Vì sao dân hỏi ông Trọng đã khỏi ‘lú’ chưa?

Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 tại Hà Nội vào ngày 16/5/2019.

Dù truyền thông nhà nước không nói ông Nguyễn Phú Trọng bị bệnh gì nhưng cũng phải mất tròn một tháng ông tổng bí thư kiêm chủ tịch nước mới có thể xuất hiện trở lại trước công chúng. Vì không rõ ông bị bệnh gì nên khó biết liệu ông sẽ thọ được bao lâu trên cả hai ghế đứng đầu đảng và đứng đầu nhà nước. Trong vai trò tổng bí thư, ông Trọng cũng là Bí thư Quân uỷ Trung ương của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và trong vai trò chủ tịch nước, ông còn là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Ngoài ra ông lại có chân trong Đảng uỷ Công an Trung ương. Đây là lý do sức khoẻ của ông vua không ngai sẽ ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ của hệ thống chính trị Việt Nam.

Trong những năm vừa qua cũng có những chính trị gia có tiếng lẳng lặng ra đi mãi mãi hay rời chính trường vì bệnh tật. Gần nhất là cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Xa hơn nữa có ông ‘tau khoẻ có chi mô’ Nguyễn Bá Thanh. Ở giữa hai ông là hai uỷ viên Bộ Chính trị đã hết thời Đinh Thế Huynh và Phùng Quang Thanh. Câu hỏi ông Trọng sẽ ôm cả hai ghế được bao lâu sẽ vẫn còn treo ở đó trong thời gian trước mắt.

Nhưng một câu hỏi mà mạng xã hội đặt ra khi ông Trọng xuất hiện trở lại là ông đã “khỏi lú chưa”, biệt danh ông có từ khi còn là chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương mà từ lâu bị gọi chệch đi là hội đồng lú lẫn trung ương. Hiển nhiên ông Trọng chẳng vui gì với mác lú cho dù xưa hệ thống tuyên truyền của Việt Nam thích thú với những câu thơ được chính thức lưu hành như “ngu xuẩn nhất nhì là tổng thống Mỹ”.

Về mặt đốt phá tham nhũng, ông Trọng đã làm những việc khiến ông ghi điểm với người dân. Đó là những vụ khởi tố và xét xử liên quan tới tham nhũng mà ngay cả chính ông Trọng trong nhiệm kỳ đầu làm tổng bí thư cũng không thực hiện được. Điều này cho thấy ông Trọng đã loại bỏ được nhiều đối thủ chính trị muốn cản bước ông nhưng ông cũng tạo cho mình nhiều kẻ thù. Đây có thể là lý do những người muốn ông “khỏi lú” sẽ thất vọng.

Trong lúc công cuộc đốt lò đang diễn ra và giữa cuộc chạy đua quyền lực trước Đại hội Đảng lần thứ 13, dự kiến sẽ diễn ra trong năm 2021, khó có hy vọng ông Trọng sẽ có những động thái gì tích cực trong các lĩnh vực tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp hay tự do lập hội. Ông không muốn các kẻ thù hiện tại và kẻ thù tiềm năng có thêm đạn để tấn công ông. Và có thể ông cũng không có ý định có những thay đổi căn bản theo xu thế văn minh của thời đại. Ngoài ra các đồng chí Việt Nam làm gì cũng còn phải nhìn ngó các đồng chí Trung Quốc, những người hiện còn kém cởi mở hơn Việt Nam trong một số lĩnh vực trong đó có việc kiểm soát mạng xã hội.

Bản thân ông Trọng cũng không có cương lĩnh cụ thể nào về những thay đổi đối với hệ thống chính trị đã đẻ ra tham nhũng. Trong lời phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 mà VTV Việt Nam ghi lại bằng video, ông tổng bí thư và chủ tịch nước khẳng định “chưa đặt vấn đề sửa đổi cương lĩnh” của đảng về “thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”. Gần 45 năm sau khi hai miền nam, bắc thống nhất, những người cộng sản vẫn loay hoay trong mớ bòng bong xã hội chủ nghĩa. Bản thân ông Trọng cũng thừa nhận mục tiêu biến Việt Nam trở thành nước “công nghiệp theo hướng hiện đại” vào năm 2020 đã phá sản. Nay ông muốn người ta nhìn xa hơn tới năm 2030, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản và 2045, 100 năm thành lập nước.

