Thưa quí vị, tổ chức Hướng Đạo Việt Nam đã được thành lập ở quê nhà từ năm 1930 và đã có thời phát triển rất rộng rãi. Nhưng từ sau năm 1975 tổ chức này đã bị cấm hoạt động ở quốc nội. Tuy nhiên những người Việt tỵ nạn ở khắp thế giới cũng đã tìm cách gây dựng lại những hoạt động hướng đạo trong khuôn khổ của tổ chức hướng đạo ở các quốc gia mà họ định cư. Đơn vị hướng đạo Mỹ gốc Việt được coi là đông đảo nhất so với các đơn vị khác ở những quốc gia khác có người Việt tỵ nạn. Chúng tôi đã tiếp xúc với huynh trưởng Trần Văn Long giữa lúc ông đang hướng dẫn các em hướng đạo sinh chuẩn bị tham gia đại hội hướng đạo toàn quốc Mỹ vào cuối tháng này. Ông Long, từng coi sóc một đơn vị hướng đạo tại Việt Nam trước năm 1975, hiện hướng dẫn một đơn vị hướng đạo tại San Jose, bắc California, cho biết sơ qua về lược sử hướng đạo Việt Nam:
"Trên giấy tờ có ghi rõ ràng đơn vị hướng đạo Việt Nam đầu tiên được thành lập năm 1930. Mới đây bên Canada có tổ chức đại hội của huynh trưởng hướng đạo Việt Nam để vừa hội thảo, vừa kỷ niệm ăn mừng 80 năm hướng đạo Việt Nam, mặc dù có một khoảng thời gian bị gián đoạn sau năm 1975. Sau năm 1975 có nhiều anh chị em đi nhiều nơi trên thế giới, và sau một thời gian họ thành lập lại các đơn vị hướng đạo gốc Việt, nằm trong hệ thống hướng đạo của các nước sở tại. Tại San Jose này, tôi biết một điều là chúng ta hoạt động trở lại từ năm 1982 cho đến bây giờ. Cứ từ từ rồi các đơn vị hướng đạo gốc Việt phát triển đông hơn. Đây là các đơn vị hướng đạo Mỹ qui tụ các em gốc Việt, tuy nhiên đôi khi cũng có các em Mỹ được nhận vào đoàn, vì các em cũng thích chơi với Việt Nam, tôi đã nhìn thấy những đoàn như vậy."
Theo ông Long cho biết thì tính trên toàn thế giới, hiện nay có độ 7 ngàn người Việt tham gia các tổ chức hướng đạo ở các nước sở tại. Còn tại Hoa Kỳ, đơn vị hướng đạo gốc Việt đông nhất ở nam California, sau đó là Houston, Dallas, bang Texas, rồi San Jose ở bắc California và vùng thủ đô Washington cùng các nơi phụ cận như bang Maryland và Virginia.
Huynh trưởng Trần Văn Long nhắc đến những nguyên lý cuả hướng đạo, đó là: bổn phận đối với thượng đế (tùy niềm tin tôn giáo của mỗi người), bổn phận đối với quốc gia, riêng đối với các hướng đạo gốc Việt thì được lồng thêm một câu: đó là quốc gia mà mình cư ngụ. Bổn phận đối với tha nhân, giúp đỡ mọi người chung quanh, và bổn phận đối với chính bản thân, cá nhân mình.
Mục đích của hướng đạo, nói chung, trên thế giới đều giống nhau, riêng tại Mỹ, những mục đích được ghi chép rõ ràng trong nhiều tài liệu. Những bổn phận đó là:
"Đào luyện con người thành công dân tốt, hướng dẫn để các em phát triển mọi đức tính tốt, thứ ba là tập luyện cho các em thể dục để luyện cho thể chất lẫn trí tuệ được lành mạnh, nói theo tiếng Anh là citizenship training, character development (phát triển đức tính tốt cho các em), và personal fitness. Đây là những điểm chính. Tuy nhiên trong đó còn lồng thêm leadership, tức là đào luyện cho các em để học hỏi khả năng lãnh đạo trong tương lai."
Phong trào hướng đạo là phong trào vô vụ lợi, những người tình nguyện tham gia là những người "ăn cơm nhà, vác ngà voi", lại còn phải gánh vác nhiều trách nhiệm. Huynh trưởng Long cho biết, một trong những cái khó hiện nay đối với phong trào hướng đạo của người Mỹ gốc Việt là thiếu các huynh trưởng để hướng dẫn các hướng đạo sinh; muốn trở thành các huynh trưởng, những người tình nguyện phải học qua nhiều lớp đào tạo, họ phải bỏ ra nhiều thời giờ mới có thể học hỏi được những kỹ năng đó, trong khi hầu hết ai cũng bận rộn với công việc hằng ngày. Kế đó là sự dấn thân của phụ huynh, phong trào hướng đạo cần được sự tiếp tay của các phụ huynh trong các sinh hoạt. Ông cũng cho biết giờ đây sự đóng góp công sức của phụ huynh tiến triển khả quan hơn. Một thí dụ điển hình là bà Victoria Phượng Nguyễn, có con trai sinh hoạt trong doàn hướng đạo. Bà cho biết con trai bà đã gia nhập hướng đạo từ năm lớp ba, đến nay em học lớp chín, và đã 15 tuổi. Bà giải thích lý do tại sao bà muốn con bà gia nhập phong trào hướng đạo:
"Hướng đạo rất hay, dạy cho các cháu phải sống như thế nào, giúp cho các cháu tự tin, các cháu học được tiếng Việt, sinh hoạt chung với người Việt, dạy cho các cháu thành một người tốt. Các cháu sinh hoạt mỗi tuần một lần vào ngày thứ Bảy từ 9 giờ sáng cho 11 giờ rưỡi, em đưa cháu đi, các cháu sinh hoạt với các anh trưởng, riêng cá nhân phụ huynh như em cũng giúp đôi chút các việc lặt vặt như mua đồ ẩm thực cho các em, như vậy lúc nào mình cũng ở bên cạnh các con trong sinh hoạt của đoàn. Mỗi tháng 4 lần, cháu rất vui, lúc đầu cháu chưa hiểu mấy, nhưng từ từ rồi anh ta rất happy (vui thích), tự tin, hãnh diện là một hướng đạo sinh gốc Việt."
