Văn hoá chửi đổng

Văn hoá chửi đổng

Ai cũng biết chửi có nhiều hình thức. Hơn nữa, tôi có cảm tưởng, các hình thức ấy càng ngày càng đa dạng. Trước, trong Từ điển Việt Bồ La của Alexandre de Rhodes (1651), chỉ có hai từ chửi và chửi mắng; sau, trong Đại Nam Quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895), có thêm chửi bới, chửi rủa, chửi lộn và chửi thề; kèm theo một số thành ngữ như: chửi như tách nứa, chửi như gõ thoi; sau nữa, trong Việt Nam tân từ điển của Thanh Nghị (1952), thêm: chửi bâng quơ, chửi vào mặt, chửi tục, chửi vung, chửi xối hay chửi xối xả. Từ điển tiếng Việt của Văn Tân (1963), ngoài một số hình thức chửi trên, còn thêm: chửi bóng chửi gió, chửi chữ, chửi đổng, chửi xỏ. Nhiều nhất là trong Việt Nam từ điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ (1970) với một số kiểu chửi mới, chưa thấy trong các từ điển trước: chửi bỏ, chửi bông lông, chửi đùa, chửi khống, chửi lén, chửi tắt bếp, chửi thầm, chửi thề, chửi trổng, chửi vãi, chửi vụng, và chửi xiên chửi xéo. Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ cũng liệt kê một số thành ngữ bắt đầu bằng chữ chửi: Chửi cha không bằng pha tiếng, chửi chó mắng mèo, chửi lắm nghe nhiều, chửi như chó ăn vã mắm, chửi như mất gà, chửi như vặt thịt.

Ngoài ra, có nhiều từ hoặc thành ngữ khá phổ biến ngoài đời nhưng không hiểu sao lại không có trong từ điển: chửi cha, chửi xéo, chửi móc, chửi leo, chửi đông đổng, chửi té khói, chửi không kịp vuốt mặt, chửi như vãi trấu, chửi như tát nước (vào mặt), chửi tưới hột sen, chửi tá lả, chửi tá lả bùng binh, chửi búa xua, chửi tứ tung, chửi tứ tung lung tàng, chửi tùm lum tà la, chửi sa sả, chửi cho tắt đài, chửi thẳng vào mặt, chửi sủi bọt mép, chửi như hát, v.v… (Tôi chỉ nhớ được chừng đó; bạn nào biết được thêm chữ hay thành ngữ nào khác, xin bổ sung giùm.)

Gần đồng nghĩa (nhưng nhẹ hơn) với chửi là mắng. Có mắng nhiếc, mắng mỏ, mắng trả, mắng vốn.

Số lượng từ vựng dồi dào như vậy chứng tỏ việc chửi khá phổ biến và rất đa dạng ở Việt Nam. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hầu hết các học giả đều đồng ý với nhau: người Việt Nam chửi nhiều. Một số người còn nói thêm: Người Việt không những chửi nhiều mà còn chửi hay nữa.

Trong cuốn Ngôn ngữ và thân xác, xuất bản tại Sài Gòn năm 1968, Nguyễn Văn Trung bàn nhiều về hiện tượng chửi tục của người Việt Nam, trong đó ông nêu lên một nhận xét táo bạo:

“Có lẽ không có dân tộc nào trên thế giới văng tục, chửi tục nhiều và hay như dân tộc Việt Nam. Đó là một hiện tượng rất phổ thông trong ngôn ngữ hằng ngày và cũng rất phong phú vì gồm rất nhiều lối văng tục, chửi tục, sử dụng rất nhiều chất liệu khác nhau để xây dựng câu chửi, nhưng cũng nhằm rất nhiều ý nghĩa, kể cả ý nghĩa tôn giáo. Do đó, văng tục, chửi tục là một vấn đề quan trọng đòi hỏi một công trình kê khai có hệ thống để giải thích khoa chửi tục của người Việt Nam.”

Nhà văn Võ Phiến thì có hai bài "Chửi" và "Chửi tục", cũng xuất bản trước 1975, sau, in lại trong tập Tuỳ bút 1, do Văn Nghệ xuất bản tại California năm 1986; trong đó, cũng giống Nguyễn Văn Trung, ông cho người Việt không những chửi nhiều, chửi tục mà còn chửi hay nữa.

