Việt Nam sẽ cho phép các nhà máy sử dụng nhiều điện năng được mua điện từ các nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời, giúp các công ty lớn như Samsung Electronics đáp ứng các mục tiêu về khí hậu và giảm bớt áp lực lên lưới điện bị quá tải của đất nước, AP đưa tin.
Ít ngày trước, trong tháng này, chính phủ đã ban hành nghị định cho phép thực hiện các Thỏa thuận mua điện trực tiếp (DPPA). Nghị định này dỡ bỏ quy định yêu cầu tất cả người tiêu dùng điện chỉ được dựa vào công ty điện lực nhà nước có tên là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty con của tập đoàn này, chỉ có các pháp nhân này mới được phân phối điện theo mức giá do chính phủ ấn định.
Các nhà đầu tư nước ngoài - có vai trò quan trọng đối với sự trỗi dậy của Việt Nam với tư cách là một nước xuất khẩu lớn - đã kêu gọi một sự thay đổi như vậy.
Ông Giles Cooper, cổ đông lơn trong công ty luật quốc tế Allens có trụ sở tại Hà Nội, chuyên về chính sách năng lượng, nhận xét: “DPPA sẽ thay đổi đáng kể hiện trạng này”.
Nếu không có sự thay đổi như vậy, các công ty sẽ “khó, nếu không muốn nói là không thể” thực hiện được cam kết loại bỏ dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Ông Cooper, người góp phần soạn thảo nghị định, nói rằng với việc ngày càng nhiều quốc gia đánh thuế ô nhiễm carbon, những công ty nào có thể chứng minh rằng nhà máy của họ sử dụng năng lượng sạch có thể tận hưởng “lợi thế cạnh tranh đáng kể” ở một số thị trường.
Việc nới lỏng quyền kiểm soát việc bán điện của nhà nước do Đảng Cộng sản cai trị đã được thực hiện từ năm 2019. DPPA cho phép các công ty mua năng lượng trực tiếp từ các nhà sản xuất điện đang gia tăng, ông Kyeongho Lee, người đứng đầu Bộ phận Nghiên cứu Năng lượng Châu Á Thái Bình Dương thuộc công ty tư vấn Wood Mackenzie, nói.
Động thái trên của Việt Nam giải quyết mối lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng tiếp cận nguồn năng lượng sạch và ổn định.
Các nhà phân tích dự báo rằng việc tự do hóa thị trường năng lượng cũng sẽ thúc đẩy việc xây dựng nhiều hơn các trang trại năng lượng mặt trời và gió mới khi một thị trường điện sạch được đảm bảo.
Theo một cuộc khảo sát do Bộ Công thương Việt Nam thực hiện, khoảng 20 công ty lớn quan tâm đến việc mua năng lượng sạch trực tiếp từ các nhà sản xuất, với tổng nhu cầu ước tính gần 1 gigawatt điện năng.
Samsung, nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, là một trong những nhà đầu tư sớm nhất bắt đầu làm việc với chính phủ để đưa ra cơ chế này. Công ty này đặt mục tiêu chuyển đổi tất cả các địa điểm kinh doanh sang năng lượng tái tạo vào năm 2027 và Việt Nam là cơ sở sản xuất điện thoại di động lớn nhất của họ, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng.
Công ty đa quốc gia Hàn Quốc này nói với Associated Press (AP) trong một email rằng họ hoan nghênh việc ban hành “nghị định mang tính bước ngoặt”.
Các nhà máy của họ đã chuyển đổi sang năng lượng tái tạo vào năm 2022 bằng cách mua tín chỉ năng lượng tái tạo. “Giờ đây, với cơ chế DPPA, chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn để mua năng lượng tái tạo và mong muốn được hợp tác với chính phủ Việt Nam để tiếp tục phát triển và thực hiện các PPA”, công ty Samsung cho hay.
Apple Inc., công ty đã chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau khi phải chịu sự gián đoạn trong hoạt động sản xuất do đại dịch COVID-19, cũng hoan nghênh cuộc cải cách này như một “bước quan trọng hướng tới một lưới điện sạch hơn”.
Bà Bessma Aljarbou, người đứng đầu Giải pháp Carbon dành cho Nhà cung cấp của Apple, nói trong một tuyên bố rằng kế hoạch này mang đến cho các nhà cung cấp một “cơ hội có ý nghĩa” để hỗ trợ mục tiêu sẽ trung hòa về phát thải carbon của Việt Nam vào năm 2050 đồng thời đáp ứng mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2030 của chính Việt Nam.
Sự thành công của DPPA sẽ phụ thuộc vào việc Việt Nam có thể nâng cấp lưới điện ọp ẹp của mình nhanh đến mức nào, như trường hợp ở nhiều nơi trên thế giới, đã không theo kịp tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của sản xuất điện sạch. Việt Nam từng nói họ cần 15 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch.