Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam vừa đưa ra danh sách 28 doanh nghiệp sẽ chịu sự kiểm soát đặc biệt về môi trường, trong đó có các dự án Formosa, Bauxit Tây Nguyên, Núi Pháo, các nhà máy thép, nhà máy xử lý chất thải ở Hà Nội và TPHCM… Đây là một đề án được thực hiện theo chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi xảy ra thảm họa môi trường Formosa ở miền Trung.
Phó Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức được Vietnam Plus trích lời cho biết mục tiêu của đề án là “không để bị động như thời điểm năm 2016”.
Vẫn theo giới chức của Bộ TNMT, đề án đưa ra các loại hình doanh nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao như xi măng, nhiệt điện, khai thác khoáng sản và các tiêu chí để kiểm soát dự án ngay từ đầu.
Trong danh sách 28 dự án chịu sự kiểm soát đặc biệt, ngoài dự án thép Formosa, còn có các dự án từng gặp nhiều bất bình và phản đối từ công chúng như dự án bauxit nhôm Tân Rai và Nhân Cơ, dự án sản xuất và chế biến Vonfram Núi Pháo ở Thái Nguyên, dự án Trung tâm điện lực Vĩnh Tân ở Bình Thuận, dự án Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở TPHCM và Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn ở Hà Nội.
Nhiều dự án sản xuất thép, hóa chất, nhà máy lọc dầu cũng được xếp vào diện giám sát đặc biệt.
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, có đến 80% các khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-Xã hội Quốc gia nói những vụ ô nhiễm môi trường trong những năm gần đây đã gây cản trở tăng trưởng kinh tế, khiến Việt Nam mất khoảng 0,6% GDP hàng năm từ nay cho đến năm 2020.
Your browser doesn’t support HTML5