Với việc chấp nhận kinh tế thị trường, Đảng Cộng sản thừa nhận độc quyền kinh tế là điều ngớ ngẩn. Tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương hôm 16/5, ông Trọng yêu cầu các đảng viên không được kỳ thị kinh tế tư nhân, thậm chí ông đề nghị phong anh hùng cho những người xuất sắc.

Nhưng ông Trọng và các đồng chí không chấp nhận một thực tế là độc quyền quyền lực cũng tai hại không kém những gì mà độc quyền kinh tế đã gây ra. Nó khiến các đảng viên bình đẳng hơn các công dân Việt Nam khác. Nếu một người dân Việt Nam không muốn tham gia Đảng Cộng sản, họ không có cơ hội thăng tiến trong các cơ quan nhà nước và trong hệ thống chính trị nói chung. Họ hiển nhiên bị kỳ thị khi muốn tham gia vào lĩnh vực truyền thông vì chỉ Đảng Cộng sản mới có quyền phát hình, phát tiếng và ra báo. Họ khó có cơ hội trở thành đại biểu cho người dân vì Quốc hội không phải là nơi chấp nhận những người ngoài Đảng. Quốc hội khoá 14 hiện nay có tới gần 96% là đảng viên cho dù tổng số đảng viên chỉ chiếm hơn 5% dân số gần 97 triệu. Trong tổng số gần 500 đại biểu Quốc hội, chỉ có 21 người ngoài Đảng, giảm một nửa so với Quốc hội khoá 13.

“Quyền lực có xu hướng tham nhũng; quyền lực tuyệt đối đương nhiên là tham nhũng,” sử gia người Anh, Lord Acton, đã nhận định như vậy. Quyền lực tuyệt đối của Đảng Cộng sản đã góp phần đẻ ra các chính trị gia tham nhũng và cả các chính trị gia tham lam, dốt nát và vô nhân tính. Những chính trị gia quái thai này làm nghèo đất nước, tận thu thuế từ người dân khiến họ cũng thêm nghèo và làm nghèo cả các giá trị căn bản trong xã hội. Lịch sử chưa cho thấy một chế độ độc đảng nào có thể mang lại một xã hội văn minh, bình đẳng và thịnh vượng. Trung Quốc là ví dụ rõ nhất về một quốc gia có nhiều biểu hiện trọc phú – số người giàu nhiều lên nhưng con người vẫn không được tôn trọng, cách ứng xử khi đi ra bên ngoài vô cùng lố bịch và ít ai thích các giá trị Trung Quốc.

Tự do cạnh tranh trong lĩnh vực chính trị và truyền thông không đảm bảo Việt Nam sẽ nhanh chóng giàu mạnh và văn minh. Nhưng ít nhất nó đặt nền móng cho một xã hội như thế. Nó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Người dân cần được biết những gì họ muốn biết, chẳng hạn bệnh tình của ông Trọng trong mấy tuần trước khi ông xuất hiện ra sao. Ông Trọng có đặt câu hỏi về chuyện có nên bầu trực tiếp tổng bí thư hay không tại Đại hội Đảng 13 sắp tới. Đây là câu hỏi thú vị và câu trả lời sẽ có thể là chỉ dấu cho thấy khả năng thay đổi chính trị ở Việt Nam. Nhưng cũng không kém phần quan trọng là cách người ta bầu trực tiếp như thế nào nếu điều này thực sự diễn ra.

Khi đề cập tới việc cần có cái nhìn dài hạn, tránh những khẩu hiệu sáo rỗng tại phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10, ông Trọng cũng nói: “Đây là thực tiễn, đây không phải lý luận suông. Nhưng mà không có lý luận thì không có phong trào cách mạng.” Lịch sử các phong trào cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng cho thấy họ chỉ giỏi phá chứ không giỏi xây. Bởi vậy không phải tự nhiên người ta hỏi ông Trọng đã “khỏi lú” chưa. Nếu sau Đại hội 13 mà người ta vẫn còn “trìu mến” gọi nhau là đồng chí và vẫn còn tiếp tục vô thời hạn thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội thì câu trả lời có lẽ là ‘hết thuốc’. Hệ thống chính trị hiện hành sẽ đảm bảo hết ông lú này lại nhú ông lú khác mà thôi.