Quảng Bình, nơi đất cằn cỗi nhất, thời tiết khắc nghiệt nhất, một bên hứng gió Lào, một bên đón nhận bão, cũng là nơi mà loài cây gỗ quí, thơm tho và có giá trị nhất mọc dễ dàng, sinh sôi nảy nở: gỗ huê, còn gọi là huỳnh đàn, sưa đỏ hay trắc thối. Sự hình thành, tồn tại qua thời gian của viện mồ côi-trẻ em tàn tật Hướng Phương thuộc Cộng đoàn Mến Thánh Giá Hướng Phương có nét gì đó giống như một cây sưa đỏ đã thành hình sau bão giông và nắng gió. Đây là mái nhà chung của 105 trẻ em mồ côi, trong đó 30% khuyết tật không có khả năng quản lý hành vi. Không có nguồn tài trợ của nhà nước, hoàn toàn tự cung tự cấp, nhưng cô nhi viện Hướng Phương đã có những thành tựu đáng kể.
Sơ Bà ở Cô nhi viện Hướng Phương chia sẻ với VOA: “Mục đích của các Sơ là gom góp để nuôi các cháu. Ở đây các Sơ nuôi trâu, bò, dê, trồng sắn, bắp, khoai lang. Như khoai lang thì mình phơi khô nghiền cho bò ăn, heo ăn, vịt ăn để làm thịt trong nhà ăn, các cháu ăn. Chứ không mua ngoài, bởi thứ gì cũng độc địa, thuốc độc cả.”
Sơ Thương, Phó Quản nhiệm Cô nhi viện Hướng Phương, cho biết: “Chúng con thuộc Dòng Mến Thánh Giá Vinh, nhưng cộng đoàn thì ở Quảng Bình. Hiện tại viện có 105 cháu, có cháu đi học mẫu giáo, cấp một, cấp hai, cấp 3. Các cháu chủ yếu là mồ côi cha mẹ. Nhưng một số mồ côi cha nhưng mẹ thì bị khuyết tật, mất sức lao động thì cả mẹ cả con ở đây luôn. Các cháu khuyết tật thì ở nhà được các Sơ chăm sóc, dạy cho các cháu biết tên, tuổi, tắm rửa, dạy cho các cháu công việc của cuộc sống hằng ngày, tự lo cho bản thân thôi.”
Tọa lạc trong khuôn viên rộng 4 hecta với các vườn rau, trại chăn nuôi, ao nuôi cá, xưởng nước đá và kho làm mắm, hầu như mọi thứ lương thực-thực phẩm ở Hướng Phương đều tự cung tự cấp. Từ ký thịt lợn cho đến bát sữa dê, củ khoai, trái bắp, trái ổi, chén nước mắm, trái cà, bó rau, mọi thứ đều do trung tâm Hướng Phương tự trồng, tự nuôi. Và cách sắp xếp công việc ở đây cũng khá nhịp nhàng, khoa học. Hằng ngày, những cháu có sức khỏe nhưng không đủ trí lực để đến trường thì đi giữ trâu, chăn dê, cắt cỏ và được vui chơi theo chế độ đặc biệt. Những cháu nhỏ được các Sơ đưa đến lớp mẫu giáo, sáng đi chiều về. Các cháu học trung học cơ sở và trung học phổ thông đều có chế độ dinh dưỡng và thời gian học hành tử tế. Nguồn thu nhập từ trại chăn nuôi, xưởng nước đá cũng như các vườn rau được tập trung thành quĩ hoạt động lâu dài của Cô nhi viện Hướng Phương.
Phía trước là một con đường đầy chông gai, bởi việc nuôi các trẻ mồ côi không chỉ dừng ở nuôi cho khôn lớn mà mục tiêu của các Sơ ở Hướng Phương là nuôi các cháu trở thành người tốt, có ích cho cộng đồng, xã hội. Muốn vậy, không có gì khác ngoài việc dạy dỗ cho các cháu có được phẩm hạnh và đạo đức làm người ngay từ nhỏ. Các cháu có khả năng đi học thì các Sơ dạy cho các cháu biết ước mơ, biết lấy tri thức và nỗ lực học tập làm phao cứu sinh cho số phận. Hiện tại, Hướng Phương có trên 30 cháu không đủ khả năng tự tồn tại bởi dị tật. Các cháu còn lại khỏe mạnh và đang tuổi đi học. Đặc biệt, có 10 cháu đang học cấp trung học phổ thông và chuẩn bị thi đại học. Việc vào đại học của các em cũng là một nỗi lo của các Sơ.
Dường như trong hành trình vào đời của mỗi trẻ mồ côi ở đây đều thấm đẫm yêu thương của những người mẹ chưa bao giờ sinh ra họ, những người mẹ thoáng qua trong cuộc đời, đã thương yêu họ như máu mủ, ruột thịt.