Một nhà ngoại giao Hàn Quốc tại Việt Nam hôm 28/2 kêu gọi các cơ quan quản lý ở quốc gia Đông Nam Á này xem xét nới lỏng các quy định hạn chế quyền sở hữu nước ngoài và làm cho cổ phiếu của các công ty trong nước dễ tiếp cận hơn đối với các nhà đầu tư.
Việt Nam đang quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi vào năm 2025, theo Báo Chính phủ. Việc nâng hạng, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính được tờ báo trích dẫn nói khi phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 hôm 28/2 tại Hà Nội, sẽ góp phần thu hút khoảng 25 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài mỗi năm, tương đương đầu tư trực tiếp (FDI).
Tuy nhiên các giới hạn nghiêm ngặt của Việt Nam về quyền sở hữu nước ngoài trong một số lĩnh vực nhất định vẫn là một trong những trở ngại chính cho việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Một bản tin của Reuters được The Korea Times đăng tải cho biết Tham tán công sứ Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, Yoon Sang-key, nói tại hội nghị kể trên rằng “Việt Nam có thể áp dụng chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) để nới lỏng hạn chế sở hữu nước ngoài và tăng khả năng tiếp cận cho các nhà đầu tư nước ngoài.”
Đưa tin về phát biểu của ông Yoon tại hội nghị, trang Tin nhanh Chứng khoán cho biết nhà ngoại giao của Hàn Quốc đề xuất việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài ở Việt Nam để tăng nguồn cung cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài vào quốc gia Đông Nam Á bằng các NVDR.
Còn báo mạng VnExpress cho biết ông Yoon kiến nghị nhà chức trách nghiên cứu, tạo điều kiện để các doanh nghiệp ngoại và các công ty khởi nghiệp có thể niêm yết trên sàn chứng khoán của Việt Nam.
Theo tờ báo này, thị trường chứng khoán Việt Nam từng chứng kiến "sóng" lên sàn của các doanh nghiệp FDI hồi 2003-2008. Tuy nhiên trong những năm sau đó, số công ty ngoại lên sàn không nhiều, một số bị hủy niêm yết. Theo VnExpress, hiện chỉ có 6 doanh nghiệp FDI còn niêm yết và 3 công ty giao dịch trên UpCOM.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể thu hút thêm vốn nước ngoài thông qua việc nới lỏng giới hạn sở hữu nước ngoài, trao quyền bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài, tự do hóa thị trường ngoại hối và công bố các quy định thị trường bằng tiến Anh,” ông Yoon được Reuters trích lời nói.
Các công ty Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam và là nguồn cung cấp việc làm trong lĩnh vực sản xuất quan trọng của quốc gia Đông Nam Á này. Theo Reuters, SK Group và Hana Bank có khoản đầu tư lớn vào tập đoàn Vingroup và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Theo quy định của Việt Nam đối với các ngân hàng trong nước, tỷ lệ sở hữu nước ngoài không được vượt quá 30%.
Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là đang đi trước các nước láng giềng, khi có mức tăng gần 11% trong năm nay, nhưng vẫn là thị trường nhỏ nhất trong số các nền kinh tế chính ở Đông Nam Á. Việc bị phân loại là thị trường cận biên ngăn cản nhiều quỹ và các nhà đầu tư đầu tư vào các công ty được niêm yết trong nước.
“Nếu vẫn còn giới hạn sở hữu nước ngoài thì Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa là 5 tỷ USD,” chuyên gia cấp cao về lĩnh vực tài chính của Ngân hàng Thế giới Ketut Ariadi Kusuma được Reuters trích lời nói.
Nhưng theo ông Kusuma, nếu vấn đề này được giải quyết triệt để thì “thị phần của Việt Nam trong chỉ số thị trường mới nổi có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8 đến 15 tỷ USD” cho quốc gia Đông Nam Á.
Tại hội nghị hôm 28/2, các nhà quản lý quỹ và ngân hàng cũng kêu gọi các cơ quan quản lý ở Việt Nam nhanh chóng thành lập một trung tâm thanh toán bù trừ có thể giải quyết vấn đề yêu cầu tiền gửi trước giao dịch hiện tại. Đây được xem là một yếu tố khác cản trở quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thủ tướng Chính, phát biểu tại hội nghị, nói rằng Việt Nam vẫn quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán vào năm 2025. Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, ông Chính nói rằng ông nhận thức được những trở ngại và khó khăn mà những người tham gia hội nghị nêu ra đồng thời yêu cầu các cơ quan chính phủ liên quan nhanh chóng giải quyết các vấn đề đó.