Vân tán, Tuyết tan

  • Trần Tú

Continental, khách sạn lịch sử nổi tiếng ở Sài Gòn

Sau 35 năm, Sài Gòn mỗi ngày một thay đổi. Đông người hơn, thành phố đẹp hơn trên bề nổi. Nhưng những di sản tinh thần, dần dần biến mất như một hơi thở phải mất đi của một người qua đời. La Pagode góc đường Lê Thánh Tôn và Tự Do, đã biến mất trước tiên, biến mất lúc nào không ai rõ, chỉ biết người đi xa về bỗng ngơ ngác như người đi tìm dấu mạn thuyền. Brodard thay tên, đổi dạng như cô tiểu thư con nhà gia thế, một hôm thấy đứng đằng sau một cái xe bán nước mía.

Bây giờ người ta đang đập nát thương xá Eden và nhà hàng Givral. Nhà hàng Givral, nơi chốn thân yêu, đánh dấu những trang sử lật, nơi văn hóa đi qua và dừng lại. Nơi những bức tường cũng thấm đầy khói thuốc thở ra từ những buồng phổi của các: nhà báo, chính khách, điệp viên và ngay cả của những người thơ dại yêu nhau. Nơi những cái ghế thuộc lòng những cái lưng tựa vào nó, nơi những tiếng cười, tiếng thì thầm của: Eddie Adams, Peter Arnett, Horst Faas, Nick Út; nơi Đỗ Ngọc Yến hay đến gặp bạn bè. Nơi tin tức như được treo bí mật từ trần nhà thả xuống không gian. Một số những nhân vật này, đã làm nên lịch sử của truyền thông.

Sau biến cố 1975 tôi không biết những tài sản tinh thần như: Givral, La Pagode, Brodard, nhà sách Xuân Thu, nhà sách Khai Trí, đã đổi thay bao nhiêu lần chủ.

Tôi biết ở Mỹ, thành phố San Francisco có quán cà phê Trieste (Xây từ năm 1956) ở góc đường Vallejo và đường Grant, vào đó, một người chưa viết một câu thơ nào bao giờ, cũng tưởng mình là thi sĩ. Bởi vì, nơi đó, có những thi sĩ tên tuổi như Jack Kerouac, Allen Ginsberg, Joseph Brodsky đã đến, đã ngồi xuống, viết viết, xóa xóa, những dòng thơ của họ. Hơi thơ còn vướng cả những lưng ghế, những mặt bàn:

Tôi ngồi bên cửa sổ. Ngoài kia, có một cây bạch dương
Khi tôi yêu, tôi yêu tận cùng. Chuyện này không thường đâu

-------------------------------------------------------------------

Tôi nói rừng chỉ là một phần của cây thôi
Ai cần nguyên cô gái, nếu chiếm được cái đầu gối của cô rồi
.(*)

Tôi biết ở Cuba họ không hề đập nát một di sản tinh thần nào, dù đã có thời, họ ở trong một tình trạng kinh tế khốn đốn. Có người bạn đến đó, về kể cho tôi nghe: một tiệm sửa giầy từ thế kỷ 18, vẫn còn được giữ y nguyên dù đã thay bao nhiêu đời chủ.

Tôi đã đến Hungary, nơi làm tôi ngạc nhiên vì những giáo đường phải biến thành những tiệm chạp phô vẫn còn nguyên nóc chuông và những cánh cửa nhà thờ với ô kính mầu lấp lánh.

Du khách trên thế giới khi đến bang Washington đều ghé vào Pike Place Market của thành phố Seattle, nơi nổi tiếng nhờ có tiệm cà phê Starbucks (thành lập từ 1971) do Giáo sư Anh Ngữ Jerry Baldwin, Giáo sư Sử Ký Zev Seigl và nhà văn Gordon Bowker làm chủ.Tôi tin chắc những người chủ cầm bút này họ chẳng bao giờ nỡ đưa cái búa cho ai đập tan những di sản tinh thần của thành phố thân yêu.

