Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mới cho biết rằng Việt Nam “hoan nghênh” khả năng Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un gặp nhau ở Hà Nội, nơi chính quyền từng có quan hệ nồng ấm với Bình Nhưỡng.
Đây là phản ứng chính thức đầu tiên sau khi xuất hiện bình luận cho rằng Hà Nội có thể là địa điểm “lý tưởng” cho hội nghị thượng định dự kiến diễn ra vào tháng Năm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Bắc Hàn.
Theo báo chí Việt Nam, trả lời đài SBS Australia hôm 18/3 trong khi tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Úc tham dự hội nghị giữa nước này và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ông Minh nói rằng “nếu họ chọn Hà Nội hay bất cứ nơi nào ở Việt Nam thì chúng tôi đều hoan nghênh”.
Nhà ngoại giao kiêm nhiệm chức phó thủ tướng Việt Nam còn “hoan nghênh động thái hòa giải” giữa Mỹ và Bắc Hàn.
Ít ngày trước đó, Tiến sỹ Vũ Minh Khương, hiện giảng dạy về chính sách công tại Đại học Quốc gia Singapore, nêu lý do vì sao Hà Nội nên được chọn làm địa điểm của cuộc gặp.
VOA tiếng Việt đã liên hệ phỏng vấn với học giả gốc Việt, nhưng ông cho biết đang đi công tác nên “không thể bố trí trả lời ngay”.
Đối với Việt Nam, một quyết định tổ chức cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội sẽ làm nổi bật vị thế mạnh hơn của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu Hà Nội cảm thấy hấp dẫn vì điều đó, họ có thể tiếp cận cả hai bên thông qua các kênh ngoại giao mật để nhấn mạnh tới việc sẵn sàng đảm nhiệm vai trò một nước chủ nhà ân cần và kín đáo.Chuyên gia David Brown nói.
Ông David Brown, cựu quan chức ngoại giao Mỹ từng làm việc ở Việt Nam, đồng quan điểm với nhận định của ông Khương về biểu tượng mang tính hòa giải giữa hai quốc gia cựu thù, và nói thêm rằng sự chọn lựa Hà Nội “gián tiếp cho thấy Bắc Hàn có thể hưởng lợi từ chính sách đổi mới” như Việt Nam.
“Đối với Việt Nam, một quyết định tổ chức cuộc gặp giữa Mỹ và Bắc Hàn ở Hà Nội sẽ làm nổi bật vị thế mạnh hơn của Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu Hà Nội cảm thấy hấp dẫn vì điều đó, họ có thể tiếp cận cả hai bên thông qua các kênh ngoại giao mật để nhấn mạnh tới việc sẵn sàng đảm nhiệm vai trò một nước chủ nhà ân cần và kín đáo”, ông Brown nói với VOA tiếng Việt.
Hiện phía Mỹ và Bắc Hàn chưa thống nhất nơi tổ chức cuộc họp thượng đỉnh, trong khi truyền thông cũng như các chuyên gia nêu lên một số nơi như Bắc Kinh, Trung Quốc, đồng minh lớn còn sót lại của Bình Nhưỡng, hay làng Bàn Môn Điếm trên vùng phi quân sự phân chia hai miền bán đảo Triều Tiên.
Những ngày qua, Việt Nam được nhắc tới nhiều trên truyền thông nước ngoài trong khi diễn ra dồn dập các nỗ lực ngoại giao quốc tế về Bắc Hàn ở nhiều nơi như Thụy Điển hay Phần Lan.
Theo dự kiến, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ tới Việt Nam vào ngày 22/3 trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, với trọng tâm trong nghị trình dự kiến sẽ là Bắc Hàn.
Trước đó, nữ ngoại trưởng nước này, bà Kang Kyung-wha, tới Việt Nam và đã có các cuộc gặp với ông Minh cũng như chào xã giao Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Năm ngoái, theo báo chí Hàn Quốc, người tiền nhiệm của bà Kyung-wha đã tới Hà Nội để tìm cách “ghìm cương” Bắc Hàn sau khi nước này thực hiện các vụ thử tên lửa.
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Jim Mattis đã bày tỏ sự “trân trọng” và “cám ơn” đối với Hà Nội vì “sự hậu thuẫn đối với vấn đề Bắc Hàn”.
Bình Nhưỡng từng hỗ trợ vật chất cho “quốc gia anh em cộng sản” trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, quan hệ giữa hai nước cùng theo chế độ xã hội chủ nghĩa không phải luôn luôn nồng ấm, nhất là sau khi Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Seoul hồi đầu những năm 90.
Ông Phạm Tất Dong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt – Triều, năm ngoái từng cho VOA Việt Ngữ biết rằng quan hệ Việt Nam - Bắc Hàn ở trong tình thế “tế nhị” và “mọi liên hệ sẽ cố gắng hạn chế”, nhất là sau khi Bình Nhưỡng bất chấp các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Hiện chưa rõ mối quan hệ này đã được cải thiện hay chưa.