Việt Nam xem giá trị dân chủ, nhân quyền như kẻ thù

Từ phải sang: Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy, Lê Hữu Minh Tuấn, Lê Anh Hùng, Phạm Đoan Trang, Hồ Sỹ Quyết. Việt Nam vẫn đang bỏ tù những nhân vật này. (Photo Tập hợp từ Facebook)

Võ Ngọc Ánh


Các giá trị phổ quát, cơ bản của con người về dân chủ, nhân quyền bị hệ thống chính trị của Việt Nam biến thành kẻ thù của chế độ. Điều này khiến quốc gia tốn nhiều ngân sách, công sức để đối phó, đề phòng, đến bắt bớ, bỏ tù.

Do đó, Việt Nam không xứng đáng để để được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Vi phạm nhân quyền với chính người dân

Ngày 22/2, tại cuộc họp thường kỳ lần thứ 46 của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc ở Geneva, ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đưa ra thông báo, Việt Nam sẽ ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025.

Trước đó, từ năm 2014 – 2016, Việt Nam lần đầu tiên được bầu vào của Hội đồng này. Đáng buồn tình hình nhân quyền ở Việt Nam từ đó đến nay không hề được cải thiện. Các chỉ dấu trên thực tế đều cho thấy nhân quyền tại Việt Nam ngày càng đi xuống với hàng loạt các vụ bắt bớ trong các năm qua.

Vi phạm về nhân quyền của Cộng Sản Việt Nam với chính người dân trong nước ngày càng nghiêm trọng. Không thể không nhắc đến rạng sáng ngày 9/1/2020, chính quyền thành phố Hà Nội tấn công vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức khiến bốn người bị chết. Sau đó là những bản án rất nặng cho chính các nạn nhân với cáo trạng cho chính quyền nhào nặn nên.

Nó dễ dàng được thấy qua việc bắt, xử tù nặng ba nhà báo của Hội Nhà báo Độc lập, chỉ vì họ bày tỏ suy nghĩ trong ôn hòa. Bắt nhà báo Phạm Thành, vì ông có những bài viết, sách về ông Nguyễn Phú Trọng. Bắt ba mẹ con bà Cấn Thị Thêu vì họ lên tiếng bảo vệ, giúp đỡ nạn nhân trong các vụ việc tranh chấp đất đai với chính quyền. Đưa Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động, tác giả không mệt mỏi để phổ biến các giá trị dân chủ, nhân quyền cho người dân bằng một ngôn ngữ dễ hiểu vào ngục. Đầu năm 2021, tòa án tỉnh Hậu Giang xét xử nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thủy với bản án bảy năm tù chỉ vì cô nói lên trăn trở của mình trên mạng xã hội…

Trong năm 2020, Việt Nam đã bắt giữ 66 người, và đã có 62 người bị kết án. Hiện Việt Nam đang giam giữ khoảng 250 tù nhân lương tâm.

Đánh giá về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2020, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch – HRW), “Việt Nam tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản”.

Ngày 8/1 năm nay, bà Rivina Shamdasani, phát ngôn viên của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã nhận định, “Việt Nam gia tăng đàn áp”.

Tổ chức Freedom House vào ngày 3/3, đã công bố báo cáo, xếp Việt nam vào nước “không có tự do” với 19 trên thang điểm 100. Trong đó quyền tự do chính trị ở Việt Nam chỉ ở điểm 3, và quyền tự do dân sự với điểm số 16. Trong tình hình nhân quyền tồi tệ, Việt Nam mất một điểm so với đánh giá cũng của tổ chức này vào năm ngoái.

Có quá nhiều vấn đề ‘kỵ húy’ với nhà cầm quyền, được lý giải mập mờ để dễ bề bắt bớ, kết tội trong các điều 109, 116, 331 của Bộ Luật Hình sự 2015. Đặc biệt điều 117, của bộ luật này để kết án nhiều người trong các bản án nặng nề được thấy trong trong hai năm qua.

Xem Hội đồng Nhân quyền như lớp sơn che mắt vi phạm

Trước hàng loạt vi phạm về nhân quyền trắng trợn ngay chính với người dân trong nước, nên tiếng nói của Việt Nam về dân chủ, nhân quyền ra bên ngoài không dứt khoát, thiếu trọng lượng. Việt Nam như mù mắt với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông, Myanma… Do đó, Việt Nam chưa thể hiện sự có đóng góp tích cực cho nhân quyền trên phạm vi thế giới.

Bất chấp một thực tế bê bết trong nước, sự thể hiện nhạt nhòa trên bình diện quốc tế, ông Phạm Bình Minh vẫn cố gắng gượng ép đồng nhất việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước là thúc đẩy được quyền con người.

Ông Phạm Bình Minh đưa thành quả kiểm soát đại dịch Covid 19 ở Việt Nam là đảm bảo quyền con người thật không thỏa đáng. Trên thực tế, Việt Nam lấy lý do ngăn ngừa dịch bệnh để vi phạm quyền tự do của công dân một cách quá đáng. Thực trạng Việt Nam là gì? Là hăng với thành tính chống dịch để vi phạm quyền tự do tối thiểu vốn rất hạn hẹp, bỏ qua các lợi ích, công sức khác của người dân.

Do đó, ông Bộ trưởng Bộ ngoại giao nếu có sự tử tế không nên đồng nhất giữa chống dịch và nhân quyền. Như thế sẽ thành thật hơn.

Việc cố chen chân vào Hội đồng Nhân quyền của Việt Nam xem ra giống như việc tạo lớp sơn để che mắt sự vi phạm các giá trị cơ bản của con người thay vì để học hỏi, sửa chữa.

Chỉ đến khi chính quyền Việt Nam chấm dứt xem các giá trị dân chủ, nhân quyền như kẻ thù; loại bỏ việc canh chừng, sách nhiễu, bắt bớ, bỏ tù những nhà hoạt động trong lĩnh vực này; lúc đó sẽ rất xứng đáng để Việt Nam ứng cử và được tôn trọng trong hội đồng về nhân quyền.