Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn hôm 17/1 nói rằng Hiệp định Paris, đạt được vào năm 1973, là sự kiện có “ý nghĩa chiến lược” và đóng vai trò quan trọng cho việc “thống nhất đất nước” hai năm sau đó, theo truyền thông trong nước.
Hiệp định được ông Lê Đức Thọ, cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Bắc Việt) tại Paris, và ông Henry Kissinger, cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ kiêm ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Richard Nixon, ký kết chính thức ngày 27/1/1973.
Cùng tham gia ký kết khi đó là các đại diện của Việt Nam Cộng Hòa (Nam Việt Nam) và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (Việt Cộng).
Theo đó, các bên tham gia ký nhất trí “chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam”.
Trong lễ kỷ niệm 50 năm sau ngày ký kết, Bộ trưởng Sơn nói rằng “Hiệp định Paris được ký cách đây tròn nửa thế kỷ kết thúc thắng lợi cuộc đàm phán dài nhất, phức tạp nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam để chấm dứt cuộc chiến tranh dài nhất trong thế kỷ 20”, theo Zing News.
Về mặt công khai, hiệp định được đàm phán trong gần 5 năm giữa các bên, gồm Mỹ, Nam Việt Nam, Bắc Việt và Việt Cộng. Tuy nhiên, do chính phủ Nam Việt Nam không muốn công nhận chính phủ lâm thời của Việt Cộng, nên tất cả nội dung nhắc đến Nam Việt Nam đều chỉ nằm trong một phiên bản của hiệp định được ký kết riêng giữa Bắc Việt và Mỹ.
Theo History, mạng lưới truyền hình chuyên về lịch sử của Mỹ, Nam Việt Nam được trao cho một văn bản riêng biệt trong đó không nhắc đến chính quyền Việt Cộng, vì chính quyền Sài Gòn từ lâu đã từ chối công nhận Việt Cộng là một bên tham gia hợp pháp trong các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh.
Tiếp sau hiệp định được ký kết tại Paris, Mỹ hoàn thành việc rút quân khỏi Nam Việt Nam sau khi đã chấm dứt phần lớn các cuộc tấn công và tránh tham gia vào chiến trường chống lại quân Cộng sản miền Bắc trước tình hình tinh thần quân đội ngày càng sa sút và các cuộc biểu tình phản chiến lớn ở Mỹ.
Mặc dù Hiệp định Paris quy định một lệnh ngừng bắn nhưng cả miền Bắc và miền Nam đều phớt lờ. Miền Nam cho rằng “bị phản bội” vì lực lượng của Hà Nội không bị buộc phải rút khỏi miền Nam.
Chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt sau khi Hiệp định được ký kết. Với việc quân đội miền Nam phải chiến đấu không có sự hỗ trợ quan trọng của Mỹ và bị suy yếu bởi tình trạng hỗn loạn và tham nhũng, lực lượng miền Bắc đã nhanh chóng tiến vào được miền Nam. Giao tranh kết thúc vào ngày 30/4/1975 sau khi các lực lược Bắc Việt chiếm được thủ đô Sài Gòn của Nam Việt Nam, gây ra một cuộc di tản hỗn loạn.
Bộ trưởng Sơn hôm 17/1 cho rằng Hiệp định Paris có vai trò “chiến lược” và “tạo nên cục diện mới” để quân miền Bắc vào được Sài Gòn “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất và phát triển ở Việt Nam”, theo lời tường thuật của VnExpress.
Ông Lê Đức Thọ được Việt Nam ca ngợi trong “đấu tranh ngoại giao” khi đàm phán với phái đoàn của Mỹ, do ông Kissinger dẫn đầu, tại Paris. Nói về vai trò của ông Thọ trong cuộc đàm phán, báo Quân đội Nhân dân hồi tháng 10 năm ngoái nói rằng ông Thọ đã “quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo của đảng là phối hợp chặt chẽ với mặt trận đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị để nhắm mục tiêu đầu tiên là đòi Mỹ phải chấm dứt không điều kiện về việc ném bom và bắn phá miền Bắc”.
Ông Thọ và ông Kissinger được trao giải Nobel Hòa bình năm 1973 cho việc dẫn dầu đàm phán và đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các tài liệu mới được công bố sau 50 năm, Ủy ban trao giải biết rõ rằng cuộc chiến tranh Việt Nam lúc đó khó có thể kết thúc sớm. Ông Thọ đã từ chối giải thưởng với lý do hòa bình chưa được thiết lập còn ông Kissnger sau đó cũng tìm cách trả lại giải thưởng khi cho rằng hòa bình mà các bên tìm kiếm thông qua các cuộc đàm phán “bị đảo lộn bằng vũ lực” nhưng khi đó Ủy ban này không chịu nhận lại.