Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cùng các tàu hộ tống trong một cuộc tập trận trên biển Đông. Việt Nam lên tiếng phản đối các hoạt động "của các bên liên quan" trong khu vực biển có tranh chấp mà không có sự đồng ý của Hà Nội.

Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/4 nói các hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông không có sự đồng ý của Hà Nội là phi pháp trong khi Trung Quốc tuần này đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận trên vùng biển có tranh chấp.

Thông tin này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tại một buổi họp báo thường kỳ hôm 19/4 sau khi được phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về các diễn biến gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm các cuộc tập trận và việc đưa máy bay ra đảo đá Vành Khăn.

“Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng và nhất quán và mong muốn các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông,” bà Hằng nói trong phần trả lời phóng viên đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao.

VNExpress trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng “các hoạt động của các bên liên quan ở Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp.”

Phần nhấn mạnh này của bà Hằng tại buổi họp báo không được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao.

Cục Hải sự Trung Quốc hôm 10/4 thông báo về cuộc tập trận ở 7 điểm khác nhau trên biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đến 90% lãnh thổ với đường lưỡi bò 9 đoạn bị tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ trong một phán quyết ra tháng 7/2016.

Hôm 12/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một lễ duyệt binh hải quân trên Biển Đông mà hãng tin Xinhua gọi là lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Tham gia cuộc tập trận gần đảo Hải Nam có hơn 10 ngàn binh sĩ cùng 48 chiến hạm và 76 chiến đấu cơ, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu ngầm mới nhất.

Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc này nằm trong "hoạt động huấn luyện thường xuyên" và các hoạt động tập trận sẽ tiếp tục.

Việc diễn tập của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Việt Nam phải ngừng hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình nhưng nằm gần đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Tháng trước, các nguồn tin của Reuters và BBC cho biết Việt Nam đã yêu cầu công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol dừng các hoạt động thăm dò ngoài khơi của dự án Cá Rồng Đỏ (Red Emperor) dưới sức ép của Bắc Kinh. Tháng 7 năm ngoái, Việt Nam cũng được cho là đã phải dừng thăm dò dầu khí trong một dự án khác với Repsol theo yêu cầu của Trung Quốc.

Báo Daily Inquirer của Philippines hôm 18/4 công bố các hình ảnh cho thấy hai máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc cất/hạ cánh trên đường băng của Đá Vành khăn, một thực thể mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.

Vành Khăn là một trong số 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền của mình “bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình phi pháp,” theo VNExpress.

Hôm 19/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lặp lại tuyên bố thường được đưa ra trước đây về các tranh chấp trên Biển Đông rằng “Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế, có quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”

Trang tin News.com.au hôm 13/4 nhận định rằng hoạt động tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng lo ngại, trong bối cảnh leo thang tranh chấp lãnh thổ, hàng hải ở Biển Đông, Hoa Đông và căng thẳng trên eo biển Đài Loan.

Your browser doesn’t support HTML5

Việt Nam lên tiếng về việc Trung Quốc tập trận trên Biển Đông