Sau phán quyết của Tòa án trọng tài quốc tế ngày 12/7 phủ nhận bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông, Việt Nam giờ đây cần phải làm gì?
Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay mời các bạn cùng tìm hiểu qua phần hai cuộc thảo luận với 3 luật sư nghiên cứu về vấn đề Biển Đông tại Việt Nam, Mỹ, và Canada.
- Luật sư Vi Trần, một trong những sáng lập viên Tạp chí Luật Khoa, một tờ báo mạng độc lập chuyên đề về luật do các nhà hoạt động trong và ngoài nước khởi xướng. Luật sư Vi có nhiều bài viết về vấn đề Biển Đông đăng trên Tạp chí này và cũng có nhiều mối quan hệ với chính trị gia và các tổ chức xã hội dân sự tại Philippines vận động chống lại đường lưỡi bò Trung Quốc.
- Luật sư Vũ Đức Khanh kiêm Giáo sư luật tại Đại học Ottawa (Canada) chuyên nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế, và luật pháp quốc tế. Từ năm 2009, ông bắt đầu nghiên cứu vấn đề Biển Đông với nhiều bài đóng góp bằng Anh ngữ, Việt ngữ đăng trên nhiều tờ báo tiếng Anh, tiếng Việt về đề tài Biển Đông. Năm 2011, ông từng đưa ra sáng kiến đề nghị giải pháp cho Biển Đông và gửi kiến nghị thư cho Chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ là ông Hồ Cẩm Đào.
- Luật sư Lê Công Định, học giả từng nhận học bổng danh giá Fulbright của Mỹ tại Trường Luật của Đại học Tulane, chuyên nghiên cứu công pháp quốc tế. Từ năm 2008, ông tham gia Quỹ Nghiên cứu Biển Đông do các trí thức trong và ngoài nước thành lập chuyên phân tích về tranh chấp Biển Đông dựa trên cơ sở khoa học, pháp lý, và học thuật.
Bấm vào nghe toàn bộ phần 2 cuộc trao đổi
Your browser doesn’t support HTML5
LS Định: Trước khi có phán quyết này, tôi chủ trương rằng chính quyền Việt Nam nên quan sát để xem hướng giải quyết thế nào. Bây giờ, tôi nghĩ đã đến lúc chính quyền Việt Nam cần phải có một vụ kiện tương tự vì các cơ sở pháp lý giờ đây đã rõ ràng.
LS Khanh: Tôi nghĩ với phán quyết tại Trường Sa, giai đoạn này Việt Nam cũng không cần phải làm nóng vấn đề Trường Sa hơn nữa mà nên hướng tới vấn đề Hoàng Sa nhiều hơn vì đây là việc rất quan trọng trong khi Trung Quốc xưa nay hoàn toàn bác bỏ quan điểm của Việt Nam viện lý do một phần là do Công hàm ông Phạm Văn Đồng ký năm 1958. Tòa Công lý Quốc tế của Liên Hiệp Quốc sẽ xét về vấn đề chủ quyền. Bằng chứng của Việt Nam là từ thế kỷ 17 trở đi, đặc biệt dưới thời nhà Nguyễn, cùng với sự tham gia của Pháp tại Đông Dương trước đây đã chứng minh một phần nơi đây thuộc chủ quyền Việt Nam. Gần nhất là năm 1974 trước khi Sài Gòn sụp đổ, Trung Quốc đã dùng võ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Cho nên, có bằng chứng để đưa Trung Quốc ra trước Tòa Công lý Quốc tế. Việt Nam còn có thể tiến hành các bước tham vấn với Mỹ với lời đề nghị của đại sứ Ted Osius. Tôi khuyến khích Việt Nam nên có cơ chế tham vấn thường trực với Mỹ về vấn đề Biển Đông, đồng thời phải có cơ chế tiến hành đàm phán cụ thể với Trung Quốc.
Trà Mi: Vì sao trước nhất không tập trung ngay điểm nóng Trường Sa đang được quốc tế chú ý thay vì Hoàng Sa?
LS Khanh: Bây giờ trong vấn đề Trường Sa chúng ta có thể được gì trong khi Tòa thường trực đã nêu rõ đường 9 đoạn là vô nghĩa.
Trà Mi: Dù bác bỏ lưỡi bò Trung Quốc nhưng phán quyết đó không có nghĩa là Việt Nam được trực tiếp thừa hưởng chủ quyền đối với vùng biển nằm trong…
LS Khanh: Bây giờ vấn đề chủ quyền phải đưa ra Tòa Công lý Quốc tế vì Tòa thường trực không có thẩm quyền về việc đó. Giải pháp của Trường Sa là một giải pháp của quốc tế chứ không còn của khu vực nữa. Sự đoàn kết giữa các nước trước Trung Quốc là phải đưa ra Liên Hiệp Quốc để Liên Hiệp Quốc tạo ra một cơ chế hợp tác chung giữa các nước trong vùng và phía bên ngoài, hầu đẩy Trung Quốc bước vào bàn đàm phán.
