Thính giả Hứa Thị Huệ hỏi:
Cháu chào Bác sĩ.
Cháu bị bệnh đã gần 10 năm nay. Cháu có đọc và tìm hiểu nhiều về bệnh của mình nhưng những trang thông tin mà cháu biết chỉ nói thông tin bệnh, có trường hợp chữa khỏi nhưng không biết liên lạc với người bệnh bằng cách nào.
Cháu đã vào trang VOA rất nhiều mà toàn bị lỗi. Hôm nay tự nhiên cháu vào được và đọc được cũng như nghe chia sẻ của cô Bùi Thị Kim Dư ở Việt Nam về bệnh viêm đa cơ tự miễn.
Cháu ở Dak Lak, bị bệnh gần 10 năm. Thời gian đầu đi thăm khám nhiều nơi, uống nhiều thuốc, nhưng cũng không tìm ra bệnh mà hai chân cứ ngày một yếu đi. Tới năm thứ 3 cháu thăm khám tại bệnh viện Chợ Rẫy, Thành phố Hồ Chí Minh (lúc này cháu đang đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh) thì có kết luận cháu bị viêm đa cơ tự miễn.
Cháu đã uống thuốc điều trị corticoid 3 năm nhưng bệnh không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm.
2 năm nay cháu đã về quê ở với ba mẹ chứ không còn ở Sài Gòn đi làm được nữa. Cháu vẫn luôn xem tin tức và hỏi han nhiều bệnh viện nhưng cách điều trị thì vẫn vậy.
Giờ đây cháu thấy bác chia sẻ cách điều trị là nếu không đáp ứng với corticoid thì cần những thuốc áp chế miễn dịch hay thuốc ức chế yếu tố hoại tử u, hay là immunoglobulin chích mạch.
Những thuốc này cho kết quả tốt mặc dù hơi đắt. Xin Bác sĩ tư vấn giúp cháu nơi điều trị bệnh theo cách này với ạ.
Bác sĩ ơi, cháu đã mang căn bệnh này gần 10 năm, đi lại khó khăn lắm. Năm nay cháu 32 tuổi, cháu rất khao khát mình như những người bình thường.
Khi đọc được thông tin của Bác sĩ, cháu vui mừng khôn xiết.
Cháu xin đợi tin của Bác sĩ.
Dak Lak, 10 -10 -2018
Cháu Huệ"
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời
Your browser doesn’t support HTML5
(Poly=nhiều, myos =cơ, bắp thịt,itis=viêm, sưng; viêm da cơ=Dermatomyositis)
Lần trước chúng ta bàn về bịnh này cách đây 6 năm. Từ đó đến nay y khoa , nhất là các dịch vụ y tế ở Việt Nam, đã có nhiều thay đổi. Tôi có vào internet tìm hiểu và có rất nhiều bài viết về bịnh này và giới thiệu các bác sĩ chữa bịnh này , ở nhiều bịnh viện khác nhau ở 3 miền.
Sau đây tôi chỉ xin nhắc lại một số điểm thông tin về bịnh này. Về trị liệu, không có bằng chứng tuyệt đối từ các thử nghiệm lâm sàng,định bịnh và phân loại các nhóm, chọn thuốc nào, dùng bao nhiêu lâu, chấp nhận phản ứng phụ đến mức nào tùy theo trường phái, kinh nghiệm của người chữa bịnh và phương tiện tại địa phương.
- Viêm đa cơ là một chứng bịnh mãn tính, làm viêm, làm yếu đi, và làm teo nhiều cơ.
- Đây là một bịnh hiếm; trong 1 triệu người mới xảy ra vài trường hợp mỗi năm (incidence 0.5-8.4/ 1 million)
- Bịnh xảy ra trên người trẻ (>20t) và trung niên (45-60 t), đàn bà nhiều hơn đàn ông (2:1 ratio).
- Cơ chế bịnh: tự miễn nhiễm (autoimmune disease).
- Miễn nhiễm (immunity): cơ chế phòng thủ cơ thể; lúc cơ thể bị xâm nhập (ví dụ, vi trùng, chất lạ từ ngoài vào [antigen, kháng sinh=chất sinh ra đề kháng] thì cơ thể sản xuất những kháng thể [antibodies] để chống lại, vô hiệu hoá, phá huỷ chúng.
