Tại hội nghị giữa Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) với giám đốc sở GDĐT các tỉnh, thành phố trên toàn Việt Nam vừa diễn ra hồi cuối tuần vừa qua, ông Nguyễn Kim Sơn – Bộ trưởng GDĐT yêu cầu hệ thống GDĐT “đổi mới nội dung từng môn học” (1). Yêu cầu vừa kể được xem là một phần của “Chương trình giáo dục phổ thông mới” đã bắt đầu từ năm 2018, sẽ hoàn tất vào năm 2025, được quảng bá là sẽ giúp học sinh phát triển phẩm chất, năng lực cá nhân.
Việt Nam thực hiện kế hoạch “đổi mới chương trình giáo dục phổ thông” cách nay khoảng bốn thập niên. Kể từ đầu thập niên 1980, hệ thống GDĐT tại Việt Nam bắt đầu thực hiện kế hoạch thay đổi sách giáo khoa dành cho chương trình giáo dục phổ thông và cũng kể từ lúc ấy, giáo dục phổ thông rồi tuyển sinh - đào tạo đại học trở thành mê hồn trận, biến cả học sinh, phụ huynh lẫn xã hội trở thành nạn nhân của đủ loại “sáng kiến” được dán nhãn “cải cách giáo dục, đào tạo”.
Cho dù không thể đếm xuể, kể hết các “sáng kiến” nhưng ai cũng nhận ra những “sáng kiến” ấy đã biến GDĐT lẽ ra phải là phúc lợi công cộng lại trở thành thảm họa công cộng. GDĐT trở thành một trong những lĩnh vực liên tục gieo rắc sự bất bình, thất vọng nhưng vẫn chỉ hướng tới mục tiêu... hỗ trợ cho những viên chức hữu trách trong quản trị - điều hành hoạt động của hệ thống GDĐT làm giàu. Không phải tự nhiên mà du học được ví von là... “tị nạn giáo dục”.
Vì sao lại thế? Không chỉ các chuyên gia mà một số viên chức hữu trách trong lĩnh vực GDĐT từng khẳng định: Vì GDĐT không vì GDĐT đúng nghĩa mà chỉ nhằm thực hiện... “nhiệm vụ chính trị” (2). Khi hoạt động GDĐT chỉ nhằm đến việc hoàn thành “nhiệm vụ chính trị” - biến tất cả công dân thành thần dân của đảng thì chuyện nhiều cá nhân thiếu cả tư cách, năng lực, kinh nghiệm, lẫn tâm huyết đối với GDĐT trở thành viên chức lãnh đạo lĩnh vực GDĐT ở tất cả các cấp là... tất nhiên.
Bởi hoạt động GDĐT chỉ nhằm thực hiện... “nhiệm vụ chính trị” chứ không vì GDĐT đúng nghĩa nên những chuyện như ba viên chức lãnh đạo Sở GDĐT Quảng Ninh nhận 33 tỉ đồng để giao cho một doanh nghiệp thay cơ quan quản lý giáo dục ở Quảng Ninh tự soạn dự án đầu tư học cụ và thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh, tự lập kế hoạch mời thầu, tự định chọn chính mình làm nhà thầu, tự phê duyệt giá và tự nghiệm thu chất lượng các gói thầu (3)... trở thành bình thường ở khắp nơi.
Bởi hoạt động GDĐT chỉ nhằm thực hiện... “nhiệm vụ chính trị” chứ không vì GDĐT đúng nghĩa nên mới có chuyện Bộ GDĐT và Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam biến sách giáo khoa thành loại hàng hóa tạo siêu lợi nhuận và từ hệ thống chính trị đến hệ thống công quyền cùng làm ngơ, bất kể dân chúng oán thán đã hàng chục năm. Việc Bộ Công an đột nhiên quan tâm, khởi tố vụ án, khởi tố một số cá nhân để điều tra (4) dường như cũng chỉ nhằm hoàn thành “nhiệm vụ chính trị”.
Bởi hoạt động GDĐT chỉ nhằm thực hiện... “nhiệm vụ chính trị” chứ không vì GDĐT đúng nghĩa nên mới có chuyện công thự càng ngày càng nguy nga, đồ sộ nhưng dù sống ngay tại thủ đô, có tới 33.000 đứa trẻ không tìm được chỗ trong các trường công lập để học lớp mười nên phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm với hy vọng tìm được một chỗ trong các trường cấp ba bán công, tư thục cho chúng (5) và không có bất kỳ viên chức hữu trách nào bận tâm đến tương lai những đứa trẻ mà cha mẹ không đủ khả năng tài chính...