Trà Mi: Luật sư Vi hành nghề ở Mỹ, quan sát và hoạt động rất nhiều tại Philippines về vấn đề Biển Đông, chị dự đoán những gì sẽ xảy ra sau phán quyết này liên quan đến những động thái từ Philippines hay Mỹ?
LS Vi: Em nghĩ giờ Philippines có một phán quyết có lợi, họ sẽ tận dụng tối đa trong việc đàm phán với Trung Quốc, rõ ràng nhất là việc họ vừa từ chối đàm phán song phương với Trung Quốc. Việt Nam sắp tới cần phải cẩn thận, nghiên cứu thêm các hướng pháp lý có thể sử dụng cùng kết quả vụ kiện vừa rồi, xem đâu là những cái có lợi, có hại cho Việt Nam. Đây là lúc Việt Nam thật sự cần sự giúp đỡ của các chuyên gia về Luật Biển quốc tế. Nếu có được sự trợ giúp của Mỹ thì rất tốt. Tập đoàn luật sư giúp Philippines trong vụ kiện vừa rồi là tập đoàn lớn chuyên về luật biển ở Mỹ. Đây là lúc chính phủ Việt Nam phải có những động thái rõ ràng, minh bạch với người dân. Ngoài ra, việc ngư dân Việt liên tục bị tàu tuần tra Trung Quốc gây hại trên Biển Đông, phán quyết vừa rồi có thể giúp được trong vấn đề này. Ít ra chính phủ phải cho dân thấy đứng về người dân khi có những đụng độ trên Biển Đông. Trách nhiệm của chính phủ ít nhất là phải bảo vệ được sự an toàn, nguồn sinh kế trên biển cho ngư dân. Chính phủ cần phải có những động thái rõ ràng và dứt khoát. Trong khi Philippines kiện Trung Quốc, phía Việt Nam có một vài sự tham gia. Hy vọng họ sẽ phát triển theo hướng đó.
Trà Mi: Đề xuất những bước Việt Nam cần làm sau phán quyết này, giải pháp trước mắt và lâu dài, luật sư Định có ý kiến thế nào?
LS Định: Từ 2 năm nay, theo thông tin báo chí, chính phủ Việt Nam cũng đã có tham vấn các hãng luật quốc tế. Vấn đề hiện nay là Trung Quốc vẫn tiếp tục gây khó khăn cho ngư dân Việt trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Đó là cơ sở để chúng ta yêu cầu Tòa trọng tài xem xét để xác định rõ là Việt Nam có quyền chủ quyền, quyền tài phán trên thềm lục địa của mình mà Trung Quốc không được quyền cản trở. Do đó, một vụ kiện tương tự như Philippines sẽ rất hữu ích cho chúng ta bảo vệ quyền lợi cho ngư dân.
Trà Mi: Liệu Mỹ sẽ có những bước quả quyết hơn , can dự sâu hơn về vấn đề Biển Đông sau phán quyết này?
LS Định: Hệ quả phán quyết này cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không có quyền lịch sử nào đối với Biển Đông, nên các nước đều có quyền được tự do hàng hải. Do đó, tôi nghĩ Mỹ sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn để khẳng định quyền tự do hàng hải của các nước, đặc biệt là của tàu bè Mỹ.
Trà Mi: Phán quyết Biển Đông cho thấy quốc tế đã có cùng tiếng nói. Còn nội tình ở Việt Nam giữa người dân và chính phủ thế nào?
LS Định: Tôi không thấy có cách nào để người dân và chính phủ hiểu nhau được nữa. Chủ nhật vừa rồi, một nhóm người muốn biểu lộ ủng hộ phán quyết lại bị chính quyền ra tay bắt bớ, trấn áp. Người dân muốn bảo vệ chủ quyền quốc gia và quyền lợi ngư dân trên Biển Đông trong khi chính quyền Việt Nam không có thái độ tích cực, mà rụt rè, dè dặt rất sợ sệt Trung Quốc, không muốn làm mất lòng Trung Quốc chút nào trong vấn đề Biển Đông. Cho nên, để đạt được tiếng nói chung giữa nhà nước với người dân thì càng ngày càng xa vời, trừ phi nhà nước phải gửi một thông điệp rất rõ ràng rằng những tiếng nói ôn hòa ủng hộ việc Việt Nam củng cố chủ quyền ở Biển Đông không bị đàn áp.
