Thính giả Phương Hoàng hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Cháu năm nay 19 tuổi. Cháu phát hiện ngón chân cái của mình bị lõm như hình từ lâu rồi, cháu có lên mạng tra thông tin thì được biết đó là do cháu ăn uống thiếu chất. Gần đây thì cháu có phát hiện ở kẽ dưới ngón chân xuất hiện thêm 1 đốm đen như hình. Cháu có tìm thì thấy móng chân đen có thể là đã nhiễm ung thư hắc tố về da.
Bác sĩ có thể giúp cháu giải đáp vấn đề này được không ạ?
Cháu cảm ơn Bác sĩ ạ.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Your browser doesn’t support HTML5
Móng tay chân người tương đương với móng vuốt ở thú vật và cấu tạo bởi chất alpha keratin, một protein cứng và bền bỉ. Ở phía gốc móng (nail root) và nằm phía dưới móng có bộ phận matrix chứa các mạch máu, dây thần kinh và mạch lympho. Matrix là nơi sản xuất các tế bào tạo nên móng. Lunula (“mặt trăng nhỏ”) là phần hình lưỡi liềm nằm ở gốc móng (nail root) nhìn từ trên xuống; đây là phần matrix mà nhìn thấy được từ bên ngoài. Matrix là nơi xuất phát các tế bào ung thư hắc tố (malignant melanoma). Lúc bác sĩ làm sinh thiết (biopsy), người ta sẽ cắt da ở gốc móng, cắt phần móng ở dưới da, và lấy một miếng mô từ matrix này.
Đây là một trường hợp cần bác sĩ khám trực tiếp. Sau đây chỉ là một số nhận xét tổng quát:
1) Móng tay chân lõm xuống (koilonychia) có thể là dấu hiệu của bịnh thiếu máu hay bịnh hemochromatosis (nhiễm sắc tố sắt mô, do ăn quá nhiều chất sắt hoặc do bịnh thiếu máu bẩm sinh). Nếu móng đều lõm đồng loạt, có thể nhờ bác sĩ xem có bị thiếu máu (anemia) hay không.
2) Một vết đen 1-2mm dưới cuticle, là phần da trong và bóng ở gốc móng của ngón chân cái, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu ngón chân vừa bị chấn thương gần đây, có thể đây là một khối máu chảy dưới móng chân, máu bầm nên chuyển qua màu đen. Với thời gian vài tuần, vết đen sẽ được đẩy về phía trước và dần dần biến mất sau vài tháng.
3) Một khả năng khác là các tế bào hắc tố xuất hiện thành khối u gọi là melanoma. U này có thể là hiền tính nhưng nói chung khi dùng từ “melanoma” riêng rẻ, ý nói là u ác tính (malignant melanoma). Melanoma bàn tay hay bàn chân rất hiếm.
4) Có những điểm sau đây để đánh giá từng trường hợp có phải là subungual melanoma (SM) ác tính hay không:
A: age and race. tuổi: người bịnh có thể từ 20-90 tuổi; nhưng thường gặp nhất là thập niên thứ 5 và thứ 7. Melanoma bàn tay hay bàn chân rất hiếm. Incidence chừng 1/100,000 người/năm. Subungual melanoma (SU) hiếm, chỉ xảy ra 0,7%-3,5% trong các trường hợp bịnh nhân bị melanoma (incidence). Người "da màu" (da vàng, da đen, "Da Đỏ" ở Mỹ), nói chung ít bị melanoma ác tính hơn người da trắng. Tuy nhiên đối với người châu Á mắc bịnh melanoma, hết 10-30% là dưới móng tay chân. Điểm này có ý nghĩa, vì do nằm dưới móng nên hay bị nhầm lẫn với các bịnh nhiễm trùng nấm, các vết thương của ngón tay ngón chân làm máu bầm đọng dưới móng. Ngoài ra, còn có loại melanoma ác tính nhưng lại không có hắc tố (amelanotic melanoma), trong 7% các melanoma ngoài da, nhưng đến 20%-30% cho SM dưới móng tay chân.
B: brown or black. Màu đen hay nâu, nếu lớn hơn 3mm hay có nhiều sắc màu ngoài bờ (variegated border) thì đáng nghi hơn.
C: change/ thay đổi: màu đậm hơn, cỡ to thêm, vệt sáng chen với vệt tối
D: digit. Ngón tay cái, ngón trỏ bên tay thuận (thường là tay phải), ngón chân cái dễ bị SM hơn. Nếu là nhiều ngón cùng một lúc, khả năng ung thư thấp hơn.
E: Hutchinson sign. Dấu hiệu Hutchinson, vết đen lan vào lớp cuticle và nếp da chung quanh móng.
F: Family: Trong gia đình đã từng có người thân bị u bướu hắc tố ác tính hay loạn dưỡng hay không.
Nói tóm lại, ở người 18 tuổi, mạnh khoẻ, một vết đen dưới móng ít đáng nghi ngờ ác tính hơn ở người 50-70 tuổi. Nhất là người Á châu ít bị melanoma hơn người da trắng, mặc dù một khi đã bịnh thì dễ bị ở móng tay, móng chân hơn. Khả năng chúng ta có thể nghĩ đến đầu tiên ở lứa tuổi này là chảy máu cũ dưới móng chân. Đợi chừng vài tuần nếu điểm đen này di chuyển từ từ ra phía ngoài thì đúng. Nếu không, khả năng kế tiếp mà bác sĩ cần nghĩ đến cho một người thanh thiếu niên 18 tuổi là nốt ruồi lành tính nằm dưới móng (melanocytic nevus)
Nốt ruồi nevus hay SM ác tính với thời gian sẽ mọc thành một vệt đen hay nâu dài chạy từ gốc móng (matrix, mầm) ra đến bờ móng (longitudinal melanonychia). Lúc đó, bác sĩ phải quyết định xem có nên là sinh thiết của matrix móng để quyết định đây là loại u bướu gì.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 13 tháng 8 năm 2018
1)The Dilemma Of Nail Pigmentation
https://www.the-dermatologist.com/article/3366
2)Nail matrix melanoma: consecutive cases in a general practice
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3663335/
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.