Your browser doesn’t support HTML5
Việt Nam đang đàm phán với các nhà thầu quân sự Mỹ và Châu Âu để mua về máy bay phản lực chiến đấu, máy bay tuần tra biển, và máy bay không người lái hầu tăng cường khả năng phòng không trước thế lấn lướt ngày càng hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông.
Reuters ngày 5/6 dẫn các nguồn tin biết rõ về các cuộc đàm phán này cho hay các cuộc thương lượng trước đây chưa từng được tiết lộ có liên quan đến nhà thầu quốc phòng Saab của Thụy Điển, hãng Eurofighter của Châu Âu, chi nhánh quốc phòng của Tập đoàn Airbus, Tập đoàn Lockheed Martin và công ty Boeing của Mỹ.
Các nguồn tin vừa kể nói rằng các nhà thầu quốc phòng này trong những tháng gần đây đã thực hiện nhiều chuyến đi Việt Nam để thảo luận nhưng chưa đạt được thỏa thuận nào sắp tới. Các nguồn tin này đều không muốn nêu danh vì tính nhạy cảm của vấn đề, và một số trong đó cho biết các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp diễn.
Một nhà thầu quốc phòng Tây phương nói với Reuters rằng Hà Nội muốn hiện đại hóa không lực qua việc thay thế hơn 100 máy bay chiến đấu của Nga MiG-21 đã cũ kỹ trong khi muốn giảm bớt sự lệ thuộc vào Moscow về vũ khí.
Nguồn tin này được Reuters dẫn lời nói rằng ‘Việt Nam tỏ ý muốn giảm lệ thuộc vào Nga. Quan hệ tăng tiến với Mỹ và Châu Âu sẽ giúp họ thực hiện việc đó.’
Việt Nam đã đặt mua thêm khoảng một chục chiếc Sukhoi Su-30 của Nga để tăng cường cho hạm đội Sukhoi Su-27, Su-30 cũ hơn.
Sau khi đã tiếp nhận 3 tàu ngầm lớp Kilo do Nga sản xuất, Hà Nội đang chờ nhận thêm 3 chiếc nữa trong hợp đồng trị giá 2,6 tỷ đô la thỏa thuận hồi năm 2009.
Ngoài ra, Việt Nam cũng muốn mua các máy bay do thám không người lái của các nhà thầu quân sự Châu Á và Tây phương.
Nâng cấp không lực sẽ giúp Việt Nam trở thành một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á trong nỗ lực củng cố quốc phòng bảo vệ chủ quyền hải phận, không phận, và lãnh thổ trước sức bành trướng không khoan nhượng từ Bắc Kinh.
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm chủ nhật vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cam kết ngân khoản 18 triệu đô la giúp Hà Nội mua các tàu tuần duyên của Hoa Kỳ.
Nếu Việt Nam tậu được các sản phẩm quốc phòng từ hãng Lockheed Martin hay Boeing thì đó sẽ là các thỏa thuận đáng kể nhất liên quan tới các công ty Mỹ kể từ tháng 10 tới nay khi Washington bắt đầu nới lỏng một phần lệnh cấm vận võ khí sát thương lâu nay đối với Hà Nội.
Giữa bối cảnh tranh chấp Biển Đông leo thang căng thẳng và các chính sách chủ quyền gây hấn của Bắc Kinh, Việt Nam muốn được Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận này. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất là thành tích nhân quyền của chính phủ Hà Nội, điều mà Washington luôn đặt trọng tâm hàng đầu trong mối bang giao Việt-Mỹ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Trong cuộc phỏng vấn mới đây với VOA Việt ngữ, quan chức hàng đầu của Hoa Kỳ về nhân quyền nhấn mạnh Mỹ chỉ mới dỡ bỏ một phần rất nhỏ trong lệnh cấm vận này và khả năng Hoa Kỳ có thể cung cấp thêm vũ khí cho Việt Nam thế nào hoàn toàn tùy thuộc vào tiến bộ nhân quyền từ Hà Nội.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách nhân quyền-dân chủ-lao động, ông Tom Malinowski:
“Chúng tôi đã nới lỏng một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, nhưng đây chỉ là một phần rất nhỏ, cung cấp cho Việt Nam các món hàng nhỏ có liên hệ tới an ninh hàng hải, dĩ nhiên chưa phải là một thỏa thuận toàn diện. Như chúng tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần, việc bán võ khí cho Việt Nam có liên hệ tới nhân quyền của Hà Nội. Nhân quyền là cầu nối đưa tới mối quan hệ mà Hoa Kỳ đang có với Việt Nam, mối quan hệ mà đôi bên có thể có và mong muốn có được. Còn lại là các công tác khó khăn tìm cách từng bước tiến tới đích đến đó.”
