo cơ hội cho nhiều cộng đồng và chuyên gia chia sẻ về thực trạng tự do tôn giáo hiện nay ở Việt Nam. Phiên điều trần này cũng sẽ xem xét hệ thống pháp luật hiện tại của Việt Nam đang thiếu các nghĩa vụ quốc tế như thế nào và chính phủ Hoa Kỳ, với tư cách là đối tác ngày càng khăng khít với Việt Nam, có thể khuyến khích chính quyền Việt Nam như thế nào trong việc cải cách một cách hiệu quả hệ thống pháp luật đó để bảo vệ tốt hơn quyền tự do tôn giáo, thúc đẩy sự ổn định và chứng minh giá trị thực sự của mối quan hệ đối tác này với Hoa Kỳ”.

Uỷ viên Euland đưa ra nhận định này chỉ vài ngày trước chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Biden, theo đó dự kiến Hà Nội và Washington sẽ chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Quan hệ Đối tác Chiến lược.

Trong một báo cáo công bố hôm 5/9, USCIRF nói rằng kể từ khi Washington đưa Hà Nội ra khỏi danh sách “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” (CPC) về tự do tôn giáo vào năm 2006, chính quyền Việt Nam đã tạo ra “nhiều không gian hơn trong một số lĩnh vực” cho việc thể hiện niềm tin tôn giáo.

Tuy nhiên, USCIRF nhận đình rằng “cuộc đàn áp gần đây đối với xã hội dân sự, áp lực gia tăng đối với các cộng đồng tôn giáo độc lập, các báo cáo đáng báo động về việc cưỡng bức từ bỏ đức tin và các vi phạm tự do tôn giáo ngày càng gia tăng khác đã tạo nên một sự đảo ngược rõ ràng trong quỹ đạo từng tích cực đó”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan từng nói rằng một số nội dung trong các báo cáo của USCIRF trước đây “thiếu khách quan và trích dẫn những thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng”, vẫn chưa lên tiếng về phiên trần của USCIRF.

Trong một phản hồi gửi VOA vào năm ngoái, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng “Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật”.