- Tuy nhiên, trong một số trường hợp, một số bộ phận đang lành mạnh của cơ thể có thể bị các kháng thể "bạn" này tấn công nhầm. Trường hợp này bịnh gây ra không phải do bên ngoài vào, mà do những sản phẩm của hệ phòng thủ, nghĩa là hệ miễn nhiễm gây ra, chúng ta từ đó gọi là bịnh tự miễn nhiễm (auto=tự mình, immune= miễn nhiễm).
- Trong bịnh polymyositis, các cơ (muscles) bị tấn công; tương tự như vậy, nếu các kháng thể tấn công các khớp xương, thì lại sinh ra bịnh thấp khớp mãn tính (rheumatoid arthritis).
- Các yếu tố cơ nguy (risk factors): nhiễm virus (virus coxsackie, HIV, virus viêm gan B), bịnh ung thư (cancer), di truyền (có bịnh tự miễn nhiễm trong gia đình), một số thuốc men (như thuốc hạ áp huyết ACE inhibitors, thuốc chữa sốt rét hydroxychloroquine)
Triệu chứng
- Các cơ lớn vùng vai, vùng háng và đùi là chính. Các cơ bị yếu đều hai bên (symmetrical weakness). Các cơ nhỏ ở xa thân như bàn tay vẫn hoạt động tốt (như gài nút áo, may vá, cầm đũa)
- Thường các cơ vùng xương chậu và đùi bị ảnh hưởng trước. Người bịnh gặp khó khăn lúc ngồi xuống đứng dậy, bước lên thang lầu, quỳ xuống, bước lên lề đường. Sau đó cơ vùng vai yếu đi, gặp khó khăn nâng một đồ vật, chải tóc; lúc cơ ở cổ bị yếu thì không ngẩng đầu cổ lên được.
- Tuy nhiên những cơ khác cũng có thể bị tác dụng , như cơ của lồng ngực phụ trách hô hấp (cơ kéo các xương sườn lên xuống để dãn lồng ngực), các cơ của thực quản (oesophagus, trong vách ống nối miệng với bao tử, cần những cơ phụ trách đẩy thức ăn chạy xuống về phía bao tử, cho nên dù chúng ta nằm xuống vẫn nuốt thức ăn, uống được), cơ tim.
- Cho nên,nếu bịnh nặng, người bịnh có thể khó thở, nuốt khó, ăn uống bị nghẹn, sặc, nhiễm trùng phổi do hô hấp kém và mất phản xạ nuốt, thức ăn uống đi lạc vào phổi (aspiration pneumonia), viêm cơ tim (myocarditis).
- Thường thì những bắp cơ phụ trách các vận động của tròng mắt (extraocular movements), và những cơ trên mặt phụ trách nhai, nét mặt, nhắm mắt, mở mắt không bị ảnh hưởng ( điểm này giúp bs phân biệt viêm đa cơ với một bịnh khác, myasthenia gravis [bịnh nhược cơ nặng], cũng hay xảy ra ở đàn bà hơn đàn ông, cũng làm yếu các cơ, nhưng lại gây ra do điểm nối dây thần kinh với bắp cơ bị gián đoạn ).
Định bịnh:
Bác sĩ căn cứ trên các triệu chứng, thử nghiệm đo các enzyme trong máu chứng tỏ các tế bào cơ bị huỷ hoại (CK), có thể cần MRI để thấy các tổn thương trong các cơ lớn, đo điện cơ đồ (EMG, electromyogram).
Chữa trị:
Thuốc được dùng có mục đích giảm viêm gây ra do hiện tượng tự miễn nhiễm.
- Corticoid: hormon gốc tuyến thượng thận , vd: prednisone, có khả năng giảm viêm mạnh, nhưng có biến chứng như lên cân, cao huyết áp, yếu xương (osteopenia), dễ nhiễm trùng, và chính corticoid cũng gây ra viêm cơ (steroid myopathy).
- Thường chữa thuốc prednisone liều cao chừng 4-8 tuần. Bác sĩ theo dõi tiến triển sức lực các cơ, sức chịu đựng dẻo dai (endurance) của bịnh nhân, và biến chứng của thuốc. Sau đó sẽ cho liều giảm dần, đến mức thấp nhất bịnh nhân có thể chịu đựng được về lâu dài. (Theo Medscape)
- Nói chung , người ta bắt đầu bằng thuốc prednisone liều cao (60-80mh/ngày). Lúc đầu có thể chuyển tĩnh mạch (methylprednisolon 1gram/day x3-5 days) , sau đó uống prednisone, trong 6 tuần. Nếu sức mạnh các cơ tốt hơn, giảm liều prednisone từ từ xuống. Nếu không cải thiện về sức mạnh các cơ, dùng immunoglobulin truyền tĩnh mạch (IVIg, dose 2gram/kg )).Đồng thời giảm liều prednisone nhanh hơn.
