Tôi đồng ý với bài viết của ông Cao Huy Huân có tựa “Dân cần lãnh đạo thương dân”, do báo điện tử VOA đăng ngày 26/1/2016. Bài được viết trong những ngày đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) tổ chức Đại hội thứ XII. Bài viết của tôi xin được phát triển một số ý từ trong bài của ông Huân. Các dòng in nghiêng được trích từ bài của ông Huân.
Ý thứ nhất: Làm sao để người dân có thể thực hiện được mong muốn của mình là có được “lãnh đạo thương dân”?
Có lẽ còn rất ít người Việt Nam hiện nay không hiểu và không tin rằng để có được các “lãnh đạo thương dân” thì lãnh đạo phải được bầu chọn bởi người dân. Đây là quan niệm quá rõ ràng, đương nhiên và rất thực tế cho dù đảng CSVN đang ra sức lập luận vòng vo tránh né để không phải thực hiện điều quá hợp đạo lý này.
Cũng có lẽ còn rất ít người Việt Nam hiện nay không hiểu và không tin rằng cách thức bầu chọn người lãnh đạo đất nước tại Việt Nam chẳng những không có dân chủ với dân mà cũng không có dân chủ trong nội bộ đảng. Điều này được thể hiện khá rõ qua cách tổ chức bầu bán trong Đại hội XII của đảng CSVN!
Ý thứ hai: “Họ (dân chúng) không cần biết nội bộ mâu thuẫn như thế nào. Họ càng không cần biết ai dùng phương pháp gì để trúng cử, miễn là nó hợp pháp và hợp hiến.”
Tôi cho rằng, để người dân có thể sáng suốt bầu chọn người lãnh đạo của họ, cho họ, vì họ, thì dân chúng cần phải biết các điều nói trên, cùng với nhiều điều khác nữa. Bởi vì, thí dụ, khi dân chúng biết người ấy dùng phương pháp gì, thủ thuật gì để ứng cử, cho dù hợp pháp và hợp hiến, thì họ cũng hiểu hơn ứng cử viên ấy theo đuổi giá trị sống gì. Giá trị sống của người lãnh đạo cực kỳ quan trọng! Nước Việt Nam đã chịu bao hậu quả tàn khốc lâu dài vì người lãnh đạo thiếu giá trị sống trung thực, bình đẳng và nhân đạo. Có phải cuộc cách mạng “Cải Cách Ruộng Đất” trời long đất lở kia mà oan khốc ngất trời hòa trong máu chảy thành sông xảy ra được trên đất nước ta cũng vì người lãnh đạo thiếu các giá trị sống đó không?
Cho nên, tự do ngôn luận, tự do báo chí là điều không thể thiếu được trong một nền dân chủ đích thực, mà trong đó người dân có thể chọn những người thương họ.
Ý thứ ba: “Ai làm cũng được, miễn biết thương dân”
Tôi xin thêm rằng: “và miễn có tài làm được”. Với tôi, ý này quan trọng không kém ý “miễn biết thương dân”.
Những ngày đầu năm 1945, có rất nhiều người “biết thương dân”. Ngày ấy bao người bỏ sự nghiệp, tài sản lao vào công cuộc giải phóng dân tộc với lý tưởng xây dựng một nước Việt Nam độc lập hùng cường sánh vai cùng cường quốc năm châu. Cái lý tưởng đó bị cột chặt vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.
Cho tới những năm 1960, 1970 cái lý tưởng đó vẫn còn mê hoặc được nhiều người thật lòng yêu dân, yêu nước. Hãy xem, những năm sau 1975, khi nước Việt Nam vừa thống nhất, số cán bộ cao và trung cấp không vì tiền bạc trước mắt còn khá nhiều. Rất nhiều người trong họ lao vào xây dựng đất nước.
Tiếc thay, do không có tài và chỉ biết nhìn về một hướng, các chính sách sai lầm liên tiếp được ban ra tàn phá nguyên khí đất nước và chồng chất thêm hận thù trong lòng dân tộc. Và cũng từ các chính sách giành tất cả đặc quyền, đặc lợi, giành toàn quyền thống trị đất nước cho riêng đảng CSVN mà tới nay, trong hệ thống đảng và hệ thống cầm quyền con số người “biết thương dân” đã trở nên quá ít ỏi!
Điều này cũng được thể hiện khá rõ qua cách tổ chức Đại hội XII của đảng CSVN: không có chương trình làm việc đề nghị các hướng đi, các giải pháp cho dân sinh, dân chủ!
TÓM LẠI: Chỉ có dân chủ hóa đất nước, dân chủ hóa thực tâm và thực sự, thì dân chúng mới có điều kiện thực hiện ước mơ có được những nhà “lãnh đạo thương dân”. Điều này quá thông thường, được chấp nhận và áp dụng phổ quát trên thế giới, tại sao lại lại khó biến thành thực tế trên nước Việt Nam đến như vậy?
*Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.