Việt Nam bất ngờ bắn thử tên lửa phòng không mới nhập từ Israel ngay trong cùng ngày khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố phản đối Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên biển Đông.
Trích nguồn tin từ Quân Đội Nhân Dân, các báo trong nước đồng loạt đăng tin và hình ảnh các loại tên lửa “phòng không hiện đại Spyder” được thử nghiệm với đạn thật trong khuôn khổ cuộc diễn tập của các lực lượng phòng không Việt Nam diễn ra hôm 5/9.
Động thái này diễn ra 3 ngày sau khi Trung Quốc kết thúc các cuộc tập trận bắn đạn thật trên quần đảo Hoàng Sa, nơi Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền. Nhưng chỉ 1 ngày sau khi Việt Nam lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Cảnh Sảng lập tức bác bỏ cáo buộc của Việt Nam.
"Trong bối cảnh Trung Quốc đang có các hoạt động gây căng thẳng đó mà họ đã công khai các nội dung họ đã làm thì việc các nước khác cũng có tiến hành các hoạt động một cách hợp pháp trên lãnh thổ của mình là điều dễ hiểu," theo tiến sỹ Trần Công Trục, từng là trưởng ban biên giới chính phủ. "Đây có thể nói là một sự trả lời để thấy rằng các nước khác, kể cả Việt Nam, không thể nào có thể ngồi yên và nhìn những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc."
Việt Nam tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa Spyder từ Israel vào giữa tháng 7. Theo Blog Quốc phòng, mục tiêu để nhằm tăng cường khả năng phòng vệ trên không. Spyder được thiết kế với tính năng tiêu diệt nhiều mục tiêu cùng 1 lúc và khả năng triệt hạ các loại máy bay, kể cả phản lực cơ chiến đấu, máy bay trực thăng, và máy bay không người lái.
Việt Nam đặt mua 3 tổ hợp tên lửa phòng không Spyder tầm gần cực hiện đại của Israel cùng với nhiều loại đạn và tên lửa như Python, theo Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Đây mới chỉ là hợp đồng mua sắm giai đoạn 1 mang tính thử nghiệm, theo nhận định của Soha. Sau đó có thể Quân chủng Phòng không-Không quân sẽ được trang bị nhiều tổ hợp tên lửa Spyder hơn.
Việt Nam đã trở thành 1 trong những nước hàng đầu thế giới tăng chi tiêu quốc phòng nhiều nhất trong mấy năm gần đây. Theo SIPRI, năm ngoái Việt Nam chi tới 5 tỷ USD để tăng cường khả năng quân sự. Đây là một mức tăng vô cùng đáng kể trong chi tiêu quân sự, cao hơn 90% so với năm 2010.
Nguyên nhân chính khiến Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực tăng chi tiêu quốc phòng, theo tiến sỹ Trục, là do tình hình căng thẳng từ Trung Quốc đã đe dọa an ninh quốc phòng của các nước trong khu vực.
"Việc các nước phải tăng cường khả năng phòng thủ bằng cách tăng thêm chi tiêu cho ngân sách quốc phòng là một điều rất phổ biến," theo tiến sỹ Trục. "Mặc dù đó là điều không ai muốn làm. Việt Nam càng không muốn làm bởi vì Việt Nam đang phải đầu tư rất nhiều cho sự phát triển kinh tế nhưng buộc lòng phải trích ra 1 khoản ngân sách để trang bị thêm vũ khí là điều buộc phải làm trong tình cảnh hiện tại."
Căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc được cho là tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua kể từ sau khi Bắc Kinh đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 4/2014.
Vào tháng 7, Việt Nam đã phải ngừng hoạt động khoan thăm dò dầu khí trong khu vực biển có tranh chấp với Trung Quốc dưới sức ép của Bắc Kinh. Trước đó một tướng cấp cao của quân đội Trung Quốc đã bỏ dở chuyến thăm tới Hà Nội và các cuộc giao lưu quốc phòng giữa 2 nước đã được lên lịch bị hủy bỏ.