- Nếu thể lực không cải thiện (thấy mạnh hơn), người ta khuyên nên xét lại chẩn đoán xem có đúng (chính xác) hay không, có thể cần sinh thiết cơ bắp lại để xác nhận (consider repeat muscle biopsy). Nếu sức mạnh cơ tốt hơn, có thể lập lại chích IG đường tĩnh mạch ((5-8 tuần một lần), và dùng thêm các thuốc áp chế miễn nhiễm (miễn dịch)(immunosuppressant). (Xem sơ đồ sau đây của Nat Rev Rheumatology)
- Các thuốc áp chế miễn dịch (ức chế hệ miễn nhiễm) (Immunosuppressant) có thể dùng phụ thêm từ đầu để giảm liều prednisone cần thiết ở mức tối thiểu: Azathioprine (có thể độc trên gan), Mycophenolate mofetil (triệu chứng tiêu hoá, có thể làm giảm bạch cầu trong máu), Methotrexate (có thể độc gan và tủy xương).
- Trường hợp không có kết quả với prednison và IVIg: bác sĩ có thể dùng:
Rituximab (RITUXAN)(monoclonal antibody against CD20+ B cells that results in B-cell depletion for at least 6 months). Thuốc này cũng có chỉ định trị một số ung thư, với cảnh báo có thể gây phản ứng chết người lúc truyền dịch, làm bịnh viêm gan siêu vi B thức dậy, viêm não (FATAL INFUSION REACTIONS, SEVERE MUCOCUTANEOUS REACTIONS, HEPATITIS B VIRUS REACTIVATION and PROGRESSIVE MULTIFOCAL LEUKOENCEPHALOPATHY)
Cyclophosphamide (CYTOXAN) (an alkylating agent that inhibits lymphopoietic cells without affecting hematopoietic cells). Thuốc này cũng có chỉ định trị một số ung thư. Có thể độc cho bọng đái, tuỷ xương, gan.
Tacrolimus (binds to the immunophilin FKBP12 and inhibits calcineurin) cho những trường hợp viêm đa cơ khó trị. Thuốc này được dùng cho mục đích ngăn ngừa bộ phận ghép bị cơ thể người nhận chống lại, từ chối (organ rejection).
- Bịnh nhân cần được chuyên viên vật lý trị liệu theo dõi, để trị giảm đau (vd bằng sức nóng), giúp vận động các cơ bắp (thụ động/passive movements, hoặc chủ động để tránh đừng để cơ bắp co rút lại (contracture), teo lại (atrophy) vì không dùng tới, và giúp cơ bắp sớm phục hồi cơ năng lúc bịnh thuyên giảm.
- Những bịnh nhân bị yếu tim, hô hấp, ăn uống khó khăn cần những bác sĩ chuyên về những lãnh vực này.
Tóm lại, tôi nghĩ vị thính giả nên tìm đến các bác sĩ chuyên khoa về phong thấp (rheumatology) ở BV Chợ Rẫy (nơi khám trước đây) hay các bịnh viện lớn của các trường đại học y khoa. Cần phải đánh giá lại tình hình bịnh trạng ra sao. Có thể bác sĩ sẽ dùng những trị liệu mới hơn như IVIg hay những thuốc áp chế hệ miễn nhiễm mà mấy năm trước chưa có.
Tôi thử tìm trên internet thì thấy có tin tức chi tiết về các chữa trị mới trên trang “VIÊM ĐA CƠ VÀ VIÊM DA CƠ”
https://phacdochuabenh.com/phac-do/nguyen-trai/48.php
Web vicare.vn (https://vicare.vn/benh/viem-da-co-1673/) với đầy đủ địa chỉ các nơi cung cấp các dịch vụ chữa bịnh này.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Hien V. Ho, MD, FAAP
Ngày 27 tháng 10 năm 2018
1)https://vicare.vn/benh/viem-da-co-1673/
2)Medscape: Polymyositis and Dermatomyositis Therapy
https://www.medscape.org/viewarticle/715863_5
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.