Uỷ ban Quyền trẻ em của Liên Hiệp Quốc vừa ra một kết luận trong đó nêu những quan ngại về việc thực thi quyền trẻ em của Việt Nam, đồng thời khẩn thiết yêu cầu nhà chức trách áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp, thành lập một cơ quan giám sát độc lập để ngăn chặn hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Ngày 29/9/2022 Uỷ ban Quyền Trẻ em của LHQ (UNCRC) công bố kết luận dài 17 trang đề ngày 19/9/2022 nói rằng họ quan ngại về tình trạng phân biệt đối xử, sử dụng lao động trẻ em, sự chênh lệch trong việc thụ hưởng các quyền trẻ em trong các hoàn cảnh dễ bị tổn thương, bao gồm cả việc tiếp cận với dịch vụ y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội.
Kết luận của ủy ban nhấn mạnh họ “quan ngại sâu sắc đến các bộ luật, bao gồm Bộ luật Hình sự và Luật an ninh mạng và nghị định xử lý vi phạm hành chính hạn chế quyền tự do ngôn luận của trẻ em, kể cả trên mạng xã hội”.
Ủy ban cũng rất lo ngại về chất lượng giáo dục kém và chênh lệch về kết quả giáo dục giữa các vùng và các nhóm dân tộc thiểu số; việc hạn chế tiếp cận với giáo dục hòa nhập có chất lượng cho trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em thuộc các nhóm dân tộc thiểu số hoặc tôn giáo hoặc các nhóm bản địa và trẻ em di cư.
Ngoài ra, Uỷ ban còn bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” về môi trường mà các tổ chức xã hội dân sự và các người bảo vệ nhân quyền, bao gồm người bảo vệ quyền trẻ em, phải đối mặt ở Việt Nam.
CRC đề xuất hàng loạt các biện pháp, trong đó có việc xem xét lại các điều luật của Việt Nam, bao gồm Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự, để phù hợp với Công ước LHQ về Quyền Trẻ em năm 1989, mà Việt Nam là một trong những quốc gia thành viên đầu tiên đã phê chuẩn.
Uỷ ban này “hối thúc quốc gia thành viên [Việt Nam] nhanh chóng thiết lập một cơ chế độc lập để giám sát quyền của trẻ em phù hợp cách đầy đủ với các nguyên tắc liên quan đến tình trạng của các định chế quốc gia nhằm phát huy và bảo vệ nhân quyền (các Nguyên tắc Paris) và có khả năng tiếp nhận, điều tra và giải quyết các khiếu nại bởi trẻ em một cách thân thiện với trẻ em”.
VOA cố gắng liên lạc Bộ Ngoại giao và Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneve và đề nghị cho ý kiến về kết luận này của CRC, nhưng chưa được phản hồi.
Khi diễn ra phiên rà soát của CRC về quyền trẻ em Việt Nam hôm 12 và 13/9, trong đó có một phái đoàn Việt Nam tham dự, bao gồm Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương và Xã hội Nguyễn Thị Hà và Đại sứ Việt Nam tại Geneva Lê Thị Tuyết Mai, truyền thông Việt Nam loan tin rằng Ủy ban CRC “hoan nghênh thành tựu của Việt Nam, thể hiện qua quá trình xây dựng luật pháp, xây dựng chính sách cũng như các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em”.
Bà Hà nói rằng Việt Nam “sẵn sàng hợp tác với các nước, các cơ quan Liên Hợp Quốc trong quá trình triển khai các khuyến nghị, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong tiến trình này”.