Hay đến độ, theo Võ Phiến, thời Pháp thuộc, trước năm 1945, có một nhà nghiên cứu người Pháp, sau khi đọc một tập truyện của Thanh Tịnh, thấy trong đó có nhân vật chửi nhau hấp dẫn quá, đã nhờ Thanh Tịnh giúp tìm tài liệu để viết về nghệ thuật chửi bới của người Việt Nam. Cũng theo Võ Phiến, sau này, cuối thập niên 60, linh mục Trương Đình Hoè đã soạn hẳn một luận án tiến sĩ về ý nghĩa của cái chửi Việt Nam tại một trường đại học ở Paris.

Mà, thật ra, không cần nghe các học giả. Chỉ bằng kinh nghiệm bản thân, có lẽ ai trong chúng ta cũng thấy được điều đó. Nếu ở Tây phương (tôi không dám nói các nước Phi châu hay Á châu khác, những nơi tôi chưa từng sống nên không biết), người ta vẫn chửi thề và chửi tục, tuy cũng thô tục và thô bạo, nhưng thường ngắn gọn, ở Việt Nam, chửi thường khá dài và dai, có khi cả tiếng hay nhiều tiếng đồng hồ. Chửi liên tục, ròng rã.

Hồi nhỏ, sống ở miền quê, tôi thường nghe nhiều người chửi như thế. Giận con: chửi. Giận chồng: chửi. Giận hàng xóm: chửi. Chồng ngoại tình, ra trước sân nhà hay có khi ra hẳn ngoài đường, chửi: “Phải chi con đó có bốn vú, hai l. thì mi mê cũng đáng; đàng này nó cũng chỉ có hai vú, một l. như tau thì tại sao mi lại bỏ vợ bỏ con mà đi theo cái con đĩ đó hở cái thằng mất nết mắc dịch kia?”. Đau bụng đẻ cũng lôi chồng ra chửi: “Tau đã bảo đừng rồi, vậy mà cứ lăn xả vào đòi lột quần người ta ra mà ... (tự ý đục bỏ!)… Ới cái thằng mắc toi mắc dịch, cái thằng dê xồm dê cụ kia, có giỏi thì chịu cảnh đau đẻ như bà nè!”

Trong văn học, người chửi nhiều nhất có lẽ là Chí Phèo của Nam Cao:

“Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: "Chắc nó trừ mình ra!" Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có trời mà biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết...”

Chí Phèo hay chửi. Nhưng Nam Cao không cho biết là hắn chửi hay hay không. Chúng ta cũng không có “văn bản” lời chửi của hắn để tự mình đánh giá. Nhưng lời chửi của vợ trương Thi, hàng xóm của Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan thì hay thật:
“Làng trên xóm dưới! Bên sau phía trước! Bên ngược bên xuôi! Tôi có con gà mái xám nó sắp ghẹ ổ, nó lạc ban sáng, mà thằng nào con nào ở gần đây mà qua, đứa ở xa mà lại, nó day tay mặt, nó đặt tay trái, nó bắt mất của tôi thì buông tha nó ra, không thì tôi chửi cho đơơới !

Chém cha đứa bắt gà nhà bà! Chiều hôm qua bà cho nó ăn hãy còn, sáng hôm nay, con bà gọi hãy còn, mà bây giờ mày đã bắt mất. Mày muốn sống mà ở với chồng với con mày, thì mày buông tha thả bỏ nó ra, cho nó về nhà bà. Nhược bằng mày chấp chiếm, thì bà đào thằng tam đại tứ đại nhà mày lên, bà khai quật san bằng ngũ đại lục đại nhà mày lên. Nó ở nhà bà, nó là con gà, nó về nhà mày nó biến thành cú thành cáo, thành thần nanh đò mỏ, nó mổ chồng mổ con, mổ cái nhà mày cho mà xem. Ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia! Mày mà giết gà nhà bà, thì một người ăn chết một, hai người ăn chết hai, ba người ăn chết ba, mày xuống âm phủ mày bị quỷ sứ thần linh rút ruột ra, ớ cái thằng chết đâm, cái con chết xỉa kia ạ!”