Tôi đã trở về Sài Gòn nhiều lần, đã đứng ở phía bên rạp Rex (nay đã thành khách sạn) nhìn sang bên kia đường, đếm từ từng dưới đếm lên đến tầng bốn, để tìm khung cửa sổ của văn phòng cũ, nơi tôi làm việc gần mười năm; cây me già càng già thêm nữa, cái cành vẫn quệt ngang cánh cửa sổ. Tôi thấy nước mắt mình ứa ra, thân chao đi như đứng trên đất lệch, tôi bỗng nhìn thấy miệng cười của anh, thấy cái xe Honda mất hút ở góc Lê Thánh Tôn, Nguyễn Huệ, để lại một đám khói mỏng, hai mắt tôi mờ đi.

Tôi xót xa nghĩ đến một ngày nào đó, họ đập nốt cái khách sạn Continental nơi anh và tôi làm đám cưới. Cưới nhau xong là đi. Có điều gì bảo đảm được cái nhóm người mới này biết giữ gìn di sản văn hóa đâu. Cứ bán cho bất kỳ ai ở nước lạ nào tới, họ muốn đập phá, san bằng là quyền của họ. Như một điều tự nhiên thôi.

Tôi biết dòng sông có khi cạn đến đáy, nước sông trôi đi không quay lại, con sông không còn là chính nó nữa. Tôi hiểu thấu đáo câu thơ:

Sông kia giờ đã nên đồng
Chỗ làm nhà cửa chỗ giồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò
.(Tú Xương)

Nhưng sự phá bỏ những di sản tinh thần vẫn làm cho tôi cảm thấy hụt hẫng. Nhất là di sản tinh thần đó là một phần nào tuổi trẻ của tôi đã đi qua và để lại những kỷ niệm thơ mộng, ngọt ngào.

*
Anh thắng xe, quay đầu về phía sau nói:

- Anh đón em trưa nay.

Người con gái xuống xe, nghiêng mình một chút về phía mặt chàng thanh niên, chàng ghé xuống hôn lên trán nàng, rồi quay đầu chiếc Honda, phóng hút vào buổi sáng. Cô đứng nhìn theo cái bóng xe khuất ở góc Nguyễn Huệ và Lê Thánh Tôn.

Họ vừa đính hôn xong bằng một cái lễ Dạm Ngõ, một cái giấy hôn thú ký vội vàng. Tuần sau anh phải vào quân trường Thủ Đức rồi. Anh bị gọi vào khóa 3/68. Cha nàng là người chứng duy nhất trong tờ hôn thú ký giữa hoang mang và bối rối của con gái mình.

Cô vào trong thương xá Eden, lấy cầu thang máy lên lầu bốn. Thời gian đó là năm 1968, hãng thông tấn The Associated Press (AP), nơi cô làm việc, vẫn như còn bốc khói sau tết Mậu Thân. Cô đi làm với với tâm trạng lo âu, hai mắt lúc nào cũng mở to nhìn các ký giả, các nhiếp ảnh gia di chuyển trong văn phòng như vừa đi vừa chạy. Cô phụ họ nhớ cái này, quên cái kia. Ông chánh văn phòng lúc nào cũng như đứng trên hai hòn than, hai chân ông cứ bước lên nhau. Hãng AP trên lầu bốn của thương xá Eden, nằm sát cạnh NBC News. Bên đó họ cũng đang chạy loạn lên với máy quay phim, ống kính trên vai. Cái hành lang trên lầu bốn rầm rầm tiếng những bước chân của họ. Chiến tranh chạy như cơn lốc và họ đuổi theo để bắt cơn lốc đó.