Các công ty Lockheed Martin, Saab, Eurofighter, và Airbus đều từ chối bình luận về thông tin liên quan đến các cuộc thương lượng mua bán với Việt Nam.
Trong một email gửi Reuters, công ty Boeing không bình luận chi tiết cụ thể, chỉ nói rằng họ tin là khả năng sản xuất các quân cụ tình báo, do thám, giám sát của họ có thể đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa quân sự của Việt Nam.
Ngân sách quân sự của Việt Nam là bí mật quốc gia, nhưng thống kê của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm cho biết trong năm 2013, Việt Nam đã chi 3,4 tỷ đô la cho quốc phòng, cao hơn gấp đôi so với 10 năm trước.
Dựa vào số thiết bị quân sự Việt Nam đã tậu về trong những năm gần đây, giới phân tích tin rằng chi tiêu quốc phòng của Việt Nam trên thực tế có thể còn cao hơn rất nhiều.
Bộ Quốc phòng Việt Nam không hồi đáp yêu cầu bình luận của Reuteurs liên quan đến thông tin mới được tiết lộ hôm nay.
Trong số các máy bay Việt Nam đang thương lượng để mua về có phản lực cơ chiến đấu Gripen E thế hệ thứ tư và máy bay 2 động cơ tua bin cánh quạt 340 hay 2000 thích hợp cho công tác tuần tra biển của công ty Saab, Thụy Điển, cùng các hệ thống cảnh báo sớm.
Reuters dẫn các nguồn tin khác nhau cho hay Việt Nam đã mở các cuộc thương lượng về các máy bay chiến đấu Typhoon do nhà thầu Eurofighter sản xuất và về các máy bay F/A-50 do công ty Lockheed cùng phát triển với hãng Korea Aerospace Industries của Hàn Quốc.
Một nguồn tin khác nói rằng hãng Boeing muốn bán cho Việt Nam các máy bay hải giám với công nghệ máy bay giám sát P-8 Poseidon không có khả năng chống tàu ngầm.
Hãng sản xuất quốc phòng Airbus Defence đã trao đổi với Việt Nam về việc cung cấp các hệ thống tuần tra biển và cảnh báo sớm trên chiếc C-295 trong khi công ty Airbus Helicopters cũng đã có các cuộc đàm phán sơ khởi với quân đội Việt Nam.
Dù trông đợi một mối quan hệ gần gũi hơn với quốc gia cựu thù Hoa Kỳ, Việt Nam không muốn làm phật lòng nước láng giềng xâm lăng phương Bắc là Trung Quốc.
Theo giới phân tích, Hà Nội đang tìm kiếm ‘một phương thức cân bằng, dần dần, từng bước.’
Trung Quốc chưa bình luận về các diễn tiến này, nhưng sau khi Hà Nội loan báo sắp mở tour du lịch ra Trường Sa trong tháng này, Bắc Kinh hôm nay lên tiếng tố cáo đây là hành động ‘xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.’
Từ cuối năm 2012, các công ty du lịch Trung Quốc đã tổ chức các tour ra đảo Phú Lâm khi Bắc Kinh lập thành phố Tam Sa quản lý hành chính các đảo có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo Reuters/VOA Interview/The Guardian/Times of India
Your browser doesn’t support HTML5