Công an Việt Nam vừa bắt giam bốn nhà hoạt động vì quyền đất đai ở Dương Nội, ngoại thành Hà Nội, với cáo buộc “truyên truyền chống Nhà nước,” trong đó có một gia đình tới ba người bị bắt. Với cùng cáo buộc này, cũng hôm 24/06, chính quyền Lâm Đồng và Khánh Hòa đã bắt giam hai người khác.
Bộ Công an Việt Nam hôm 25/06/2020 loan tin bắt giam bà Cấn Thị Thêu, 58 tuổi, cùng hai con trai là Trịnh Bá Phương, 35 tuổi, Trịnh Bá Tư, 31 tuổi, và bà Nguyễn Thị Tâm, 48 tuổi, vào ngày 24/06/2020.
Thông báo của Bộ Công an viết: “04 bị can có hoạt động soạn thảo, đăng tải, phát tán các video clip, bài viết có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân nhằm mục đích chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Ông Trịnh Bá Khiêm, chồng của bà Cấn Thị Thêu, cho VOA biết nhận định của ông về việc chính quyền bắt giam vợ và hai con trai của ông:
“Chế độ Cộng sản này thích bắt người là họ bắt, họ thích quàng tội ai thì quàng tội. Họ thu giữ tài liệu có cái gì đâu? Mấy quyển Chính trị bình dân, Cẩm nang nuôi tù của Nhà xuất bản Tự Do, và mấy bản nháp của tôi viết bài trên mạng xã hội.
“Chế độ này rất bất công!” ông Khiêm nói khi đề cập đến việc bắt giam và lục soát nhà của con trai Trịnh Bá Tư.
“Chính quyền Hà Nội bắt con trai tôi Trịnh Bá Phương để trả thù vì lên tiếng vụ Đồng Tâm. Còn tỉnh Hòa Bình trả thù vợ tôi Cấn Thị Thêu vì phanh khui vụ án chống tham nhũng gần 30 năm về trước”.
Vào năm 2016, nhà đấu tranh đất đai Cấn Thị Thêu từng bị giam 20 tháng tù vì dẫn dắt phong trào “Dân oan Dương Nội” với cáo buộc “Gây rối trật tự công cộng”.
Gần đây anh Trịnh Bá Tư liên tục loan tin về vụ đụng độ giữa chính quyền Hà Nội và nông dân Đồng Tâm vào đầu năm 2020, khiến ông Lê Đình Kình, lãnh tụ tinh thần của người dân Đồng Tâm, và 3 công an thiệt mạng và 29 người dân đang bị khởi tố. Tương tự, anh Trịnh Bá Phương gặp gỡ giới chức ngoại giao Mỹ để trao đổi thông tin về vụ tranh chấp đất kéo dài gây bức xúc trong dư luận trong và ngoài nước.
XEM THÊM: ĐSQ Mỹ quan tâm vụ Đồng Tâm sau khi công an ra kết luận điều traChị Nguyễn Thị Mai, con gái của bà Nguyễn Thị Tâm, nói với VOA về việc bắt giữ hôm 24/06.
“Hôm qua, gần như hành động đó là bắt cóc bởi vì họ bắt rồi mà mãi đến trưa nay mới gửi giấy cho gia đình. Hôm qua, họ bắt lúc 5 giờ sáng. Họ chỉ mặc thường phục và không ai biết họ từ đâu và làm việc cho ai.
“Tất cả chỉ là vu khống vì họ chả có bằng chứng gì cả! Mẹ tôi chẳng làm gì vi phạm pháp luật.
“Họ tìm mọi cách để trù dập tất cả những người lên tiếng để đấu tranh cho lẽ phải”, chị Mai nói.
Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Lân Thắng nêu nhận định việc bốn nhà hoạt động ở Dương Nội bị bắt giữ:
“Việc bắt bớ những người nông dân hôm qua là một hành động khủng bố đối với các nhà hoạt động xã hội. Họ là những cái gai trong mắt nhà cầm quyền nên đã bị bắt giữ.
“Việc bắt giữ này không chỉ tấn công trực tiếp vào 4 người này, mà còn nhằm khủng bố dư luận và tất cả những người đấu tranh, những công dân yêu chuộng tự do, công lý và lẽ phải.”
Ông Thắng cho biết thêm:
“Từ năm 2017, những người nông dân Dương Nội như chị Thêu, chị Tâm có điều kiện thâm nhập và đưa tin nhanh chóng kịp thời vụ Đồng Tâm.
“Khi cụ Lê Đình Kình bị bắt chết tại nhà vào đầu năm 2020, chị Thêu và chị Tâm là những người được nhận thông tin đầu tiên và chính xác nhất.
“Trong khi đó, chính quyền lại che dấu hành động mờ ám ở Đồng Tâm.”
Your browser doesn’t support HTML5
VOA đã liên lạc công an thành phố Hà Nội và công an tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu về những cáo buộc này, nhưng chưa được phản hồi.
Chỉ vài ngày trước khi diễn ra vụ bắt giữ, hôm 21/6, báo Công an Nhân dân ra cảnh báo rằng “nhiều cá nhân, tổ chức chống đối như Trịnh Bá Phương, Nguyễn Hữu Vinh, Nguyễn Văn Đài… vẫn cố tình “đổi trắng thay đen”, “thương vay khóc mướn” cho các đối tượng phạm tội” trong vụ án Đồng Tâm.
“Các đối tượng này tiếp tục ngụy tạo thông tin, gây sức ép đối với cơ quan điều tra nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung” trang CAND viết.
Trang này cũng chỉ trích đài VOA và các đài quốc tế khác đã “tát nước theo mưa”, “đăng tải nhiều bài viết, bình luận không đúng thực tế, kích động sự nghi kỵ gây mất đoàn kết nội bộ của Việt Nam khiến cho tình hình thông tin trở nên nhiễu loạn”.
Trong diễn biến liên quan, cũng hôm 24/06, Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giam ông Vũ Tiến Chi, 54 tuổi, và Công an tỉnh Khánh Hòa bắt giam bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy, 44 tuổi, với cùng cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.
Truyền thông Việt Nam cho biết ông Vũ Tiến Chi dùng Facebook “đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc… bôi nhọ danh dự Chủ tịch Hồ Chí Minh; kích động tư tưởng chống đối” và cáo buộc rằng ông đã nhiều lần tham gia các cuộc biểu tình tại TP Hồ Chí Minh.
Chính quyền Việt Nam cáo buộc bà Nguyễn Thị Cẩm Thúy “tổ chức đốt Đảng kỳ, Quốc kỳ Việt Nam, treo cờ vàng ba sọc đỏ của chế độ Việt Nam Cộng hòa trong nhà” và thường xuyên livestream trên mạng xã hội để “tuyên truyền những nội dung phản động, xúc phạm, kích động chống phá Đảng và Nhà nước.”