Bà Phượng cho biết nhìn thấy con phát triển theo chiều hướng tốt đẹp, lành mạnh là niềm vui lớn của bà. Bà cũng ngỏ lời cảm ơn các huynh trưởng tình nguyện bỏ công sức ra rèn luyện, dạy dỗ các hướng đạo sinh, trong đó có con trai bà. Bà cho biết thêm về sự náo nức của con bà đang trông chờ đến ngày lên đường đi dự đại hội hướng đạo toàn quốc Mỹ năm nay:
Bà nói: "Riêng con em thì rất happy khi nó đi sinh hoạt. Cháu đang nôn nóng đếm từng ngày chờ tới lúc được đi dự đại hội hướng đạo (jamboree) ở bên Virginia. Hiện giờ thì cháu đang tập dượt để trình diễn một màn văn nghệ ở đại hội này."
Chương trình của đại hội hướng đạo có những gì hấp dẫn đối với các trại sinh như vậy? Huynh trưởng Long cho biết:
"Có rất nhiều trò chơi, kể cả những trò chơi mạo hiểm, nguyên tắc là để các em vui chơi, nhưng vẫn có những lớp học dạy thêm cho các em. Ví dụ như năm 2001 tôi đi dự đại hội, có những cơ quan chính phủ họ vào dạy các em về các vấn đề chẳng hạn như bảo tồn môi sinh và nhiều vấn đề khác. Các em học xong sẽ được giấy chứng nhận là đã học lớp này rồi, chúng tôi khỏi phải dạy lại, về đơn vị các em khỏi phải học lại. Chương trình giải trí ở đại hội rất là bao la, có những trò chơi như bắn cung, bắn súng, leo núi, đi dây tử thần, hoặc là trò chơi về nước, như bơi lội, lặn, đi thuyền buồm, chèo thuyền độc mộc, câu cá chẳng hạn, đủ mọi thứ để chơi."
Hiện thời thì các em sắp lên đường dự trại đang ráo riết chuẩn bị tập dượt. Em Khôi, một hướng đạo sinh, 17 tuổi tại thành phố Fremont, vừa tốt nghiệp trung học, sẽ vào đại học niên khóa tới. Khôi đã gia nhập hướng đạo được 7, 8 năm nay. Khôi cho biết lý do em gia nhập hướng đạo và những gì em đã học hỏi được từ hướng đạo.
Em nói: "Em được đi nhiều, tham gia nhiều hoạt động, cắm trại, đi hiking, sinh hoạt ngoài trời. Hướng đạo dạy cho em cách nói chuyện với mọi người, tạo cảm thông với mọi người, rèn luyện khả năng tổ chức công việc, dạy cho em cách làm việc chung với các bạn đồng trang lứa, và làm việc chung với người lớn."
Khôi cho biết màn văn nghệ mà đơn vị gốc Việt trình diễn tại đại hội hướng đạo toàn quốc Mỹ năm nay sẽ là vở ca vũ nhạc: "Hòn Vọng Phu."
Theo ước tính, đại hội toàn quốc hướng đạo Hoa Kỳ năm nay để kỷ niệm 100 năm thành lập sẽ qui tụ trên 45 ngàn người, từ mọi nơi trên khắp nước Mỹ cũng như từ các nước bạn được mời.
Hướng đạo là một phong trào giáo dục có tính cách quốc tế, với những tôn chỉ rèn luyện nhân cách và thể chất để trở thành những con người tháo vát, tự tin, đáng tin cậy, những công dân tốt trong xã hội. Năm nay tổ chức hướng đạo Mỹ Boy Scouts of America, gọi tắt là BSA, sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập. Một đại hội toàn quốc sẽ được tổ chức từ ngày 26 tháng Bảy đến hết ngày 4 tháng Tám. Người Mỹ gốc Việt cũng đã hiện diện từ khá lâu trong tổ chức Hướng Đạo Mỹ và hiện đang chuẩn bị để tham gia đại hội toàn quốc cùng với các đơn vị từ khắp nơi trên nước Mỹ tụ hội về Fort A.P Hill, bang Virginia. Qua Câu Chuyện Nước Mỹ tuần này, Lan Phương mời quí vị theo dõi một số chi tiết về hoạt động của hướng đạo gốc Việt qua buổi nói chuyện với huynh trưởng Trần Văn Long, kế tiếp là một phụ huynh có con em trong đoàn hướng đạo Mỹ gốc Việt, và một hướng đạo sinh đang chuẩn bị tham dự đại hội hướng đạo (jamboree) toàn quốc Mỹ.