Việt Nam và Nhật Bản vào ngày 10/2 tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng lần thứ 11, cam kết hợp tác vì hòa bình và phát triển trong khu vực và thế giới.
Ông Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, và ông Kano Koji, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản, đồng chủ trì Đối thoại chính sách quốc phòng Việt-Nhật lần thứ 11 diễn ra tại Fukuoka, Nhật Bản, theo Thông Tấn xã Việt Nam (TTXVN).
“Tại cuộc đối thoại, hai bên đã trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu và khu vực cùng quan tâm”, TTXVN tường thuật.
Ông Chiến bày tỏ mong muốn Nhật Bản tiếp tục mở rộng loại hình đào tạo, tăng cường số lượng học bổng cho học viên Việt Nam cũng như hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh..., theo trang Quân Đội Nhân Dân (QĐND).
Liên quan đến vấn đề Biển Đông, ông Chiến nhấn mạnh cần tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đồng thời đẩy mạnh đàm phán để hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.
Về phần mình, ông Kano nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ với Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng. Ông khẳng định Nhật Bản ủng hộ việc đề cao luật pháp quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực chung nhằm xây dựng môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, theo QĐND.
Tháng 12 năm ngoái, Nhật Bản và Việt Nam tổ chức Đối thoại Đối tác Chiến lược, trong đó hai bên xác nhận sẽ hiện thực hóa hợp tác trong các lĩnh vực an ninh và an ninh kinh tế theo “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới”, được nâng cấp vào tháng 11/2023 và thảo luận về hợp tác, bao gồm hợp tác về thiết bị quốc phòng và công nghệ, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản.
Cuộc đối thoại hôm 10/2 diễn ra vài ngày sau khi Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Washington hôm 7/2, với việc hai bên khẳng định quyết tâm theo đuổi “một thời kỳ hoàng kim mới” cho quan hệ Mỹ-Nhật nhằm duy trì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời mang lại hòa bình và thịnh vượng cho một thế giới đang đầy bạo lực và hỗn loạn, theo tuyên bố của Nhà Trắng.
Hai nhà lãnh đạo nhắc lại sự phản đối mạnh mẽ của họ đối với bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc cưỡng ép ở Biển Hoa Đông, đồng thời phản đối các yêu sách biển trái pháp luật, quân sự hóa các thực thể được cải tạo cũng như các hoạt động đe dọa và khiêu khích ở Biển Đông của Bắc Kinh.