Việt Nam vừa chính thức phê duyệt kế hoạch phát triển điện hạt nhân với mục tiêu đưa một lò phản ứng vào hoạt động và cấp điện vào thập niên tới, đây là một chiến lược đầy tham vọng nhằm nâng cao an ninh năng lượng và đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, Bloomberg và Bangkok Post đưa tin hôm 7/2.
Hai trang tin này dẫn lại một thông cáo đăng trên trang web của chính phủ Việt Nam nói rằng đất nước Đông Nam Á này đã thiết lập khuôn khổ pháp lý và có kế hoạch xây dựng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng nghiên cứu cần thiết để phát triển năng lượng nguyên tử từ nay cho đến năm 2030.
Bộ Công thương Việt Nam đề xuất đưa ít nhất một nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động trong giai đoạn 2031-2035, theo dự thảo sửa đổi Kế hoạch phát triển điện VIII (PDP8), được công bố trên trang web của bộ trong tuần này để lấy ý kiến, Bloomberg và Bangkok Post tường thuật. Bản PDP8 sửa đổi dự kiến sẽ được chuyển đến cấp có thẩm quyền phê duyệt vào ngày 28/2.
Việt Nam là quốc gia mới nhất nhắm đến khai thác năng lượng hạt nhân, là nguồn cung cấp điện không phát thải carbon 100% thời gian và có thể giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Tuy nhiên, bản tin trên Bloomberg và Bangkok Post lưu ý rằng các công ty điện ở các nước như Pháp và Mỹ đều gặp khó khăn trong việc xây dựng lò phản ứng đúng tiến độ và đúng ngân sách, và tham vọng của Việt Nam có thể không thành hiện thực.
Vẫn theo Bloomberg và Bangkok Post, tuy rằng Việt Nam có quan hệ chặt chẽ với Nga, và năng lượng hạt nhân có thể là thành tố tạo ra các mối liên kết lâu dài giữa 2 nước, song dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam với các đối tác nước ngoài khác trong tháng này cùng lúc Việt Nam đánh giá các phương án của mình.
Dự thảo PDP8 sửa đổi nêu ra kịch bản khái quát là sẽ xây nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I với hai lò phản ứng, mỗi lò có công suất 1.200 megawatt, dự kiến sẽ hoạt động trong giai đoạn 2031-2035, còn nhà máy Ninh Thuận II, cũng có hai lò phản ứng, dự kiến sẽ hoạt động chậm nhất vào khoảng 2036-2040.
Hãng điện lực nhà nước EVN và hãng dầu khí PetroVietnam được chỉ định là những nhà đầu tư cho hai nhà máy mang tên Ninh Thuận ở miền trung Việt Nam, với thời hạn hoàn thành dự án là ngày 31/12/2031, chính phủ cho biết trong thông cáo, được Bloomberg và Bangkok Post dẫn lại.
Việc khôi phục 2 dự án Ninh Thuận đã được xác nhận vào tháng 11/2024 sau khi các nhà máy này bị tạm dừng vào năm 2016 do chi phí xây dựng cao và có những lo ngại về độ an toàn. Theo kế hoạch ban đầu, những đối tác thực hiện 2 dự án là Nga và Nhật Bản.