Cũng về đề tài mất gà như thế, tôi còn nghe một bài văn chửi gần như là vè. Cũng vần cũng điệu, cũng ngân nga và cũng trầm bổng; nhiều câu chữ y như hai đoạn văn trên của Nguyễn Công Hoan:

Tổ cha mày
Cái đứa đen lòng xanh cật
Mặt sấp mo nang
Rình ngang rình ngửa
Bắt gà của bà

Ở nhà bà
Nó là gà xương gà thịt
Về nhà mày
Nó là thần nanh xanh, mỏ đỏ
Nó mổ mắt mày

Ở nhà bà
Nó là gà gấm gà hoa
Sang nhà mày
Nó là ác cầm ác thú
là cú là cáo
là báo là hổ
Vồ cả nhà mày
Giày cả nhà mày. (1)

Ở Huế, người ta cũng nghe những tiếng chửi như vậy. Có khi có bài bản và vần điệu du dương hơn:

"Cao tằng tổ đĩ, cao tằng tổ khảo, cố tổ gia tông cả ông, cả bà, cả cha, cả mẹ, chú bác, anh em, họ nội, họ ngoại, xa gần ân ái, họ gái họ trai, dưới âm phủ đội mũ mà lên, trên thiên đàng xếp hàng mà đi xuống, bay hãy vén mái tai, gài mái tóc đặng chống tai lên cho rõ, chống cửa ngõ cho cao, chặt hàng rào cho thấp để mà nghe tao chửi đây nè:

Tau chửi cho tan nát tông môn họ hàng cái quân khốn kiếp, cái quân vô hậu kế đợi đã ăn hết của tau bảy con gà xám, tám con gà vàng. Bay ăn chi mà ăn ác nhơn ác nghiệp, ăn một lần một chục rưỡi con gà. Bay ăn cho chồng bay sợ, cho con bay kinh, bay ăn cho ngả miếu sập đình, cho mồ cha bay chết hết để một mình bay ngồi đó mà ăn. Đồ cái quân ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột. Cái quân không sợ trời đánh thánh đâm... bay ăn mần răng mà hết chục rưỡi con gà?" (2)

Ở miền Trung, hồi nhỏ, tôi được nghe một bài văn chửi mất gà khác với bài vừa kể. Chỉ nhớ loáng thoáng một số câu:

Tổ cha nó
Cái thằng ăn cắp
Nó bắt con gà vàng khoan cổ
con gà nổ khoan lông
nó nấu nồi đồng
nó nấu nồi đất,
nó ăn lật đật
nó trật xương quai
nó lòi bản họng
mà nó cứ tọng vô mồm
cái mồm thối mồm tha
mồm ma mồm quỷ
mồm đĩ mồm chó
Tổ cha nó!

Hầu hết các lời chửi ở trên đều không nhắm vào một đối tượng cụ thể nào cả. Chửi như thế gọi là chửi đổng (hay chửi đông đổng, chửi trổng, chửi khống).

Nếu hiện tượng chửi đổng như thế từng phổ biến ở nông thôn, thì, ở thành thị, nó có vẻ thưa thớt hơn. Mức độ thành thị hoá càng cao, nó lại càng thưa thớt. Lúc ấy, chúng ta thường nghe những tiếng chửi thề hay chửi tục nhưng lại hiếm khi nghe những bài văn chửi lê thê, vần vè và vu vơ như trước.

Nhưng chửi đổng có chết hẳn không?

Không. Nó không chết. Nó chỉ biến tướng. Nó “bác học hoá”, xuất hiện trên báo chí; và gần đây, được “hiện đại hoá”, xuất hiện trên mạng. Có cảm tưởng một số người mở website hay blog chỉ để làm mỗi một việc: chửi đổng. Chửi hết người này đến người khác. Cứ chửi bâng quơ, vu vơ, không khống. Như những tiếng sủa ủng oẳng của những con chó dại. Xin nói ngay: Hình tượng và chữ “sủa” ấy không phải của tôi. Có người dùng như thế rồi. Không phải là dùng cho người khác. Mà là tự nhận cho chính họ: Họ thích sủa gâu gâu. Gần như ngày nào cũng viết vài câu gâu gâu. Người khác trách, họ trả lời một cách thản nhiên: Thích, họ cứ sủa. Và hứa: sẽ còn sủa tiếp, dài dài. Ai chửi, mặc kệ: “Chả sao!”

Nói như là đe doạ.

Nghe những lời chửi mất gà ngày xưa, thấy vui. Nhưng nghe những lời đe doạ như thế trên mạng, chỉ thấy thảm.

Bạn có nghĩ vậy không?

Chú thích:

1&2: Hai bài này tôi đọc được đâu đó, đã lâu, nhớ thuộc lòng, nhưng lại không nhớ xuất xứ. Bạn đọc nào biết, xin chỉ giùm. Xin cám ơn trước.