Cô và ông chánh văn phòng ngồi chung một office. Cái bàn của ông quay về phía cửa ra vào, đối diện với phòng của các ký giả bên ngoài, bàn của cô xoay ngang, bên phải cô, cửa sổ nhìn sang rạp Rex. Ngồi ở đây làm việc, thỉnh thoảng cô nhìn ra cửa sổ thấy rõ tấm bảng quảng cáo phim gì chiếu trong tuần này.

Bây giờ cô chẳng còn lòng dạ nào mà nghĩ đến phim ảnh. Mấy hôm nữa anh vào quân trường rồi.

Buổi trưa anh đến đón cô. Anh rủ:

- Xuống Givral mua mấy cái bánh ngọt đi em.

Givral ở ngay từng dưới cùng, góc Lê Lợi- Tự Do, cùng một khu với AP, là nơi anh và cô thân thiết lắm. Ông bán bánh quen mặt cặp trẻ này. Khi nào thấy hai người ông cũng nhắc; Pâté Chaud mới ra lò, còn nóng đấy! Thế nào anh cũng mua cho cô một cái, dù lúc đó là giờ anh đón cô về nhà ăn cơm trưa với mẹ anh. Anh nói, mua cho em, chiều ở sở có đói, em ăn. Ông bán bánh nếu hôm nào thấy chỉ có mình cô, ông cũng hỏi: Cậu ấy đâu? Bao giờ cưới?

Cô mặt đỏ lên, nói khẽ như sợ ai nghe thấy:

- Sắp rồi.

Những buổi chiều cuối tuần, trước khi đi xi-nê hai người thường ghé Givral, cô ăn kem, anh uống cà phê. Cô thỉnh thoảng thích ngồi nơi này, vì ông bán bánh quen mặt, lại tiện ngay bên dưới sở cô làm, và nhóm ký giả thân thuộc hay tụ họp ở đây. Hai người ngồi ở cái bàn nhỏ, đối diện với Continental. Khi nào muốn yên ả hơn họ rủ nhau sang La Pagode, nơi được gọi một cách thân mật là “Cái Chùa”, ở góc Lê Thánh Tôn và Tự Do . Quán này rộng hơn một chút, cũng là nơi các nhà văn, nhà thơ Việt Nam hay đến gặp nhau hút thuốc lá, nhâm nhi ngụm cà phê, nói chuyện văn chương và chuyện thời sự. Anh hay bỏ xe gửi, nắm tay cô đi thong thả trong buổi chiều Sài Gòn. Họ tạm quên chiến tranh, quên nhập ngũ, chỉ nghĩ về một tương lai: họ sắp có nhau, vĩnh viễn. Đường Lê Lợi, đường Tự Do, đường Lê Thánh Tôn, đường Nguyễn Huệ là những con đường hò hẹn thân yêu của riêng họ từ ngày mới yêu nhau. Từ ngày anh học Đại Học Sư Phạm, mỗi tháng có một ngàn năm trăm đồng của trường cho, anh đã mua những điếu thuốc lá lẻ giá năm đồng cho hai điếu trên những con đường này và trước cửa những rạp xi- nê.

Bây giờ cô không còn anh nữa, chiến tranh cũng đã đập anh ra như những bức tượng bằng đất nung, anh vỡ ra thành trăm mảnh

Ôi Sài Gòn của cô, của riêng cô thôi! (Đã có nhiều lúc cô yếu lòng nghĩ như thế.) Mỗi lần cô nhớ đến Sài Gòn, cô liên tưởng đến câu thơ của Mạc Đĩnh Chi:

Ô hô! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết.

Trần Mộng Tú
Tháng 4, 2010

(*) I sit by the window. Outside, an aspen.
When I loved, I loved deeply. It wasn't often.
-------------------------------------------
I said the forest's only part of a tree.
Who needs the whole girl if you've got her knee?
( Joseph Brodsky- Giải Nobel Văn chương 1987)

(*) Cưới nhau xong là đi (Thơ Hữu Loan)


* Blog của Trần Mộng Tú là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.