Viện trưởng Kiểm sát: Cần luật đăng ký tài sản, triệt đường giấu tiền tham nhũng

Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao của Việt Nam hôm 12/1 nhắc lại đề xuất với quốc hội về sự cần thiết phải ban hành luật đăng ký tài sản để tăng hiệu quả chống tham nhũng, Zing News, Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh và VOV đưa tin.

Các báo và trang tin Việt Nam trích lời Viện trưởng Lê Minh Trí nói rằngnhững người trong hệ thống chính trị của đất nước khi tham nhũng không bao giờ tự mình đứng tên sở hữu tài sản, mà nhờ người khác đứng tên.

Vẫn vị viện trưởng phản ánh rằng hiện ở Việt Nam có những người 20-30 tuổi đứng tên những tài sản trị giá cả trăm tỷ, nghìn tỷ.

Tuy nhiên, dù nhà chức trách biết là không hợp lý “nhưng không xử lý được, vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được”, ông Lê Minh Trí phát biểu, Zing News, VOV và Pháp Luật Tp.HCM dẫn lại.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao khẳng định nếu có luật về đăng ký tài sản, khi ai đó đăng ký tài sản mới “mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị hỏi ngay, và như vậy sẽ có cơ sở pháp lý để xử lý”.

Ông Trí bày tỏ tin tưởng rằng “nếu làm như vậy chắc chắn sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng”, các báo Việt Nam tường thuật.

Đề xuất của vị viện trưởng đã từng được ông nêu ra một vài lần trước đây, các báo cho hay. Lần này, ông Trí nhắc lại trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo về nhiệm kỳ 2016-2021 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Báo cáo của viện cho biết tổng số tài sản thu hồi trong các vụ án tham nhũng đạt gần 80.000 tỷ đồng, và Viện trưởng Trí khẳng định “thu hồi tài sản tham nhũng nhiệm kỳ sau đều cao hơn so với nhiệm kỳ trước”.

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bình luận với VOA rằng ý tưởng của Viện trưởng Lê Minh Trí về luật đăng ký tài sản đáng hoan nghênh trong bối cảnh vài năm gần đây có những quan chức giải trình rằng họ xây biệt phủ hay sở hữu những tài sản kếch xù nhờ buôn chổi đót, chạy xe ôm, nấu rượu hay nuôi lợn, v.v…

Song cựu quan chức của quốc hội cho rằng con đường đi đến hiệu quả của luật còn dài. Ông Thuận lưu ý rằng hiện đã có các luật về chống tham nhũng và kê khai tài sản, tuy nhiên, chúng không cụ thể, không rõ ràng, các văn bản dưới luật cũng như vậy, dẫn đến thực trạng có hàng triệu đảng viên và công chức phải kê khai, nhưng chỉ có vài người bị xác định là có vi phạm.

Hình ảnh "biệt phủ" của quan chức Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái

Từ thực trạng đó, luật sư Thuận chỉ ra nguyên nhân cốt lõi nằm ở chỗ làm sao hệ thống chính trị một đảng duy nhất có thể kiểm soát quyền lực của chính mình, một điều mà Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hồi tháng 9/2020 và được ông Trọng nhắc lại hồi tháng 12/2020.

Một chức bí thư, một chức chủ tịch này kia phải có 2, 3 người ra tranh cử, phải công khai, có báo chí tham gia, thì mọi việc tự nhiên nó bật ra, bật ra tài sản gia đình, vợ con thế này thế kia. Nhưng Việt Nam thiếu cơ chế để thúc đẩy cái đó lắm.
Luật sư Trần Quốc Thuận


Tại một hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, hôm 12/12/2020, ông Trọng nói: “Tham nhũng diễn ra trong nội bộ, do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình … Mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, quyền lực phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn; lạm dụng, lợi dụng quyền lực cũng phải bị truy cứu trách nhiệm và xử lý vi phạm. Nói phải nhốt quyền lực trong lồng cơ chế là với ý nghĩa như vậy”.

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng trong các điều kiện của Việt Nam, cơ chế như thế nào để kiểm soát quyền lực vẫn là một bài toán khó, và việc ban hành luật đăng ký tài sản để chống tham nhũng sẽ không sớm diễn ra khi nhiều đại biểu quốc hội cũng chính là các quan chức nhiều quyền lực, một tình huống mà nhiều người ví von là “không ai lại tự bắn vào chân mình”.

Vẫn luật sư Thuận nói rằng có một cách không có gì lạ hay mới mẻ để công khai, minh bạch về tài sản, đó là phải có cạnh tranh, tranh cử công khai đối với các chức vụ quan trọng. Ông nói:

“Một chức bí thư, một chức chủ tịch này kia phải có 2, 3 người ra tranh cử, phải công khai, có báo chí tham gia, thì mọi việc tự nhiên nó bật ra, bật ra tài sản gia đình, vợ con thế này thế kia. Nhưng Việt Nam thiếu cơ chế để thúc đẩy cái đó lắm”.

Cách đây gần 1 năm, hôm 23/1/2020, Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI), trong đó, Việt Nam đạt 37/100 điểm, tăng 4 điểm so với năm trước, đứng thứ 96 trong số 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam và Malaysia là hai nước duy nhất có cải thiện được xem là đáng kể về điểm số CPI.