Vẫn là chuyện phá giá tiền đồng

Vẫn là chuyện phá giá tiền đồng

Vẫn xoay quanh câu chuyện phá giá tiền đồng, kể từ khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tuyên bố phá giá tiền đồng bằng cách nâng tỷ giá tham chiếu cũ là 18.932 đồng ăn một đô-la lên mức tham chiếu mới là 20.693 đồng ăn một đô-la thì tỷ giá trên thị trường tự do đã ngay lập tức được điều chỉnh từ mức khoảng 21.000 đồng/1USD (vào ngày 11 tháng 2) lên mức khoảng 22.000 đồng/1USD (vào ngày 17 tháng 2). Rõ ràng là động thái phá giá của NHNN không có tác dụng trấn an thị trường mà trái lại là bằng chứng giúp thị trường khẳng định rõ hơn xu thế đi xuống tất yếu của tiền đồng.

Có vẻ như ngay cả NHNN cũng đã tiên liệu tình hình này. Có một chi tiết đáng chú ý nhưng chưa được nhắc đến trong câu chuyện phá giá – đó là việc xác định tỷ giá tham chiếu. Khi xác định tỷ giá tham chiếu, NHNN đã đưa ra một con số rất lẻ là 20.693 đồng/1USD và đưa ra biên độ giao động cho phép là +/- 1%. Ngưỡng trên theo biên độ cho phép này chính xác là 20.900 đồng/1USD trong khi ngưỡng dưới là 20.486 đồng/1USD.

Điều đó nói gì? Rõ ràng khi ấn định tỷ giá mới, NHNN đã quan tâm tới biến số chính là ngưỡng trần của giao dịch chính thức – tức là con số chẵn 20.900 đồng/1USD. Nói cách khác, ngay khi quyết định phá giá, thì NHNN cũng đã xác định trước là tỷ giá sẽ cán ngưỡng trần.

Câu chuyện phá giá lần trước cũng vậy. NHNN đã ấn định tỷ giá tham chiếu là 18.932 đồng – cũng là một con số rất lẻ. Nếu lấy con số này nhân với biên độ cho phép là +/- 3% sẽ ra hai con số là 19.500 đồng/1USD (ngưỡng trần) và 18.364 đồng/1USD (ngưỡng sàn). Rõ ràng con số trần cũng là con số chẵn – tức là con số mà NHNN dự tính trước là thị trường sẽ điều chỉnh đến.

Tuy là một chi tiết nhỏ, nhưng nó cũng cho thấy chuyện gì xảy ra trong đầu các nhà lập chính sách. NHNN khi đưa ra một tỷ giá tham chiếu mới đã dự tính trước là thị trường sẽ chỉ quan tâm đến ngưỡng trần. Điều này phản ánh hai điểm: Thứ nhất là NHNN vẫn cho rằng tỷ giá trên thị trường tự do luôn luôn cao hơn và dẫn dắt thị trường ngoại tệ chính thức. Thứ hai là NHNN vẫn hiểu rằng các đợt phá giá của họ vẫn “chưa tới” – tức là vẫn chỉ chạy theo đuôi thị trường tự do mà thôi.

Tỷ giá cuối năm sẽ nằm ở đâu?

Mới giữa tháng 2 mà tỷ giá trên thị trường tự do đã lên tới 22.000 đồng/1 USD. Trong khi đó, lạm phát (tính theo CPI) của tháng 1 là 1.74% so với tháng 12 năm 2010 (so với tháng 1 năm 2010 là 12.17%). Dự tính lạm phát tháng 2 được khả năng sẽ nằm ở mức 1.8% đến 2% - là mức rất cao so với dự kiến. Trong các tháng tới, giá các nguyên vật liệu đầu vào cơ bản sẽ đều tăng mạnh.

Chính phủ đã quyết định giá điện sẽ tăng 15.28% từ ngày 1 tháng 3 tới. Đối với giá xăng dầu, mặc dù chưa có quyết định tăng giá chính thức, nhưng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn tiền. Theo Truyền hình Việt Nam (VTV) thời gian qua Nhà nước đã bỏ ra khoảng 11.000 tỷ đồng để bù giá, trong đó, số tiền hỗ trợ từ giảm thuế là 7.500 tỷ đồng, còn lại 3.500 tỷ đồng là sử dụng từ Quỹ bình ổn giá. Do không còn quỹ để bình ổn, chắc chắn chính phủ sẽ phải điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu. Giá than cũng thuộc diện buộc phải điều chỉnh tăng giá, đẩy giá phân bón tăng theo.

Việc tăng giá các mặt hàng cơ bản này cùng với câu chuyện phá giá hôm 11 tháng 2 vừa rồi đã tạo ra một làn sóng tăng giá. Vneconomy trong bài ”Nhiều mặt hàng tăng giá đón đầu” đã mô tả sơ bộ các đợt gió đầu tiên của cơn bão giá sắp tới. Theo bài báo này, giá xi măng đã tăng khoảng 5%-6% trong tháng 2. Giá thép cũng đã tăng khoảng từ 2% đến 5% tùy loại. Giá gas hóa lỏng dùng cho sinh hoạt cũng đã tăng ngay sau khi có điều chỉnh tỷ giá với mức tăng khoảng 5%.

Vào ngày 17 tháng 2 vừa rồi NHNN đã tăng lãi suất tái cấp vốn từ 9% lên 11% với mục đích gom bớt tiền trong lưu thông nhằm chống lạm phát. Tuy nhiên, động thái này vẫn còn yếu và khả năng là sẽ không kiềm chế được cơn bão giá. Có lẽ NHNN sẽ không giám mạnh tay tăng lãi suất tham chiếu cho các khoản tiền gửi lên mức 14% - 15% (hiện nay là 12%) do lo sợ các khoản lãi vay quá cao sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp tới bờ vực phá sản.

Có lẽ lạm phát của năm 2011 sẽ nằm ở mức 13% tới 15%. Và như vậy khả năng rất cao là tỷ giá chính thức sẽ phải được điều chỉnh lên mức 21.500 - 22.000 đồng/USD và tỷ giá trên thị trường tự do sẽ nằm vào khoảng 23.000 đồng/1USD vào cuối năm 2011. Tuy nhiên hãy còn hơn 10 tháng nữa mới kết thúc năm 2011 và còn nhiều bất định có thể xảy ra trong năm nay. Dự báo này đúng đến đâu thì cần phải chờ hạ hồi phân giải.

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.