Văn sĩ, trí thức Việt Nam ra Tuyên bố Đồng Tâm

Trước ngỏ nhà ông Lê Đình Kình chiều ngày 10/01/2020. Photo Thanh Nien

Hôm 10/1, nhiều nhân sĩ, trí thức Việt Nam đã ký Tuyên bố Đồng Tâm yêu cầu chính quyền ngưng ngay việc dùng vũ lực trong vụ cưỡng chế đất đai ở Đồng Tâm, Hà Nội, đồng thời phải công khai minh bạch vụ tranh chấp đất đai khiến ít nhất 5 người chết, trong đó có 3 công an và 2 người dân hôm 9/1.

Tuyên bố Đồng Tâm được CLB Lê Hiếu Đằng khởi xướng hôm 9/1, có đoạn: “Nhà cầm quyền Việt Nam chấm dứt ngay việc dùng lực lượng vũ trang (quân đội, công an, các lực lượng khác) dùng bạo lực dưới mọi hình thức trong việc giải quyết vấn đề đất đai với nhân dân Đồng Tâm và với tất cả các địa phương ở Việt Nam”.

Ông Trần Bang, một thành viên của CLB Lê Hiếu Đằng, nói với VOA:

“Chúng tôi - những tổ chức xã hội dân sự và cá nhân - có thảo ra Tuyên bố Đồng Tâm với mục đích cảnh báo và ngăn chặn bạo lực và muốn việc giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết hành chính thông qua luật pháp, chứ không thể dùng bạo lực để đàn áp dân mà lấy đất của dân giao cho các nhóm lợi ích”.

Tuyên bố Đồng Tâm với mục đích cảnh báo và ngăn chặn bạo lực và muốn việc giải quyết tranh chấp đất đai là giải quyết hành chính thông qua luật pháp, chứ không thể dùng bạo lực để đàn áp dân mà lấy đất của dân giao cho các nhóm lợi ích.
Nhà hoạt động Trần Bang


“Các nhóm lợi ích này có thể mang những cái tên mỹ miều là ‘đất quốc phòng’.”

“Qua nhiều năm, họ dùng hết chiêu bài này đến chiêu bài khác để lấy đất của người dân”.

Tuyên bố nêu chi tiết: “Từ 25/12/2019 lực lượng chức năng đã cho chuẩn bị quân cán, diễn tập, uy hiếp nhân dân Đồng Tâm. Đến tối ngày 6/1/2020 nhà cầm quyền đã cắt Wifi ở Đồng Tâm và canh giữ, cản trở những người hoạt động dân sự độc lập từ Hà Nội muốn tiếp cận với Đồng Tâm để minh bạch thông tin từ Đồng Tâm”.

“Đây là hình thức chuẩn bị đàn áp thì bịt mồm, bịt mắt người dân và lái dư luận, ngăn cản tự do báo chí, ngôn luận, vi phạm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Quyên chính trị và dân sự mà Việt Nam đã ký kết”, Tuyên bố viết.

Từ thành phố HCM, một nữ giáo viên, người ký tên vào Tuyên bố, nói với VOA:

“Tôi nghĩ việc giải quyết đất đai phải có thỏa thuận của hai bên, có đền bù thỏa đáng thì mới hợp lý hợp tình, chứ lúc nửa đêm mà tấn công người dân như thế thì tôi thấy là không được. Tội cho người dân. Vậy là không được”.

Lúc nửa đêm mà tấn công người dân như thế thì tôi thấy là không được. Tội cho người dân.
Nữ giáo viên ở TP. HCM


“Tôi kỳ vọng rằng Tuyên bố này gửi đi để mong rằng chính quyền phải xem lại để giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của người dân”.

Nhà cầm quyền phải đưa người bị thương ở Đồng Tâm đi cấp cứu, đồng thời không được ngăn cản người dân và các tổ chức xã hội dân sự, báo chí tự do đến đưa tin, cứu hộ, giúp đỡ người dân Đồng Tâm trong lúc họ bị đàn áp, theo tuyên bố.

“Vụ việc đất đai Đồng Tâm phải được giải quyết công khai minh bạch, thông qua trình tự pháp luật dân sự, hành chính và phải có các tổ chức Xã hội Dân sự Độc lập, người dân và báo chí trong nước, quốc tế tự do tìm hiểu, chứng kiến mọi ngóc ngách của vấn đề và trong quá trình giải quyết. Không hình sự hóa trong giải quyết dân sự về đất đai”, Tuyên bố Đồng Tâm, có đoạn.

Tuyên bố yêu cầu chính quyền phải công nhận quyền tư hữu đất đai: “Vấn đề đất đai gây bao đau thương oan khuất từ 1954 đến nay trên khắp Việt Nam phải được thay đổi từ gốc rễ ở Hiến Pháp và Luật đất đai, phải trả lại quyền Tư hữu đất đai cho mọi người dân Việt Nam”.

Tuyên bố Đồng Tâm đăng trên trang boxitvn.blogspot.com hôm 10/01/2020. Photo boxitvn.blogspot.com


Từ Hà Nội, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, viết trên Facebook, thể hiện sự đồng tình với Tuyên bố: “Ruộng đất do Tổ tiên, ông cha ngàn đời khai phá, sở hữu, nhưng Dân ta rất yêu nước, bất kỳ lúc nào Nhà nước trưng dụng vào mục đích quốc phòng, Dân cũng sẵn sàng giao nộp. ‘Xe chưa qua, nhà không tiếc’, ‘thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người’… thì tiếc gì một ít ruộng đất. Nhưng đất quốc phòng mấy chục năm không sử dụng thì phải trả cho Dân canh tác”.

Người Dân xã Đồng Tâm chắc họ phải có lý, có niềm tin, họ chính nghĩa thì mới đoàn kết, liều mạng giữ đất như vậy.
Tiến sĩ Mạc Văn Trang


Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người đã tuyên bố từ bỏ Đảng, viết thêm: “Người Dân xã Đồng Tâm chắc họ phải có lý, có niềm tin, họ chính nghĩa thì mới đoàn kết, liều mạng giữ đất như vậy”.

Ông khuyến nghị: “Dù gì thì mâu thuẫn giữa Dân với Nhóm lợi ích, Chính quyền cũng cần đứng giữa để giải quyết có lý, có tình. ‘Nói phải củ cải cũng nghe’, sao lại dùng bạo lực với Dân, đẩy người Dân đến chống lại Chính quyền?”