Trà Mi: Người dân Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ quốc tế?
LS Khanh: Sáng kiến của nhóm luật sư Vi cũng đang làm rất nhiều việc nhắm về mặt xã hội dân sự để làm cho những tiếng nói khác biệt với chính phủ Việt Nam ngày càng lớn tiếng hơn. Cộng đồng người Việt bên ngoài cũng đã nỗ lực hết sức để lên tiếng với quốc tế. Thái độ của chính quyền Việt Nam, vấn đề nội trị của Việt Nam mới chính là điểm chính chứ không phải là vấn đề ngoại giao. Người dân và chính quyền có thể đứng chung một hàng ngũ nhưng điều tiên quyết là đảng cộng sản cần có những thay đổi chính trị cần thiết để đưa Việt Nam thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Làm sao thực thi được quyền tự quyết của người dân Việt thông qua bầu cử tự do, dân chủ để Việt Nam hội nhập với những giá trị mà cộng đồng quốc tế đang theo đuổi. Từ đó, tiếng nói của Việt Nam sẽ càng ngày càng lớn mạnh. Đảng cầm quyền hiện tại là một đảng phản động, đi ngược lại quyền lợi và nguyện vọng của dân tộc. Cho nên, vấn đề hiện tại là thuyết phục cho đảng nhìn ra được đâu là con đường họ cần phải đi. Cần giải quyết nội trị của Việt Nam trước rồi mới có thể giải quyết tất cả mọi chuyện khác. Thông qua các phương tiện truyền thông độc lập, chúng ta cần nói rõ cho người dân hiểu đảng cộng sản hiện tại là một cản lực cho sự phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước. Những người có cùng quan điểm hãy ngồi lại đưa ra yêu sách đòi hỏi chính quyền Việt Nam thực thi tất cả các quyền hiến định bằng cách đưa ra lộ trình cải tổ chính trị. Đó là sinh lộ cho đảng cộng sản, cho dân tộc Việt Nam.
LS Vi: Những người ở hải ngoại có tìm hiểu về Biển Đông như luật sư, học giả nên tìm cách mang thông tin về phán quyết Biển Đông đến người dân Việt Nam càng nhiều càng tốt để dân hiểu được đây là việc chính phủ Việt Nam có thể làm nếu quan tâm đến chủ quyền và an nguy dân tộc. Ngoài ra, qua kinh nghiệm làm việc ở Philippines, em thấy các chính trị gia, các tổ chức dân sự, giới luật sư, thẩm phán đều nỗ lực thúc đẩy buộc chính phủ phải kiện Trung Quốc. Các tổ chức này có thể đóng góp ý kiến, giúp người dân Việt Nam tìm phương pháp đối thoại với chính phủ. Những người ở hải ngoại có thông tin, phương tiện hãy giúp lan tỏa thông tin đến dân chúng Việt Nam càng nhiều càng tốt. Càng nhiều bài viết, đơn giản hóa, phổ cập thông tin càng tốt. Người Việt ở Mỹ hoàn toàn có thể viết kiến nghị thư hay gặp gỡ các dân biểu để bày tỏ nguyện vọng về vấn đề Biển Đông.
LS Khanh: Giới học thuật, luật sư ở hải ngoại nên viết nhiều bài phân tích về Biển Đông. Người Việt trẻ hải ngoại nên dấn thân nhiều hơn nữa vào đời sống sinh hoạt chính trị dòng chính tại các nước chúng ta đang cư ngụ. Chúng ta không chỉ kêu gọi mà cần có thế, lực buộc họ phải làm những việc chúng ta yêu cầu.
Trà Mi: Giới chuyên môn, nghiên cứu trong nước có thể góp phần thế nào?
LS Định: Giới học thuật ở Việt Nam về vấn đề Biển Đông rất ít và yếu, hầu như không có tiếng nói nào có thể ảnh hưởng được tới nhà nước cả dù đã có nhiều kiến nghị. Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và một số học giả độc lập khác cũng đã đề xuất các giải pháp nhưng cho tới nay chính quyền Việt Nam hoàn toàn im lặng trước các giải pháp đó. Giới nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị, nhưng cũng chẳng biết tác động nào có thể giúp chính quyền suy nghĩ lại hoặc lắng nghe. Chúng ta phải kiên trì kêu gọi nhà nước nhìn lại vấn đề để làm sao những người có thẩm quyền quyết định vấn đề này phải đặt quyền lợi của đất nước lên trên hết, chứ không phải quyền lợi của đảng cầm quyền.
Trà Mi: Chân thành cảm ơn quý vị đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.