Thủ tướng Việt Nam mới đây mời chào các hãng Mỹ tăng đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và nhận lại một số cam kết cũng như những kiến nghị về cải thiện thủ tục, môi trường kinh doanh. Một doanh nhân kỳ cựu và một chuyên gia uy tín đánh giá với VOA rằng Việt Nam còn cần phải làm nhiều để tận dụng hiệu quả các khoản đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực nêu trên, hiện đang ngày càng trở nên quan trọng hơn.
Thông tin được chính phủ Việt Nam đưa ra trong các ngày 18-19/9 cho hay Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ, làm việc với lãnh đạo các hãng trong lĩnh vực bán dẫn ở cả Bờ Tây lẫn Bờ Đông Hoa Kỳ.
Công ty Amkor Technology sẽ khởi công nhà máy tại Bắc Ninh vào tháng 10/2023. Tổng đầu tư cho dự án này là 1,6 tỷ đô la. Công ty Synopsys sẽ khai trương một trung tâm thiết kế và khởi nghiệp bán dẫn phối hợp với Saigon Hi-Tech Park. Công ty Marvell công bố sẽ thành lập một trung tâm thiết kế bán dẫn hàng đầu thế giới tại thành phố Hồ Chí Minh, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết.
Microsoft và Truthing Social công bố thỏa thuận phát triển giải pháp dựa trên AI (Trí tuệ Nhân tạo) phù hợp với Việt Nam và các thị trường mới nổi. NVIDIA đang hợp tác với FPT, Viettel và VinGroup để triển khai AI trong các lĩnh vực đám mây, ô tô và chăm sóc sức khỏe. Meta Platforms và Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) công bố Thử thách đổi mới sáng tạo Việt Nam, một chương trình nhằm thúc đẩy chuyển đổi kỹ thuật số trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vẫn theo trang Thông tin Chính phủ.
Tin cho hay Thủ tướng Chính mời chủ tịch của NVIDIA thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất, với mong muốn NVIDIA sớm có nhà máy sản xuất tại Việt Nam, lấy Việt Nam làm cứ điểm tại khu vực Đông Nam Á.
Chủ tịch NVIDIA nói hãng “mong muốn tăng cường hợp tác” với Việt Nam về bán dẫn, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, cũng như có kỳ vọng rằng “Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một cứ điểm sản xuất của tập đoàn này tại Đông Nam Á”.
Nhiều giám đốc điều hành trong lĩnh vực bán dẫn ở Mỹ đánh giá rằng “tiềm năng hợp tác của các đối tác Việt Nam và Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn là vô cùng lớn”. Họ nói rằng về lâu dài, các doanh nghiệp, tập đoàn Hoa Kỳ “có thể nghiên cứu khả năng đặt nhà máy sản xuất chip tại Việt Nam”, trang Thông tin Chính phủ tường thuật.
Tuy nhiên, doanh nhân Mỹ gốc Việt David Dương - đã có kinh nghiệm đầu tư, làm ăn thành công trong nhiều năm ở Việt Nam - nhận xét với VOA:
“Việt Nam chưa sẵn sàng 100%. Về lao động tay nghề cao, chưa có sự chuẩn bị trong nhiều năm qua. Chưa có trường huấn luyện, chưa có nơi dạy tay nghề để chuẩn bị đón tiếp những doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ vào. Lao động vẫn còn đang thiếu, kể cả những thành phố lớn như Tp.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội”.
Bây giờ giả sử có một khoản đầu tư khoảng 8 tỷ đô la vào Việt Nam trong ngành sản xuất chip thì chịu, Việt Nam không làm được vì lấy đâu ra người.Chuyên gia Vũ Tú Thành
“Muốn phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở đây, đặc biệt là các nhà máy sản xuất chip, phải có một lượng đủ lớn kỹ sư vi mạch. Tổng số kỹ sư vi mạch hiện nay ở Việt Nam từ khi Intel mở nhà máy từ 2006 đến nay là khoảng trên 5.000 kỹ sư vi mạch, trong khi riêng nhà máy Intel đã cần 2.000, từ 2006, thế thì thiếu trầm trọng. Bây giờ giả sử có một khoản đầu tư khoảng 8 tỷ đô la vào Việt Nam trong ngành sản xuất chip thì chịu, Việt Nam không làm được vì lấy đâu ra người”.
Với việc hai nước có bước đi lịch sử là nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện trong tháng 9/2023, tới đây, phía Mỹ sẽ giúp Việt Nam giải quyết hai trong số ba vấn đề về nhân lực ngành chip, chuyên gia Vũ Tú Thành nói.
Việt Nam đủ khả năng về các cơ sở đào tạo cho ngành, là một trong ba vấn đề, ông Thành cho biết. Như vậy, theo ông, hai vấn đề còn lại là Mỹ sẽ hỗ trợ Việt Nam về việc những sinh viên học để trở thành kỹ sư vi mạch được thực hành trên hiện trường, trong nhà máy, và sau khi họ tốt nghiệp sẽ có cơ hội việc làm trong các nhà máy của Mỹ.
“Trong giai đoạn sắp tới, Mỹ sẽ giúp Việt Nam trả lời hai câu hỏi quan trọng đấy. Câu hỏi thứ nhất Việt Nam tự trả lời được”, ông Thành nói với VOA.
Trong 5 năm tới, đây là sự chuẩn bị vì luật pháp cần phải thay đổi, có những chính sách cần thay đổi cho phù hợp với việc đôi bên nâng tầm thành Chiến lược Toàn diện.Doanh nhân David Dương
Doanh nhân David Dương đưa ra quan sát rằng cấp trung ương có thể đưa ra chính sách khá tốt nhưng cấp địa phương có những hành xử không đúng với chính sách. Nhận định về thời gian tới, sau khi Mỹ và Việt Nam thắt chặt quan hệ, ông David Dương nói:
“Trong 5 năm tới, đây là sự chuẩn bị vì luật pháp cần phải thay đổi, có những chính sách cần thay đổi cho phù hợp với việc đôi bên nâng tầm thành Chiến lược Toàn diện. 5 năm tới là 5 năm thử thách, để Việt Nam bắt đầu thay đổi. 10 năm sau Việt Nam có thể sẽ phát triển rất là tốt, rất là nhanh, rất là mạnh”.
Khi gặp gỡ các đại diện doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn cách đây ít ngày, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã nhận được nhiều ý kiến, đề xuất liên quan tới thuế, thủ tục hành chính, đất đai, đào tạo nhân lực…, trang Thông tin Chính phủ tường thuật.
Đáp lại, Thủ tướng Chính nói rằng chính phủ Việt Nam và các bộ, ngành sẽ tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư, hoạt động ngày càng thuận lợi, ổn định, hiệu quả, bền vững tại Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ.
Ông Chính nhấn mạnh tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hai bên cùng có lợi, cùng thắng, đóng góp tích cực cho quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, theo thông tin do phía chính phủ Việt Nam đưa ra.