Việt Nam bắt đầu lại chương trình cho người Mỹ nhận con nuôi

Trại nuôi trẻ Mồ côi Tam Bình ở Thủ Đức

Sau khi bị tạm ngưng từ năm 2008, người Mỹ nay lại có thể nhận con nuôi từ Việt Nam.

Việc nhận con nuôi chấm dứt cách đây sáu năm khi Việt Nam và Hoa Kỳ không đạt được thoả thuận để tiếp tục chương trình. Năm 2008, một cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về hệ thống nhận con nuôi của Việt Nam nhận thấy có sự gian lận và việc bán các em nhỏ. Các công ty cung cấp dịch vụ nhận con nuôi bị phát hiện đã trả cho các cô nhi viện của Việt Nam tới 10.000 đôla cho mỗi lần giới thiệu. Đối lại, các cô nhi viện hoặc ép buộc hoặc trả tiền cho các cha mẹ Việt Nam để đem cho con nuôi. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã hối lộ các giới chức Việt Nam bằng cách trả tiền cho các chuyến đi mua sắm ở Hoa Kỳ .

Ba năm sau khi tiến hành cuộc điều tra đó, Việt Nam đã ký Công ước La Haye về Bảo vệ Trẻ em. Việt Nam cũng thay đổi các luật lệ về nhận con nuôi. Sự kiện này dẫn đến một thoả thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam cho phép bắt đầu lại việc nhận con nuôi.

Hồi tháng 10, Giám đốc Cơ quan nhận con nuôi của Việt Nam nói với ban Việt ngữ đài VOA rằng hai nước đã đạt được một thoả thuận bắt đầu lại việc nhận con nuôi. Ông Nguyễn văn Bình nói hai cơ quan nhận con nuôi của Mỹ trong danh sách 200 cơ quan đã được chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ chấp thuận. Hai cơ quan này là Dillon International và Holt International.

Dillon International có trụ sở ở tiểu bang Oklahoma miền tây nam. Cơ quan này cũng có các văn phòng ở năm thành phố khác của Mỹ. Cơ quan đã gửi thực phẩm, quần áo và các hình thức viện trợ khác cho bốn tỉnh ở Việt Nam trong 15 năm qua. Cơ quan cũng đã trả tiền cho các em đi học. Bà Nellie Kelly là phối hợp viên của công ty phụ trách danh sách chờ đợi.

Bà nói: “Chúng tôi rất phấn khởi nay khi việc nhận con nuôi đã tiếp tục trở lại bởi vì đó thực là tin vui cho các em cần một mái gia đình.”

Nhưng khác với năm 2008, chương trình nhận con nuôi có những hạn chế. Chỉ có trẻ em mà bố mẹ đã chết hay đã từ bỏ quyền được nuôi con có thể được nhận làm con nuôi. Và trẻ em phải có điều kiện gọi là “nhu cầu đặc biệt” – tức là chúng có thể có những vấn đề về y tế. Chúng có thể trên 5 tuổi. Và nếu chúng có anh chị em, chúng phải cùng được nhận làm con nuôi.

Bà Kelly cho biết những trẻ em này thường không được nhận làm con nuôi. Bà nói trẻ em như thế này rất khó tìm được gia đình nhận nuôi bởi vì nhiều người chỉ muốn có một em bé lành mạnh.

“Đối với các gia đình sẵn sàng nhận các em có nhu cầu đặc biệt, thì đây thực sự sẽ là một cơ hội tốt cho các em đó.Đây là những em trước đây có thể không tìm được một mái gia đình, bởi vì không phải gia đình nào cũng sẵn sàng chẳng hạn, nhận một em nhỏ thiếu chân tay, có thể là thiếu một bàn tay hay một cánh tay.”

Bà nói em nhỏ nào cũng cần một gia đình, nhưng khó mà tìm được một gia đình cho các em có những nhu cầu đặc biệt về y tế.

Việt Nam nói họ muốn trẻ em được người ở Việt Nam nhận làm con nuôi. Nhưng họ sẽ cho phép người nước ngoài nhận con nuôi nếu chúng không được nhận làm con nuôi ở Việt Nam. Bà Kelly nói cơ quan của bà ủng hộ chính sách này.

