Hai người Mỹ bị cầm tù ở Bắc Triều Tiên đang tận hưởng ngày tự do thứ hai ở Mỹ sau khi được phóng thích cuối tuần qua sau chuyến công du Bình Nhưỡng của giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper. Thông tín viên đài VOA Victor Beattie tường trình rằng ông Kenneth Bae, 46 tuổi, và Matthew Todd Miller, 24 tuổi, được thả chỉ vài tuần sau khi một công dân Mỹ thứ ba là Jeffrey Fowle bất ngờ được phóng thích.
Trong khi bày tỏ sự biết ơn, ông Kenneth Bae, cư dân Lynnwood, ở tiểu bang Washington, cũng nói ngắn gọn về thử thách kéo dài hai năm cuối tuần qua, khi ông đặt chân xuống sân bay quân sự Lewis McChord, nằm ở phía nam Seattle từ một chiếc máy bay của chính phủ.
“Tôi muốn ngỏ lời cám ơn tới tất cả mọi người đã ủng hộ tôi và luôn bên tôi trong thời gian này. Và thật là một ơn phước lạ lùng được nhìn biết bao nhiều người tham gia giúp để tôi được tự do trong hai năm qua, đó là chưa kể tới hàng nghìn người đã cầu nguyện cho tôi nữa. Tôi chỉ muốn nói lời cám ơn tới tất cả mọi người đã ủng hộ tôi, giúp đỡ tôi và không quên tôi, và đồng thời không quên người dân Bắc Triều Tiên. Đó là hai năm thực lạ lùng. Tôi đã học được nhiều điều. Tôi trưởng thành rất nhiều, sút cân nhiều, nhưng theo nghĩa tích cực. Nhưng tôi vẫn mạnh mẽ vì các bạn, và cám ơn các bạn đã ở bên tôi trong thời gian như thế này.”
Ông Bae, một nhà truyền giáo đồng thời cũng là một hướng dẫn viên du lịch người Mỹ gốc Triều Tiên, phải thọ án 15 năm tù giam vì tham gia vào các hoạt động chống chính phủ.
Trong khi đó, ông Todd Miller, cư dân của Bakersfield trong bang California, bị bắt hồi tháng Tư sau khi được cho là xé visa và đề nghị xin tị nạn. Ông đã bị kết án 6 năm tù giam vì “các hành động thù nghịch” chống nhà nước.
Bắc Triều Tiên phóng thích người khách du lịch 56 tuổi Jeffrey Fowle, cư dân Miamisburg, Ohio, hôm 22/10 sau khi ông bị bắt hồi tháng Năm vì đã bỏ lại một cuốn kinh thánh tại một hộp đêm. Khi được thả, ông vẫn đang chờ ngày ra tòa.
Bộ Ngoại giao Mỹ cuối tuần qua nói rằng Giám đốc Cơ quan Tình Báo Quốc gia James Clapper đã trao đổi với các giới chức Bắc Triều Tiên ở Bình Nhưỡng về việc thả hai công dân Mỹ, và tin cho hay, đã chuyển một thông điệp của cá nhân Tổng thống Obama tới lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Tờ The Wall Street Journal loan tin Nhật Bản và Bắc Triều Tiên đã được thông báo trước về chuyến thăm này. Theo một giới chức trong chính quyền của tổng thống Obama, tiến trình đàm phán phóng thích công dân Mỹ bắt đầu vài tuần trước đó khi Bắc Triều Tiên nêu khả năng phóng thích và yêu cầu một quan chức cấp cao của Mỹ tới nước này.
Theo hãng tin chính thức của Nam Triều Tiên là Yonhap hôm qua, một quan chức nước này nói rằng chuyến thăm của ông Clapper chỉ “thuần mục đích nhân đạo” và không báo hiệu bất kỳ một sự thay đổi chính sách nào.
Chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Standford David Straub nói rằng Bình Nhưỡng lâu nay đã muốn giải quyết vấn đề công dân Mỹ bị cầm tù và việc thả các tù nhân này có thể là chủ ý để nó trùng với hội nghị thượng đỉnh APEC ở Trung Quốc.
“Qua việc phóng thích ba người đàn ông đó, phía Bắc Triều Tiên đã lấy đi một điểm thảo luận của chính quyền Tổng thống Obama khi ông Obama gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhằm tìm cách yêu cầu Bắc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Một khả năng khác là phía Bắc Triều Tiên tìm cách để Hoa Kỳ dễ dàng hơn đôi chút về vấn đề nhân quyền của nước này, mà hiện giờ là một vấn đề lớn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc”.
Một dự thảo nghị quyết không có tính cưỡng hành đã được Liên Hiệp Quốc và Nhật Bản chuẩn bị, sẽ đề nghị trình một phúc trình dài của Ủy ban Điều tra Liên Hiệp Quốc (COI) lên Tòa án Hình sự Quốc tế, trong đó có các biện pháp trừng phạt nhắm vào những người chịu trách nhiệm vì các tội ác chống lại loài người. Một cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra vào tháng này.
Ủy ban này gồm ba thành viên, được thành lập bởi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hồi tháng Ba năm ngoái, đã phỏng vấn hơn 80 người đào tị, các nhân chứng và các chuyên gia, và những người này đã miêu tả chi tiết nhiều thập kỷ xảy ra các vụ hành hình có hệ thống, các vụ tra tấn, hãm hiếp và bỏ đói trong mạng lưới nhà tù của Bắc Triều Tiên, được cho là giam giữ khoảng 200.000 người.
Ông Straub nói rằng vụ thả tù nhân xảy ra vào thời điểm Bắc Hàn đối với mặt các thách thức riêng của nước này.
“Họ đã không thể buộc Hoa Kỳ hay đe dọa Hoa Kỳ làm những điều mà Bình Nhưỡng muốn. Phía Trung Quốc vẫn còn tức giận Bình Nhưỡng. Họ không đạt tiến bộ nào với Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cho nên họ không trong vị thế tốt và họ đã phải dùng thủ thuật để cải thiện vị thế này”.
Ông Jamie Metzl thuộc Hội Châu Á ở New York nói rằng Bình Nhưỡng hiện đang đối mặt với tình trạng căng thẳng với Trung Quốc, áp lực về nhân quyền từ Liên Hiệp Quốc cũng như một nền kinh tế yếu kém, có thể sẽ tìm cách đạt được một thỏa thuận hạt nhân giống như của Iran, theo đó theo đuổi các cuộc thương thảo kéo dài và chỉ từ bỏ đủ chương trình hạt nhân để trấn an dư luận thế giới trong khi tìm cách được cứu trợ thêm.
Tuy nhiên, tờ The New York Times, dẫn lời các quan chức chính quyền của ông Obama nói rằng việc cử ông Clapper tới Bắc Triều Tiên, ông Obama ra chỉ dấu rằng ông sẽ không tưởng thưởng cho Bắc Hàn thông qua việc nới lỏng lệnh cấm vận hay một vòng thương thảo mới. Một giới chức nói rằng thông điệp của ông Clapper là, nếu muốn tái tục quan hệ với Washington, Bình Nhưỡng phải thực hiện hững cam kết trước đây về việc từ bỏ chương trình hạt nhân của mình.