Việt Nam hợp tác với công ty Trung Quốc để phát triển đường sắt

Hai tổng Giám đốc của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (trái) và Tập đoàn Thông tin tín hiệu Đường sắt Trung Quốc trao đổi tại một cuộc gặp mặt.

Tổng Công ty Đường sắt của nhà nước Việt Nam vừa ký kết Biên bản ghi nhớ với Công ty hữu hạn Tập đoàn Thông tin tính hiệu Đường sắt Trung Quốc để hợp tác phát triển đường sắt, theo Báo Chính phủ cho biết hôm 18/12.

Việt Nam đã tiếp cận Trung Quốc để xin tài trợ và công nghệ cho các dự án lớn nhằm phát triển hệ thống đường sắt của mình, trong đó có 3 tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc và một tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến TPHCM, vốn là trung tâm thương mại của đất nước ở phía nam.

Theo tuyên bố được Báo Chính phủ trích dẫn, thỏa thuận sẽ mở đường cho sự hợp tác về quy hoạch, xây dựng, đào tạo và vận hành đường sắt ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Hồng Hà, tại buổi tiếp Chủ tịch Tập đoàn Thông tin tín hiệu đường sắt Trung Quốc Lâu Tề Lương trước đó hôm 17/12, đã đề nghị tập đoàn này hợp tác để triển khai 3 tuyến đường sắt kết nối chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc theo thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao 2 nước cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM, theo Báo Chính phủ.

Vẫn theo ghi nhận của tờ báo chính thức của Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Trung Quốc khẳng định sẵn sàng tham gia đầu tư với hình thức phù hợp để triển khai các dự án này.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tuần trước, Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã trao đổi thỏa thuận giữa hai chính phủ về hợp tác xây dựng 3 tuyến đường sắt kết nối hai nước. Chủ trương xây dựng các tuyến đường sắt này nằm trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai-Con đường đầy tham vọng của Bắc Kinh và được nhất trí trong các cuộc gặp Tô Lâm-Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 8 và Phạm Minh Chính-Lý Cường ở Hà Nội hồi giữa tháng 10.

Tháng trước, Quốc hội Việt Nam đã thông qua một nghị quyết ủng hộ dự án trị giá 67 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc từ bắc vào nam, dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2025.