Việt Nam cởi mở về Gạc Ma: Thủ tướng Chính tưởng niệm 64 liệt sỹ bị Trung Quốc giết hại

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong trận 'hải chiến' Gạc Ma với lực lượng Trung Quốc hôm 12/3 tại Cam Lâm, Khánh Hoà.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lần đầu tiên đến thăm đài tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong trận chiến giữa các chiến sỹ hải quân Việt Nam và lực lượng của Trung Quốc tại đảo đá Gạc Ma ở Biển Đông, trong lúc truyền thông chính thống đăng tin rầm rộ hơn về sự kiện mà trước đây chỉ được nhắc tới nhiều trên mạng xã hội.

Cuộc xung đột giành quyền kiểm soát tại quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988, còn được gọi là “trận hải chiến Gạc Ma”, thường được các nhà hoạt động và những người dùng mạng xã hội nhắc tới và kỷ niệm vào dịp này nhưng hầu như không được ghi nhận trên truyền thông do Nhà nước kiểm soát cho tới những năm gần đây.

Tuy nhiên lễ kỷ niệm sự kiện xảy ra cách đây 34 năm đã được nhắc tới nhiều trên truyền thông trong những ngày vừa qua với sự mở đầu là chuyến đi khảo sát thực địa của Thủ tướng Chính tại Cam Lâm ở Khánh Hoà, nơi đặt đài tưởng niệm 64 liệt sỹ hy sinh trong trận chiến bảo vệ chủ quyền tại ba đảo đá – gồm Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao – thuộc huyện Trường Sa của tỉnh Khánh Hoà.

Ông Chính hôm 12/3 đã dâng hương tưởng niệm và tri ân các liệt sỹ tại khu tưởng niệm này ở xã Cam Hải Đông. Theo truyền thông trong nước, người đứng đầu chính phủ Việt Nam đã ghi vào sổ vàng lưu niệm khẳng định rằng “64 chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng, quên mình để bạo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.”

Theo VietNamNet, chuyến thăm của ông Chính “lập tức thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận trong nước bởi có lẽ đây là lần đầu tiên, người đứng đầu Chính phủ đến dâng hương tưởng niệm, tri ân các liệt sỹ tại khu tưởng niệm chiến sỹ Gạc Ma” ở Cam Lâm, chỉ hai ngày trước lễ kỷ niệm 34 năm ngày “Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm trái phép đảo đá chìm Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.”

“So với bao nhiêu năm về trước, lần này tôi thấy rất phấn khởi khi có thủ tướng đến thăm tượng đài ‘Vòng tròn Bất tử’ tổ chức ở (Cam Lâm),” ông Trương Văn Hiền, người từng tham gia trận đánh Gạc Ma cách đây 34 năm, bày tỏ cảm xúc với VOA về chuyến thăm của ông Chính. “Từ xưa đến giờ chưa có lần nào như vậy.”

Mô tả về trận chiến ngày 14/3/1988, ông Hiền cho biết vụ xung đột nổ ra vào 6 giờ sáng ngày hôm đó.

“Hai bên tranh giành nhau, sau đó Trung Quốc rút về tàu và chúng dùng hoả lực tấn công bộ đội Việt Nam,” ông Hiền, thuộc Trung đoàn 6 của Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam khi tham gia trận chiến, nói. “Sau khoảng 15 phút thì hoả lực (của Trung Quốc) đánh chìm tàu (của Việt Nam), một số anh em hy sinh, một số bị thương. Bản thân tôi bị thương, gãy tay, gãy 2 sườn.”

Khu tưởng niệm "Vòng tròn bất tử", dành cho 64 lính hải quân Việt Nam bị Trung Quốc giết hại trong trận Gạc Ma, ở Cam Lâm, Khánh Hoà.

Nhận định về việc người đứng đầu chính phủ Việt Nam lần đầu tới dâng hương tưởng niệm liệt sỹ Gạc Ma, ông Phan Trọng Khang, một nhà hoạt động ở Hà Nội từng bị bắt giam vì tham gia biểu tình chống Trung Quốc, cho rằng đây là một sự thay đổi đáng mừng dù còn chậm.

“Chính phủ, tôi cho là, đã thay đổi dần trong 10 năm nay, và đến ông Phạm Minh Chính thì thấy rõ hơn,” ông Khang, người trước đây thường tham gia các nhóm tổ chức tưởng niệm sự kiện Gạc Ma và Chiến tranh biên giới tại tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội, nói. “Thời ông Nguyễn Xuân Phúc (làm thủ tướng) có chuyển biến nhưng chưa rõ như thời (ông Chính) và tôi cho đây là một tín hiệu rằng (chính phủ) dần dần đi về phía lề dân.”

Đầu năm nay, ông Chính cũng gây bất ngờ khi đến dâng hương đặt vòng hoa tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Việt Nam năm 1979. Theo truyền thông trong nước, ông Chính tới thăm khu tưởng niệm Pò Hèn ở Móng Cái hôm 26/1 và nhắc nhở rằng “mỗi người dân là một chiến sỹ, một cột mốc bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước.”

Trước đó hơn một tháng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến dâng hương, dâng hoa viếng anh hùng liệt sỹ tại nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Vị Xuyên, một chiến trường được xem là “ác liệt chống quân Trung Quốc xâm lược” trong suốt 10 năm của cuộc chiến tranh biên giới, từ 1979 đến 1989.

Các cuộc chiến tranh biên giới và hải chiến Gạc Ma thường được truyền thông Trung Quốc nhắc tới như những chiến thắng của họ trong khi báo chí Việt Nam dè dặt đưa tin. Tuy nhiên, trong những ngày vừa qua, các tờ báo lớn đều đăng tải nhiều bài viết về sự kiện Gạc Ma, trong đó nói rằng “lịch sử thì không thể không nhắc nhớ” và rằng “chúng ta không bao giờ quên.”

Trong khi các báo như VnExpress, Thanh Niên, Tuổi Trẻ và Lao Động có nhắc tới Trung Quốc là phía chiến đấu với Việt Nam trong trận Gạc Ma, thì báo Viet Nam Plus của Thông Tấn Xã Việt Nam hay báo Quân đội Nhân dân lại không nhắc tới điều này.

Ông Khang cho rằng có sự thay đổi và cởi mở hơn trên truyền thông chính thống trong việc đưa tin về các cuộc xung đột của Việt Nam với Trung Quốc trong thời gian gần đây nhưng vẫn còn “né tránh nói thẳng đến kẻ xâm lược.”

“Nhắc lại (lịch sử) một cách thẳng thắn, không né tránh và rõ ràng hơn về sự kiện Gạc Ma cũng là một cách để tập hợp lòng yêu nước của dân chúng,” ông Khang nói và cho biết ông “mong mỏi một sự trưởng thành hơn (của chính phủ) trong việc bày tỏ thái độ với Trung Quốc.”

Còn ông Hiền, người bị giam ở Quảng Đông của Trung Quốc trong gần 4 năm sau trận Gạc Ma, cho rằng trận hải chiến này đuợc làm sáng tỏ hơn trong những năm gần đây khi được truyền thông chính thống đưa tin. Người thương binh này hy vọng rằng những thông tin về trận chiến này được đưa đầy đủ và chính xác hơn nữa trên truyền thông để người dân Việt Nam biết tường tận hơn sự việc xảy ra thế nào và những sự hy sinh của các chiến sỹ trong việc bảo vệ biển đảo của Việt Nam.