Biến động chính trị cùng chiến dịch chống tham nhũng gây tranh cãi và việc đình trệ ra quyết định đang làm suy yếu quá trình phục hồi và có nguy cơ hạn chế khả năng hưởng lợi của Việt Nam từ việc dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, theo nhận định của Viện nghiên cứu Lowy.
Chính trường Việt Nam đã chứng kiến những sự biến động chưa từng có tiền lệ trong thời gian qua, khi các lãnh đạo “tứ trụ” – gồm hai chủ tịch nước và một chủ tịch quốc hội – phải rời ghế khi còn dang dở nhiệm kỳ chỉ trong vòng hơn một năm.
Những lãnh đạo này bị buộc phải thôi chức giữa lúc chiến dịch chống tham nhũng diễn ra quyết liệt tại Việt Nam, mà theo các nhà quan sát quốc tế là cuộc đấu đá nội bộ của Đảng Cộng sản giữa các phe nhóm nhằm tranh giành quyền lực.
Cuộc chiến chống tham nhũng được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động từ năm 2016 khi ông nắm quyền lãnh đạo Đảng nhiệm kỳ thứ 2 liên tiếp nhưng chiến dịch, còn được gọi là “đốt lò”, chỉ thực sự bùng nổ vào năm 2023. Theo thống kê được Viện nghiên cứu Lowy trích dẫn trong bài phân tích hôm 8/7, chỉ trong vòng một năm, đã có 839 vụ tham nhũng mới với 2.276 công chức bị buộc tội ở tất cả các cấp chính quyền – gấp 3 lần so với năm 2016.
Khu vực tư nhân cũng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam khi nhiều giám đốc điều hành của các tập đoàn hàng đầu trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau như bất động sản và y tế đã bị bắt giữ hay bị bỏ tù. Vụ tham nhũng lớn nhất bị đưa ra xét xử đầu năm nay, trong đó cựu trùm bất động sản Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình vì biển thủ hơn 12 tỷ USD – gần 3% GDP năm 2022 của Việt Nam.
Viện nghiên cứu về chính sách quốc tế có trụ sở ở Sydney của Úc cho rằng “không có gì ngạc nhiên” khi tổng vốn đầu tư ngăm ngoái của Việt Nam đã giảm. Các quy định tài chính chặt chẽ hơn trong lĩnh vực bất động sản đã cản trở việc phát hành trái phiếu mới, vốn chiếm khoảng 1/3 tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam. Vẫn theo đánh giá của Lowy, đầu tư tư nhân trong nước giảm, đặc biệt khi lĩnh vực bất động sản bị ảnh hưởng bởi các quy định tài chính chặt chẽ hơn trong khi đầu tư công tăng và tăng trưởng FDI ổn định không đủ để bù đắp cho sự sụt giảm này.
Dù nền kinh tế đang phục hồi và phát triển ở mức 5,7% trong quý đầu tiên năm nay, nhưng Việt Nam phải đối mặt với một số rủi ro lớn khi sự hỗn loạn trong lĩnh vực tài chính và bất động sản phủ bóng đen lên tương lai của đầu tư tư nhân. Trong khi đó, theo đánh giá của Lowy, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu “đang gia tăng và bóng ma về sự quay trở lại của các cuộc chiến thuế quan theo kiểu Trump của nước Mỹ cũng gây ra những rủi ro rõ ràng cho nền kinh tế chủ yếu dựa vào xuất khẩu của Việt Nam.”
Nhưng biến động chính trị của chiến dịch chống tham nhũng dường như là hạn chế cấp bách nhất đối với Việt Nam, theo viện nghiên cứu Úc.
“Việc từ chức của các quan chức cấp cao trọng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đang gieo rắc nỗi sợ hãi cho các công chức cấp thấp hơn. Các quy trình hành chính đang bị chậm trễ do các quan chức không muốn ký phê duyệt,” hai nhà nghiên cứu Ahmed Albayrak và Roland Rajah viết trong bài phân tích của Lowy. “Việc ngừng cung cấp các dịch vụ của chính phủ có thể cảm nhận được trong nhiều lĩnh vực, từ giấy phép kinh doanh nhỏ đến phê duyệt dự án năng lượng tái tạo lớn.”
“Ngoài sức ì quan liêu, tình trạng từ chức hàng loạt đang làm giảm khả năng thực thi, đặc biệt là ở chính quyền địa phương.”
Trước khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc “xin thôi chức”, hai phó thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam cũng đã bị miễn nhiệm vì những sai phạm liên quan tới tham nhũng của cấp dưới.
“Với việc các quan chức Việt Nam cực kỳ thận trọng trong việc ký kết các quyết định đầu tư công, việc giải ngân chi tiêu theo kế hoạch vẫn ở mức thấp. Tính đến tháng 5 năm nay, chỉ có 22,3% kế hoạch chi tiêu được giải ngân,” các nhà nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thuộc Viện Lowy viết và trích dẫn nhận định của các tổ chức tài chính quốc tế lớn cho rằng đầu tư công là chìa khóa để phục hồi kinh tế nhanh hơn.
Bloomberg hồi tháng 2 năm ngoái cho biết các quan chức của Việt Nam cảnh giác khi ký kết các dự án đầu tư vì sợ rằng họ có thể dính líu đến tham nhũng và ngày càng chọn phương án “không làm gì cả” để tránh rắc rối.
Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ phương Tây hồi tháng 5 cảnh báo chính phủ Việt Nam về sự thất vọng của họ đối với những rào cản pháp lý và thủ tục phê duyệt kéo dài, gây ra bế tắc giữa lúc quốc gia Cộng sản bị bủa vây bởi chiến dịch chống tham nhũng leo thang và tình trạng bất ổn chính trị.
Một bức thư của Thủ tướng Phạm Minh Chính hồi tháng 3 được Reuters trích dẫn cho biết chiến dịch chống tham nhũng có thể đã tác động đến dòng vốn của nước ngoài và tình trạng tê liệt hành chính ở Việt Nam đã khiến quốc gia Đông Nam Á mất 2,5 tỷ USD viện trợ do đã hết hạn vì không được phê duyệt.
Theo Lowy, việc đình trệ ra quyết định “trở thành điểm nghẽn” trong việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch, cũng là một vấn đề nóng ở Việt Nam.
“Việt Nam có sản lượng điện mặt trời và gió cao nhất ASEAN nhưng tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp. Nhiều dự án hạ tầng năng lượng bị chậm tiến độ do thủ tục hành chính kéo dài,” theo Lowy.
Nhà sản xuất chip Intel vào năm ngoái quyết định không mở rộng hoạt động tại Việt Nam với lý do lo ngại về nguồn cung cấp điện thiếu ổn định và thủ tục hành chính rườm rà.
“Sẽ có thêm [các nhà đầu tư] làm theo, hoặc tệ hơn là tiếp tục như vậy nếu tình trạng tê liệt chính sách tiếp tục cản trở các khoản đầu tư công bổ sung cần thiết,” Lowy nhận định. “Nếu điều đó xảy ra, Việt Nam có thể bỏ lỡ cơ hội của mình.”