***
Hiếm có xứ sở nào như Việt Nam, đeo đuổi việc mở mang học vấn là phải chấp nhận dấn bước trên một con đường toàn khổ nạn mà dù muốn hay không, cả đứa trẻ lẫn phụ huynh phải cùng nhau gánh, sau tìm nơi học là đủ loại chi phí, là học thêm, là chương trình quá tải, là thi cử trở thành thái quá và luôn luôn phát sinh các bất cập. Ngày xưa, cổ nhân thường răn hậu sinh: Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai. Sau này, người Việt đương đại động viên nhau: Sau cơn mưa, trời sẽ sáng...
Tuy nhiên trong tương quan giữa giáo dục với tương lai, gánh vác khổ nạn khi đeo đuổi việc mở mang học vấn lại không mang tới bất kỳ kết quả tích cực nào, kể cả khi hoàn tất bậc đại học, thậm chí sau đại học. Tốt nghiệp đại học, cao học rồi thất nghiệp phải làm đủ loại nghề chẳng liên quan gì đến chuyên ngành đã trở thành điều tất yếu khi đồng hành với đảng để xây dựng CNXH tại Việt Nam. Đó cũng là hậu quả tất yếu của GDĐT chỉ nhằm thực hiện... “nhiệm vụ chính trị” chứ không vì GDĐT đúng nghĩa.
Khi các hệ thống chỉ quan tâm đến việc hoàn thành... “nhiệm vụ chính trị” thì GDĐT không thể hỗ trợ kinh tế - xã hội phát triển và ngược lại, kinh tế - xã hội không thể thúc đẩy GDĐT vận động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Giữa năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội loan báo sẽ... “đầu tư” 1.300 tỉ để đưa khoảng 60.000/148.000 cử nhân, thạc sĩ đang thất nghiệp đi làm thuê ở ngoại quốc, đó là chưa kể gần 200.000 người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp cũng đang thất nghiệp (6).
Sáu năm sau – tháng 6 vừa qua – hệ thống truyền thông chính thức tường thuật, khi nỗ lực học hành trở thành vô nghĩa và vô vọng, trẻ con hoàn tất trung học không muốn vào đại học, ngay cả những đứa trẻ giỏi nhất và đã được các đại học hàng đầu quốc gia tiếp nhận nhưng vẫn giũ áo bỏ đi làm mướn cho thiên hạ ở ngoại quốc đang trở thành xu hướng ở nhiều nơi trên toàn quốc (7). Đó là một hậu quả khác của GDĐT chỉ nhằm thực hiện... “nhiệm vụ chính trị” chứ không vì GDĐT đúng nghĩa.
Đầu năm 2016, khi tham gia thảo luận về những hạn chế trong đào tạo đại học tại Việt Nam khiến sinh viên không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu càng ngày càng cao của thị trường lao động, ông Nguyễn Văn Nhã – người từng đảm nhận vai trò Trưởng ban Đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội – bảo rằng: Cũng đào tạo trong bốn năm nhưng sinh viên các quốc gia khác được dạy rất sâu về ngành họ theo học chứ không phải học nhiều môn vô bổ như ở Việt Nam. Theo ông Nhã: Ngoài chương trình, phải đổi mới cả cách dạy, không thể tiếp diễn tình trạng nhồi sọ những môn học tư tưởng như hiện nay (8)... Nếu đem số tiền mỗi sinh viên phải trả cho những môn rõ ràng là vô bổ như Lịch sử đảng, Triết học Marx – Lenin, Kinh tế chính trị XHCN, Tư tưởng Hồ Chí Minh,... nhân với tổng số sinh viên tại Việt Nam trong thời gian vừa qua, con số ắt sẽ là ngàn tỉ. Đó không chỉ là sự phung phí thời gian, sức lực mà còn là sự lãng phí tiền bạc dẫu của cá nhân nhưng về bản chất là một loại tài nguyên quốc gia.
Bộ trưởng GDĐT có dám “đổi mới” – loại bỏ những thứ rõ ràng là vô bổ đó không?
Chú thích
(1) https://vnexpress.net/bo-truong-giao-duc-phai-doi-moi-noi-dung-tung-mon-hoc-4632845.html
(2) https://cuoituan.tuoitre.vn/cau-chuyen-ve-mot-bo-sach-giao-khoa-571280.htm
(6) https://vietnamnet.vn/1300-ti-dong-dua-cu-nhan-thac-si-that-nghiep-di-xuat-khau-lao-dong-381884.html
(8) https://giaoduc.net.vn/sinh-vien-viet-nam-tut-hau-vi-nhung-mon-hoc-vo-bo-post165681.gd