“Lẽ dĩ nhiên, nếu có thể được, thì tốt hơn là để cho đứa trẻ được ở lại nơi chúng sinh ra. Bất cứ khi nào có nơi nhận nuôi các em ở ngay trong nước, thì luôn luôn các em được chọn là những em lành mạnh nhất và nhỏ tuổi nhất. Vì thế cần đến rất nhiều các gia đình sẵn lòng tính nhận một em có nhu cầu về y tế - - có lẽ một em sẽ cần đến một phẫu thuật khi các em được nhận nuôi hoặc cần đến một liệu pháp nào hoặc bất cứ nhu cầu nào.”

Bà Kelly nói cơ quan của bà làm công việc ghép một em nhỏ với một gia đình thay vì tìm cách cách cung ứng một em nhỏ mà gia đình đó muốn nuôi.

“Sứ mạng của chúng tôi là giúp tìm các gia đình cho những em cần có gia đình, chứ không phải đi tìm những trẻ em cho các gia đình cần có chúng.”

Bà Christine Chronister là một trong các chủ biên của trang web AdoptionIntegrity.com. Các gia đình Mỹ muốn nhận con nuôi từ Việt Nam đã mở trang web này vào năm 2006. Các biên tập viên nhận thấy các vấn đề đã dẫn tới việc chấm dứt nhận con nuôi năm 2008.

“Lần trước, không có hạn chế đối với các em có thể được giới thiệu, và chính phủ Việt Nam gần như cấp giấy phép cho bất cứ ai đóng tiền. Thực sự không có tiêu chuẩn rõ ràng cho những điều kiện cơ quan bạn cần phải có để được cấp giấy phép hoạt động.”

Bà Chronister lấy làm vui mừng là tiến trình bắt đầu trở lại. Nhưng bà nói các quy định gắt gao hơn sẽ hạ thấp con số trẻ em có thể được nhận làm con nuôi từ Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam cho hay gần 1.300 em nhỏ Việt Nam đã được nhận làm con nuôi trong thời gian từ 2011 đến 2013, phần lớn bởi những người sống ở châu Âu.

Cơ quan nhận con nuôi Dillon nói họ không biết có bao nhiêu trẻ em sẽ được người Mỹ nhận làm con nuôi theo chương trình mới. Phải mất từ sáu đến chín tháng để hoàn tất tiến trình ở Hoa Kỳ. Tiến trình gồm một đơn xin nhận con nuôi, việc chuẩn bị hồ sơ di trú và một cuộc thanh tra. Kế đó, thông tin được chuyển về Việt Nam.

Bởi lẽ chương trình này mới có, cơ quan không biết các giới chức Việt Nam sẽ mất bao lâu để quyết định về một vụ xin nhận con nuôi. Nhưng cơ quan nói với mọi người hãy chuẩn bị chờ đợi tới từ ba đến năm năm. Cơ quan nói chi phí để nhận một đứa trẻ từ Việt Nam làm con nuôi là từ 25.000 cho đến 32.000 đôla. Những người độc thân hay các cặp vợ chồng từ 25 đến 55 tuổi có thể tham gia chương trình. Các cặp vợ chồng phải kết hôn ít nhất hai năm và phải lớn hơn đứa trẻ nhận nuôi ít nhất 20 tuổi.

Bà Nellie Kelly cho biết trong khi bà vui mừng rằng các trẻ em có nhu cầu đặc biệt từ Việt Nam sẽ được nhận làm con nuôi theo chương trình này, bà hy vọng nó sẽ giúp trẻ em ở các nước khác mà cơ quan đang hoạt động:

"Trong tất cả các chương trình mà cơ quan Dillon phục vụ - ở Trung Quốc, Colombia, Hong Kong, Haiti, Ấn Độ, Nam Triều Tiên – tất cả các khu vực có trẻ em đang chờ được các gia đình nhận nuôi. Vì thế, hy vọng là với sự chú ý thêm mà Việt Nam đang nhận được, trẻ em trên khắp thế giới sẽ được hưởng lợi ích."

Bà Chronister nói AdoptionIntegrity.com ủng bộ các hoạt động của hai cơ quan Mỹ đã được chấp thuận. Nhưng bà nói bà đang theo dõi sát các cơ quan và tiến trình bảo vệ các gia đình và các em được nhận làm con nuôi.

“Chúng tôi rất thích được nghe về các em nhỏ mà, như quý vị biết, không có hy vọng mà bỗng dưng lại được nhận nuôi trong một gia đình và cuôc đời của các em đã thay đổi hẳn. Đây là phép lạ kỳ diệu nhất.”

Thông báo về việc người Mỹ được nhận con nuôi Việt Nam sẽ được phép tiếp tục trở lại được đưa ra vào lúc hai nước tìm cách tăng cường giao thương và cải thiện hợp tác quân sự.