VCNET của Ban Tuyên giáo là ‘vẽ dự án, tiêu tiền’?

Ban Tuyên giáo, Đang Cộng sản Việt Nam, khai trương mạng xã hội VCNET hôm 11/6/2019

Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản Việt Nam hôm 11/6 khai trương hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo, gọi tắt là VCNET, theo báo chí trong nước.

Các báo, trang tin, trong đó có VnExpress, VietnamNet và Lao Động, cho hay VCNET được Ban Tuyên giáo Trung Ương phối hợp cùng Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel xây dựng.

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thanh Long được báo chí dẫn lời nói rằng VCNET “trước hết sẽ là hệ thống thông tin điện tử tuyên giáo, giúp quản lý, điều hành tác nghiệp toàn bộ công tác của ngành tuyên giáo toàn quốc, chuyển từ giấy sang điện tử, tin học hoá hầu hết công việc hàng ngày”.

Chẳng ai thèm dùng cái đấy cả. Họ biết thừa cái âm mưu của chính quyền là muốn theo dõi họ, cho nên họ sẽ không dùng. Tôi nghĩ là không thành công.
Nhà hoạt động Lê Văn Dũng

Mặt khác, vị phó ban cho biết VCNET cũng là một mạng xã hội để “chia sẻ, trao đổi, tuyên truyền về các chủ trương đường lối của đảng, nhà nước và phản bác các thông tin sai trái”.

“Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị hệ thống truyền thông, cơ quan báo chí, đơn vị, đảng viên và người dân cùng tham gia sử dụng VCNET”, theo tin tức trên VietnamNet và Lao Động. Đảng viên, trước hết là cán bộ tuyên giáo trên toàn quốc “sẽ là các hạt nhân, là những tấm gương đi đầu”, vẫn theo các bản tin.

Nhiều người sử dụng Facebook nhanh chóng đưa ra những bình luận châm biếm diễn biến này, thậm chí gọi đó là việc làm “tốn tiền, vô ích”.

Facebooker Nguyễn Tuấn Anh, người đều đặn đăng các bài bình luận về chính trị, xã hội, nhận xét rằng giao diện của VCNET “nhái hệt Facebook, chỉ đổi màu xanh thành đỏ, không có gì mới lạ”.

Không nghĩ ra được cái gì mới, đừng làm. Làm chỉ có tốn tiền vô ích ... Giao diện nhái hệt facebook, chỉ đổi màu xanh thành đỏ, không có gì mới lạ. Nhái cả câu hỏi 'bạn đang nghĩ gì?'
Facebooker Nguyễn Anh Tuấn

Ông Tuấn Anh, với nhiều bài đăng trên Facebook nhận được số lượng lớn các phản ứng yêu thích, cho rằng mạng xã hội mới của Ban Tuyên giáo “không có sáng tạo, chỉ ăn theo sự thành công của người khác” và vì vậy “sẽ không bao giờ mang lại thành quả”.

Trong quan điểm của ông, các cán bộ Ban Tuyên giáo “trưởng thành từ phong trào đoàn” nên các sản phẩm của ban “cũng hời hợt, phong trào”. Với nền tảng như vậy, việc Ban Tuyên giao xây dựng VCNET không khác gì “lại đổ đi cả đống tiền”, ông Tuấn Anh viết.

Theo nhạc sĩ Tuấn Khanh, nhà hoạt động có lượng theo dõi đông đảo trên Facebook, mạng VCNET “không cho người Việt hải ngọai xài” vì chỉ những ai “có số điện thoại của Việt Nam” mới đăng ký được.

Nhà hoạt động Lê Văn Dũng, người thường bình luận về các vấn đề ở Việt Nam qua chức năng live stream của Facebook, nói với VOA rằng người dân sẽ không tham gia mạng xã hội của Ban Tuyên giáo do lo ngại rằng thông tin của họ bị nhà nước thu thập:

“Chắc chắn là không ai dùng, đặc biệt là khi người dùng mạng xã hội họ biết là của nhà nước. Chẳng ai thèm dùng cái đấy cả. Họ biết thừa cái âm mưu của chính quyền là muốn theo dõi họ, cho nên họ sẽ không dùng. Tôi nghĩ là không thành công”.

Mạng VCNET ra đời sau 9 tháng kể từ khi ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông ở thời điểm đầu tháng 9/2018, đề xuất với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc “phát triển mạng xã hội Việt”.

Tôi chỉ nghĩ là cái mạng mà các bạn IT [công nghệ thông tin] Việt Nam định xây dựng cho riêng người Việt Nam thì đó là một thảm họa. Vì rất đơn giản là chỉ dùng trong biên giới thì nó chả có nghĩa gì. Những tư tưởng đóng cửa biên giới như lũy tre làng là không nên.
Blogger Hiệu Minh

Ngay tại thời điểm đó, nhiều chuyên gia công nghệ thông tin đã bình luận rằng tham vọng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam là “phi thực tế” và một mạng như vậy chỉ dành cho người Việt dùng trong biên giới “chẳng có nghĩa gì”.

Trong một cuộc phỏng vấn về đề xuất của ông Nguyễn Mạnh Hùng, blogger Hiệu Minh, một chuyên gia công nghệ thông tin nổi tiếng hiện sống ở Việt Nam, nói với VOA rằng mạng mà Việt Nam định xây dựng cho riêng người Việt là “một thảm họa”, và theo blogger này “những tư tưởng đóng cửa biên giới như lũy tre làng là không nên”.

Ý tưởng xây dựng mạng xã hội riêng của Việt Nam với sự chống lưng của nhà nước từng được thực hiện trước đây, song kết quả đến nay không khả quan.

Tháng 5/2010, trang mạng www.goonline.vn, được gọi là “mạng xã hội giáo dục - giao tiếp - giải trí đầu tiên của người Việt và do người Việt làm chủ” đã chính thức ra mắt.

Bộ trưởng thông tin và truyền thông khi đó, ông Lê Doãn Hợp, tuyên bố với báo chí trong nước rằng ông “tin go.vn sẽ mạng xã hội số 1 Việt Nam”. Nhưng sau 9 năm, hầu như không còn ai nhắc đến trang mạng này.